Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 06/06/2016-15:33:00 PM
Thủ tướng thúc giục toàn tỉnh Lâm Đồng cùng khởi nghiệp phát triển
"Cả tỉnh Lâm Đồng phải cùng khởi nghiệp phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương nhân chuyến thăm Lâm Đồng chiều 4/6.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Giữ vững thương hiệu Đà Lạt cho đất nước

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng bày tỏ ấn tượng với sự phát triển kinh tế-xã hội của Lâm Đồng thời gian qua.

Tỉnh Lâm Đồng đã phát triển theo hướng bền vững là kết hợp kinh tế, xã hội và môi trường, Thủ tướng nêu rõ nhưng cho rằng, Lâm Đồng chưa thể hài lòng với kết quả đạt được khi vẫn còn đối diện nhiều khó khăn như còn dựa nhiều vào nguồn hỗ trợ từ Trung ương; xuất khẩu giảm 17%; diện tích sản xuất nông nghiệp thu hẹp do hạn hán; giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt thấp…

Trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng, Thủ tướng đặt vấn đề: “Sắp tới, Lâm Đồng sẽ có sản phẩm gì để hội nhập?” và yêu cầu tỉnh phải vươn ra thị trường thế giới, phải kết nối với các nền kinh tế trong khu vực, phải mở cửa bầu trời.

Thủ tướng yêu cầu Lâm Đồng khẩn trương có kế hoạch triển khai Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo cách thức đổi mới, sáng tạo, góp phần cùng cả nước đạt mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020; tiếp tục thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

“Cả tỉnh Lâm Đồng phải cùng khởi nghiệp phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu tỉnh tiếp tục thực hiện chủ trương tái cơ cấu kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, xã hội hóa mạnh mẽ các đơn vị sự nghiệp công lập.

Lâm Đồng cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cập nhật tình hình biến đổi khí hậu để điều chỉnh quy hoạch, nhất là quy hoạch sử dụng đất, nước, cơ cấu nông nghiệp; có giải pháp khắc phục thiệt hại do nắng hạn; huy động các nguồn lực để xây dựng, nâng cấp hệ thống hồ đập. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo. “Phải giữ thương hiệu Đà Lạt cho đất nước”, Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần lãnh đạo là truyền cảm hứng chứ không phải ra mệnh lệnh cho sự phát triển, phải dựa vào dân, thông qua thể chế, cơ chế, chính sách khuyến khích sự phát triển.

“Các đồng chí phải gánh cho cả Tây Nguyên nên phải phát triển mạnh hơn, cách mạng hơn”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhất trí với các kiến nghị, đề xuất của TP. Đà Lạt, giao các bộ, ngành chức năng xem xét, giải quyết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm đồng bào dân tộc xã N’Thol Hạ (huyện Đức Trọng).
Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Điểm sáng nông nghiệp công nghệ cao

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã báo cáo tình hình phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua với điểm nhấn đầu tiên là nông nghiệp có bước phát triển vượt bậc. Giá trị thu hoạch/ha năm 2015 đạt 145 triệu đồng (tăng 1,9 lần so với năm 2010).

Đến nay, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm gần 16% và chiếm trên 30% giá trị thu nhập của ngành nông nghiệp. Lợi nhuận đạt trên 40% doanh thu.

Riêng đối với rau, giá trị thu hoạch đến 450-500 triệu đồng/ha, đối với hoa, giá trị thu hoạch đạt 800 triệu-1,2 tỷ đồng/ha. Hệ thống nhà kính, nhà lưới phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với khoảng 4.000 ha.

Lĩnh vực dịch vụ du lịch có bước phát triển tốt. Năm 2015, Lâm Đồng đón 5 triệu lượt khách, trong 5 tháng đầu năm 2016, đón gần 2,2 triệu lượt khách, tăng 9,4% so với cùng kỳ; ngày lưu trú bình quân đạt 2,4 ngày.

Về phương hướng nhiệm vụ 5 năm tới, tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu trọng tâm là tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển mạnh dịch vụ du lịch và phát triển có chọn lọc ngành công nghiệp.

Tỉnh phấn đấu đạt 4 mục tiêu về nông nghiệp: Thương hiệu số 1 Việt Nam; cụm sản xuất số 1 xuất khẩu cho Nhật Bản; điểm du lịch nông nghiệp hàng đầu của Việt Nam và trung tâm đào tạo nguồn nhân lực hàng đầu cho khu vực Tây Nguyên.

Trước mắt, Lâm Đồng khẩn trương hoàn thiện dự án xây dựng chiến lược thương hiệu, quảng bá nông sản và du lịch nông nghiệp của tỉnh vào tháng 3/2017.

Với thế mạnh nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân 8-9%, thu nhập bình quân đầu người đến 2020 đạt 70-73 triệu đồng (khoảng 3.200-3.500 USD), tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,5-2%...

Tại buổi làm việc, tỉnh cũng kiến nghị cấp thẩm quyền cho khởi công tuyến đường Dầu Giây-Tân Phú vào cuối năm 2016; chấp thuận chủ trương và cho Lâm Đồng triển khai thực hiện "Chương trình phát triển Đà Lạt xanh và bền vững” từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, ODA của Ngân hàng Thế giới hoặc Ngân hàng Phát triển châu Á trong giai đoạn 2016- 2020; hỗ trợ đầu tư khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; ưu tiên bố trí vốn đầu tư một số công trình thủy lợi cấp thiết…

Cơ bản đồng tình với các đề xuất của tỉnh Lâm Đồng, đại diện các bộ, ngành cho rằng đầu tư cho Lâm Đồng chính là đầu tư cho cả Tây Nguyên, tạo động lực cho cả vùng phát triển.

Các ý kiến hiến kế cho Lâm Đồng tập trung vào 2 “điểm cao” là nông nghiệp công nghệ cao và du lịch chất lượng cao.

Theo đó, tỉnh phải đẩy mạnh hơn nữa nông nghiệp công nghệ cao, tập trung vào 4 sản phẩm chính là hoa, rau, nấm, dược liệu để có thể trở thành trung tâm nông nghiệp lớn của cả nước; xây dựng Đà Lạt thành trung tâm du lịch chất lượng cao của Việt Nam, khu vực và quốc tế dựa trên lợi thế cảnh quan thiên nhiên, khí hậu, bản sắc văn hóa.

Thủ tướng tặng quà cho các cháu thiếu nhi xã N’Thol Hạ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

*Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm đồng bào dân tộc xã N’Thol Hạ (huyện Đức Trọng). Nói chuyện với bà con, Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đời sống người dân được nâng cao, xã N’Thol Hạ đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới.

Thủ tướng mong muốn bà con tiếp tục đoàn kết, phấn đấu để “không chỉ xóa đói giảm nghèo mà phải có thêm nhiều hộ giàu hơn, cuộc sống ấm no hơn”./.

Đức Tuân
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1209
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)