Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 20/05/2016-11:19:00 AM
Hội thảo quốc gia về Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững
(MPI) – Trong khuôn khổ dự án liên vùng, tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển để lồng ghép phát triển bền vững vào chiến lược quốc gia và chuẩn bị triển khai thực hiện Chương trình nghị sự 2030 (CTNS 2030) tại Việt Nam, ngày 19-20/5/2016, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan của Liên hợp quốc về các vấn đề kinh tế và xã hội (UNDESA) tổ chức Hội thảo quốc gia về CTNS 2030 vì sự phát triển bền vững.

Bà Nguyễn Lệ Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Phó Chánh Văn phòng Phát triển bền vững, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Minh Hậu (MPI)

CTNS 2030 vì sự phát triển bền vững đã được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc từ ngày 25-27/9/2015 tại New York đưa ra một khuôn khổ toàn cầu mới xây dựng trên cơ sở hoàn thiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) và Chương trình nghị sự 21 về phát triển bền vững. CTNS 2030 xác định 17 mục tiêu chung bao gồm: Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; Chấm dứt tình trạng thiếu đói, bảo đảm an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng, thúc đẩy nông nghiệp bền vững; Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và thúc đẩy phúc lợi cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi; Đảm bảo giáo dục có chất lượng toàn diện, công bằng và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người; Đạt được bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái; Đảm bảo tính sẵn có, quản lý bền vững nước và vệ sinh cho mọi người; Đảm bảo mọi người được tiếp cận với nguồn năng lượng có giá cả trong khả năng chi trả, đáng tin cậy, bền vững và hiện đại; Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, việc làm năng suất, đầy đủ cho tất cả mọi người; Xây dựng cơ sở hạ tầng kiên cố, thúc đẩy công nghiệp hóa bền vững, toàn diện và tăng cường phát minh, sáng kiến; Giảm bất bình đẳng trong và giữa các quốc gia; Xây dựng các đô thị và cộng đồng dân cư toàn diện, an toàn, có khả năng chống chịu và bền vững; Đảm bảo mô hình sản xuất và tiêu thụ bền vững; Hành động khẩn cấp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và những tác động của nó; Bảo tồn và sử dụng một cách bền vững các nguồn lực biển, đại dương để phát triển bền vững; Bảo vệ, khôi phục và tăng cường sử dụng bền vững hệ sinh thái trái đất, quản lý rừng bền vững, đấu tranh chống lại việc chặt phá rừng, ngăn chặn và phục hồi sự suy giảm đất và quá trình suy thoái đa dạng sinh học; Khuyến khích các hiệp hội vì hòa bình và tính bao trùm xã hội thực hiện phát triển bền vững, tạo điều kiện tiếp cận với công lý cho tất cả mọi người và xây dựng các thể chế hiệu quả, có tính giải trình và bao phủ toàn diện; Tăng cường phương thức thực hiện và thúc đẩy đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững.

CTNS 2030 có độ bao phủ chính sách phổ quát, rộng lớn, toàn diện, với 5 tôn chỉ hành động bao gồm: Chấm dứt đói nghèo ở mọi khía cạnh, phát huy tiềm năng, nhân phẩm của con người và tăng cường bình đẳng; Bảo vệ hành tinh khỏi xuống cấp, thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất bền vững, quản lý tài nguyên thiên nhiên, hành động vì biến đổi khí hậu; Bảo đảm mọi người được hưởng cuộc sống thịnh vượng, đầy đủ và bảo đảm tiến bộ về kinh tế, xã hội và công nghệ; Xây dựng xã hội hòa bình, công bằng, vì mọi người, không còn sự sợ hãi và bạo lực; Huy động các nguồn lực cần thiết, tăng cường các quan hệ đối tác toàn cầu, tăng cường tính đoàn kết, dựa vào sự tham gia của tất cả các nước, các nhóm đối tượng và mọi người dân. CTNS 2030 là kết quả của quá trình tham vấn rộng rãi của các nước thành viên Liên hợp quốc, trong đó có Việt Nam với vai trò rất tích cực và chủ động.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Hậu (MPI)

Trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam được coi là một quốc gia đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong thực hiện MDGs, các thành tựu đạt được đã tạo ra những thay đổi to lớn đối với cuộc sống của người dân. Việt Nam cũng được coi là một quốc gia tích cực triển khai Chương trình nghị sự 21 thông qua việc ban hành Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Trong bối cảnh hiện nay, những thách thức về kinh tế - xã hội, môi trường và đặc biệt là những tác động của biến đổi khí hậu, những vấn đề mới nổi trên bình diện toàn cầu nói chung và trong nước nói riêng đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đảm bảo duy trì và phát huy những kết quả đạt được, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển trong CTNS 2030. Bên cạnh huy động các nguồn lực tài chính cho các SDGs, việc tăng cường hỗ trợ giữa các bên liên quan, đặc biệt là tăng cường năng lực lồng ghép các SDGs vào các chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển quốc gia.

Hội thảo nhằm trao đổi, chia sẻ kiến thức và tăng cường năng lực để thực hiện CTNS 2030 và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Cụ thể, nâng cao nhận thức cho các cơ quan liên quan về nội dung CTNS 2030, xác định các hoạt động cần triển khai để lồng ghép CTNS 2030 vào Chiến lược phát triển quốc gia, tăng cường sự phối hợp giữa Chính phủ và các cơ quan liên quan để thực hiện các mục tiêu của CTNS 2030.

Tham dự Hội thảo, các đại biểu được nghe phổ biến các nội dung liên quan đến CTNS 2030 bao gồm: Giới thiệu CTNS 2030; Từ các MDGs đến CTNS 2030: cần hành động để chuyển đổi; Cùng thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; Cân bằng các nguồn lực, phối hợp với các bên liên quan để thực hiện CTNS 2030; Theo dõi, đánh giá và thu thập dữ liệu cho CTNS 2030; Chuẩn bị cho việc lồng ghép SDGs vào chiến lược, kế hoạch quốc gia./.

Nguyễn Hương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 3639
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)