(Ảnh minh họa: Lê Đức Hoảnh/TTXVN) Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, nhật báo “Tin tức Chùa Kinh đô” (Nokorwat News Daily) của Campuchia số ra ngày 14/6 có bài viết trên trang nhất kèm ảnh với nội dung cho rằng quan hệ kinh tế Campuchia-Việt Nam còn nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển.
Mở đầu bài báo nhắc lại việc Liên doanh Vinamilk khánh thành nhà máy sữa Angkor, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) khai trương chi nhánh thứ tám tại Campuchia, Nhà máy chế biến mủ cao su của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) xây dựng tại tỉnh Kongpong Thom… và coi đó là “những điểm sáng trong mối quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam-Campuchia đang không ngừng phát triển mạnh mẽ chỉ trong vòng một năm qua”.
Bài viết cho rằng những con số ấn tượng về kim ngạch thương mại và giá trị đầu tư đủ nói lên sự gần gũi và bền chặt của mối quan hệ láng giềng song phương, ngoài ra những phân tích gần đây của các chuyên gia đều nhất trí tiềm năng và cơ hội đẩy mạnh hợp tác kinh tế giữa Campuchia và Việt Nam còn rất lớn.
Trong bối cảnh Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được hình thành vào cuối năm 2015, có thể nói chưa bao giờ doanh nghiệp hai nước lại có một cơ hội tốt như vậy để cùng mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.
Với thuận lợi là hai quốc gia láng giềng có chung đường biên giới dài hơn 1.000 km và nhiều sự tương đồng về văn hóa, xã hội, Campuchia và Việt Nam đang hướng đến mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 5 tỷ USD/năm trong thời gian tới.
Trong 3 năm qua, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt khoảng 3,4 tỷ USD/năm, tăng trưởng thương mại bình quân 5,8%.
Theo các cơ quan chuyên môn hữu quan, trong giai đoạn 1997-1999, kim ngạch thương mại hai chiều chỉ mới đạt khoảng 130-150 triệu USD/năm, nhưng từ năm 2005 đã tăng trung bình khoảng 30-40%/năm.
Cụ thể, năm 2007 đạt hơn 1,2 tỷ USD, năm 2008 đạt 1,6 tỷ USD, năm 2009 đạt 1,33 tỷ USD, năm 2010 đạt 1,8 tỷ USD và năm 2011 đạt 2,8 tỷ USD. Tính đến hết năm 2015, kim ngạch thương mại song phương Campuchia-Việt Nam đạt 3,37 tỷ USD. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định mục tiêu đưa kim ngạch lên 5 tỷ USD là hoàn toàn nằm trong tầm tay …
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia. Ngoài ra, Việt Nam luôn dẫn đầu về số lượng du khách đến Campuchia trong những năm gần đây; đồng thời Việt Nam cũng là điểm đến hàng đầu của du khách Campuchia khi ra nước ngoài.
Bài viết dẫn lời Tham tán Công sứ Nguyễn Bảo, Trưởng Cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại Campuchia, cho biết về đầu tư, tính lũy kế đến tháng 5/2016, các doanh nghiệp Việt Nam đã có 183 dự án với 2,85 tỷ USD đăng ký đầu tư tại Campuchia. Việt Nam tiếp tục là một trong 5 nước có giá trị đầu tư lớn nhất tại Campuchia. Nhiều dự án có động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội Campuchia trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, năng lượng, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông…
Ngoài các lĩnh vực thương mại, tài chính, sản xuất hàng tiêu dùng, lĩnh vực hợp tác nông nghiệp Campuchia-Việt Nam được coi là đang đi vào chiều sâu, vững chắc. Tháng 8/2015, tại lễ cắt băng khánh thành Nhà máy chế biến mủ cao su của VRG, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát khẳng định Chính phủ Việt Nam tiếp tục chủ trương nhất quán củng cố và phát triển quan hệ hợp tác toàn diện với Campuchia trên các lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp.
Phó Thủ tướng Campuchia, ông Yem Chhay Ly khẳng định dự án trồng cao su của các doanh nghiệp Việt Nam ở Campuchia nói chung đã góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng và xóa đói giảm nghèo cho người dân Campuchia.
Khẳng định cơ hội đầu tư hợp tác Campuchia-Việt Nam còn nhiều triển vọng, bài viết dẫn lời các chuyên gia kinh tế cho rằng để tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác trên lĩnh vực kinh tế, các cơ quan hữu quan hai nước cần chú trọng việc đơn giản hóa các thủ tục kinh doanh, thủ tục tạm nhập tái xuất.
Bài báo kết luận, với nhiều chính sách phát triển kinh tế đất nước của Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Hun Sen, kinh tế thương mại của Campuchia ngày càng đạt được nhiều thành tựu đem lại lợi ích cho nhân dân Khmer, góp phần vào chính sách xóa đói giảm nghèo của Chính phủ Hoàng gia nhiệm kỳ V; đồng thời tăng cường quan hệ tốt đẹp, hữu nghị, truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài Campuchia-Việt Nam, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển trong khu vực và trên thế giới./.