Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 02/06/2016-17:17:00 PM
Thể chế - khâu đột phá quan trọng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định xây dựng thể chế là công việc rất quan trọng, là khâu đột phá mà Đảng, Nhà nước đã xác định, kìm hãm hay phát triển chính là do thể chế, do vậy cần phải dành nhiều thời gian hơn nữa cho công tác xây dựng thể chế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Phát triển hay kìm hãm chính là do thể chế, phải dành
thời gian nhiều hơn cho công tác xây dựng thể chế. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

“Thể chế, thể chế và thể chế” - thông điệp nổi tiếng và quen thuộc này của thế giới được Thủ tướng nhắc đi nhắc lại tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 đang diễn ra.

Theo yêu cầu của Thủ tướng, trong ngày đầu tiên của phiên họp (ngày 1/6), Chính phủ thảo luận về công tác xây dựng thể chế trước khi thảo luận các vấn đề kinh tế-xã hội. Trong đó, nổi lên vấn đề xây dựng, ban hành các nghị định về điều kiện đầu tư, kinh doanh.

Theo thống kê của Văn phòng Chính phủ (VPCP), cần ban hành tổng cộng 49 nghị định như vậy và tới ngày 31/5 các bộ mới trình Chính phủ 35 nghị định, còn thiếu 14 nghị định. Báo cáo của VPCP cũng chỉ rõ các bộ còn “nợ” và số lượng văn bản nợ.

Sau báo cáo của VPCP, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các bộ còn nợ đọng văn bản chưa trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, phải báo cáo giải trình nghiêm túc tại phiên họp.

Kết luận về vấn đề này sau khi nghe ý kiến các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại quan điểm xây dựng thể chế là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ. Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, các Thứ trưởng đều phải tập trung vào công tác này.

Cần dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng thể chế

“Đây chính là nút thắt quan trọng, là khâu đột phá mà Đảng, Nhà nước đã xác định. Thể chế, thể chế và thể chế. Phát triển hay kìm hãm chính là do thể chế. Xử lý từng vụ việc cụ thể rất quan trọng nhưng phải dành thời gian nhiều hơn nữa cho công tác thể chế”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, vừa qua chúng ta đã có biện pháp mạnh nhưng việc nợ đọng văn bản hướng dẫn vẫn còn nhiều, đây là tình trạng đã diễn ra nhiều năm mà chưa được khắc phục, trong khi luật không có hướng dẫn thì không đi vào cuộc sống được.

Thủ tướng chỉ rõ, có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng nguyên nhân chính là các Bộ trưởng chưa quan tâm trực tiếp chỉ đạo vấn đề này, dù vấn đề khó, phức tạp nhưng nếu tập trung thì vẫn giải quyết được. Thủ tướng đánh giá cao quyết tâm của các Bộ trưởng tại phiên họp về việc xây dựng kịp tiến độ các văn bản được giao.

Thủ tướng nhắc lại yêu cầu tất cả các nghị định về điều kiện kinh doanh phải được ban hành trước thời điểm 1/7/2016, không để chậm trễ, không để còn nợ đọng sau ngày 1/7, không để xuất hiện “khoảng trống pháp luật”. Đồng thời, phải bảo đảm chất lượng các văn bản này, bằng các giải pháp như các bộ trực tiếp làm việc, thảo luận với nhau để gỡ vướng mắc. Bên cạnh đó, quy trình rút gọn nhưng phải bảo đảm công khai, minh bạch, lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động. Sau khi ban hành, những điểm nào không phù hợp với thực tiễn thì phải sửa đổi kịp thời. VPCP và Bộ Tư pháp phải thường xuyên đôn đốc, báo cáo Thủ tướng, trực tiếp kiểm tra, trực tiếp làm việc với các tổ biên tập, ban soạn thảo để giải quyết từng vướng mắc.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng phải “thấm" tinh thần của phiên họp Chính phủ là tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, dù thể chế là lĩnh vực khó khăn, khô khan, phức tạp.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các bộ phải thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, kiên quyết loại bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, không cần thiết.

Thủ tướng chỉ rõ, quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch, người dân và doanh nghiệp đọc là hiểu ngay, đơn giản hóa tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm, theo tinh thần hậu kiểm là chính, tăng cường giao dịch qua môi trường mạng để tạo thuận lợi cho phát triển, chống tiêu cực, nhũng nhiễu. Thủ tướng tiếp tục nhắc lại những quan điểm này khi cho ý kiến về các dự thảo văn bản có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, như các dự thảo Pháp lệnh Giống vật nuôi, Pháp lệnh Giống cây trồng.

Thủ tướng cũng lưu ý các Bộ trưởng, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì nay không còn các thông tư liên tịch, các vấn đề thuộc thẩm quyền nhiều bộ phải được quy định tại Nghị định. “Như vậy để tăng cường trách nhiệm cá nhân của các Bộ trưởng ký ban hành thông tư, của Thủ tướng ký ban hành nghị định, không còn tình trạng ’cha chung không ai khóc’”, Thủ tướng phân tích.

Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2016. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Bảo đảm tiến độ

Phát biểu tại phiên họp, các Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý tới vấn đề chất lượng của các dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị trong thời gian này, Văn phòng Chính phủ (VPCP) và các bộ, ngành trực tiếp làm việc, trao đổi về từng điểm, từng nội dung còn thấy vướng mắc, bất hợp lý.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý, do thời gian gấp, các dự thảo được xây dựng, ban hành theo quy trình rút gọn, nên có thể có một số nội dung không phù hợp với thực tiễn. Do đó, từ nay cho đến khi văn bản được chính thức ban hành, VPCP và Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cần tiếp tục rà soát, các bộ tiếp tục lấy ý kiến các đối tượng tác động về những điểm chưa phù hợp.

Cùng quan điểm này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị tránh tình trạng chỉ “nâng cấp” một cách cơ học từ thông tư lên nghị định. Với những nội dung còn ý kiến khác nhau, Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo VPCP trực tiếp làm việc với các bộ, những vấn đề lớn liên quan đến quan điểm thì lãnh đạo Chính phủ sẽ trực tiếp làm việc với các bộ để giải quyết. “Như thế có thể giải quyết rất nhanh những vấn đề mà theo trình tự thông thường phải mất hàng quý”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Đây cũng là lưu ý của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Theo Bộ trưởng, phần lớn các dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh mới chỉ “nâng cấp” một cách cơ học từ cấp thông tư, mà chưa bãi bỏ các điều kiện không còn phù hợp, không cần thiết, chưa làm rõ những điều kiện còn chưa cụ thể, rõ ràng, tức là chưa đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ. Theo Bộ trưởng, sau thời điểm 1/7, phải tiếp tục rà soát lại các điều kiện kinh doanh theo tinh thần đổi mới của Chính phủ.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã báo cáo cập nhật tình hình xây dựng từng văn bản được giao.

Các Bộ trưởng đều cam kết trong một vài ngày tới, các bộ về cơ bản sẽ trình Chính phủ đầy đủ các dự thảo văn bản, đặc biệt là các dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư - mà theo chỉ đạo của Thủ tướng là phải được ban hành trong tháng 6 để kịp thời có hiệu lực từ 1/7/2016 theo yêu cầu luật định./.

Hà Chính
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1325
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)