Tại buổi họp Chính phủ tổ chức chiều 30/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Chí Dũng đã đưa ra dự báo về mức lạm phát cả năm 2016 có thể tăng cao hơn mục tiêu quốc hội đề ra.
Lạm phát cả năm 2016 có thể vượt mức 5% mà Quốc hội đề ra. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Một trong những nguyên nhân theo Bộ trưởng là khu vực nông lâm thủy sản tăng trưởng âm sau 6 tháng, trong đó nông nghiệp giảm 0,73% đã để lại hậu quả nặng nề cho mùa vụ sau.
Bên cạnh đó, thâm hụt ngân sách đang ở mức cao do mức chi ngân sách vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Năm 2015 bội chi tăng lên 6,1% GDP, cao hơn mục tiêu đề ra trong kế hoạch 5 năm 2011-2015 là 4,5% và khả năng năm 2016 mức bội chi vẫn vượt trần cho phép.
"Khả năng lạm phát có thể sẽ vượt mức 5% mà nghị quyết của Quốc hội đề ra trong năm 2016," Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo.
Đến thời điểm này, giá dầu thô đã chạm ngưỡng 50 USD/thùng, tăng khoảng 20 USD/ounce so với mức bình quân của năm 2015. Cộng thêm sự sụt giảm về sản lượng của nhóm hàng nông lâm sản đã ảnh hưởng lớn đến mặt bằng giá cả những tháng đầu năm.
Tính trong tháng 6, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,46% so với tháng trước và tăng 2,35% so với tháng 12 năm 2015, trong đó chỉ số giá các nhóm dịch vụ y tế tăng 34,02%, dịch vụ giáo dục tăng 2,61% trong khi các chỉ số này 6 tháng đầu năm 2015 chỉ là 0,98% và 0,13%.
Trong tháng, có 10/11 nhóm hàng chính tăng giá trong tháng trong đó tăng cao nhất là nhóm giao thông với mức tăng 2,99% so với tháng trước. Ngoài ra, giá xăng dầu tăng 2 lần từ ngày 20/5 đến ngày 4/6 dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 6,46% so với tháng trước.
Ngoài ra, chỉ số giá nhóm hàng lương thực, thực phẩm 6 tháng đầu năm nay cũng đã tăng khá mạnh so với mức tăng của năm 2015. Với những diễn biến phức tạp của thời tiết năm nay, giá của các mặt hàng này được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2016.
Cũng do tác động của giá dầu thô thế giới khiến nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng cao thứ 2 với mức tăng 0,55%. Chỉ số giá tiêu dùng nhóm hàng này tăng chủ yếu do các mặt hàng dầu hỏa và giá gas bán lẻ trong nước tăng liên tục trong thời gian qua trong khi giá các mặt hàng vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép ổn định.
Theo dự báo, dư địa tăng giá của dầu thô và ảnh hưởng từ sự sụt giảm của nhóm nông lâm sản sẽ tiếp tục gây áp lực lên mặt bằng giá và đầu vào của nhiều ngành sản xuất.
Trước thực tế trên, để tạo đà cho tăng trưởng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ cần kiên trì với giải pháp tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm pháp, đảm bảo an sinh xã hội.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, đồng thời cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh và thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài qua đó tạo động lực để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.
Trước đó, tại buổi họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính về việc không điều chỉnh giá bán lẻ điện trong năm 2016.
Về giáo dục, Thủ tướng chỉ đạo cần thúc đẩy đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập, tính kết cấu chi phí theo giá dịch vụ với lộ trình thích hợp, tránh điều chỉnh học phí cùng thời điểm giá dịch vụ y tế để hạn chế tác động đột biến đến giá cả tiêu dùng. Với giá dịch vụ đầu vào năm học mới, Bộ Giáo dục và đào tạo cần làm tốt công tác chuẩn bị; tránh tình trạng tăng giá./.