(MPI) – Ngày 24/6/2016, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp báo công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2016. Theo đó, CPI tháng 6 năm 2016 tăng 0,46% so với tháng trước, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2016 tăng 1,72% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 10 nhóm hàng tăng giá, trong đó nhóm hàng dịch vụ giao thông tăng cao nhất với mức tăng 2,99%; Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,55%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,21%; Văn hóa - giải trí và du lịch tăng 0,18%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,06%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%; Giáo dục tăng 0,06%; Hàng hóa và dịch vụ tăng 0,03%. Chỉ có nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,06%.
|
Bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê
phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Đức Trung (MPI) |
Phát biểu tại buổi họp báo, bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê cho biết, nguyên nhân làm tăng CPI tháng 6 năm 2016 là do giá xăng tăng 920 đồng/lít, dầu diezen tăng 880 đồng/lít vào các ngày 20/5/2016 và ngày 04/6/2016. Đây là nhân tố dẫn đến chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 6,46% so với tháng trước góp phần tăng CPI chung khoảng 0,27%.
Đặc biệt, Chỉ số nhóm thực phẩm tăng 0,36% do ảnh hưởng tâm lý người tiêu dùng lo ngại về hiện tượng cá chết hàng loạt tại một số tỉnh miền Trung nên người tiêu dùng chuyển sang các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, do thời tiết nắng nóng, khô hạn đã ảnh hưởng đến diện tích rau trồng nên giá rau tăng cao kéo dài ở các tỉnh miền Trung và miền Nam. Đồng thời, do thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện tăng cao, góp phần làm CPI chung cả nước tăng 0,03%. Nhóm du lịch tăng mạnh bởi tháng 6 là thời điểm học sinh nghỉ hè nên nhu cầu du lịch tăng, chỉ số nhóm du lịch trọn gói tăng 0,48% so với tháng trước.
|
Ảnh: Đức Trung (MPI) |
CPI 6 tháng đầu năm 2016 có tốc độ tăng tương đối thấp so với cùng kỳ các năm trước, bình quân mỗi tháng tăng 0,39%. Tuy nhiên, từ nay đến hết năm 2016 có nhiều nguyên nhân gây áp lực lên CPI như giá dịch vụ y tế, giá dịch vụ giáo dục, giá xăng dầu…
Một số nguyên nhân gây tăng CPI 6 tháng đầu năm 2016 như: Giá dịch vụ y tế tăng theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 có hiệu lực từ ngày 01/3/2016 gây nên giá các mặt hàng dịch vụ y tế tăng 23,12%. Đồng thời, do thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ làm cho chỉ số giá nhóm giáo dục 6 tháng năm 2016 tăng 4,47% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, do mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở các doanh nghiệp tăng từ ngày 01/01/2016 và lương cơ sở tăng từ 01/5/2016 nên giá một số loại dịch vụ tăng.
Ngoài ra, yếu tố thị trường, do thiên tai và thời tiết bất lợi đã tác động lên việc tăng CPI 6 tháng năm 2016. Thời tiết 6 tháng năm 2016 khắc nghiệt hơn những năm trước, rét đậm, rét hại vào tháng 02 trên toàn miền Bắc đã ảnh hưởng đến giá rau tươi và tháng 4, tháng 5 xảy ra khô hạn ở miền Trung và Tây Nguyên, xâm nhập mặn tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã gây giá lúa gạo trên thị trường tăng cao. Bình quân 6 tháng đầu 2016 chỉ số giá nhóm lương thực tăng 0,69% so với cùng kỳ năm trước./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư