(MPI) – Nhằm triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong năm 2016, ngày 29/7/2016, tại thành phố Hải Phòng, Quỹ Phát triển DNNVV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hải Phòng tổ chức Hội thảo “Khởi động các chương trình cho vay năm 2016”.
Bà Hoàng Thị Hồng, Giám đốc Quỹ Phát triển DNNVV và ông Nguyễn Quang Minh, Trưởng phòng Vốn tín dụng Quốc tế, Ngân hàng Vietcombank chủ trì Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI)
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Hoàng Thị Hồng, Giám đốc Quỹ Phát triển DNNVV (Quỹ) cho biết, hiện cả nước có hơn 500 nghìn DNNVV, chiếm khoảng 98% tổng số các doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, đóng góp khoảng 45% GDP, 33% tổng thu ngân sách Nhà nước và tạo ra khoảng 62% việc làm trong toàn bộ khu vực DN. Mặc dù đông về số lượng nhưng trên thực tế các DNNVV vẫn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận tài chính, chủ yếu do lãi suất vay vốn của các ngân hàng thương mại còn cao và điều kiện cho vay khó đáp ứng, điều này không chỉ giới hạn khả năng phát triển của các DN mà còn ảnh hưởng đến tiềm lực của toàn bộ nền kinh tế.
Trước thực trạng đó, Quỹ được thành lập mang sứ mệnh tìm ra giải pháp giúp các DN nâng cao khả năng kinh doanh, giảm thiểu rủi ro và phát triển bền vững. Quỹ có chức năng hỗ trợ DNNVV có dự án, phương án sản xuất - kinh doanh khả thi thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích của Nhà nước, phù hợp với mục đích hoạt động của Quỹ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của DN, góp phần làm tăng thu nhập, tạo việc làm cho người lao động.
Coi thành công của DN là mục tiêu cốt lõi, bà Hoàng Thị Hồng khẳng định, Quỹ luôn tuân thủ nguyên tắc hoạt động, bám sát với nhu cầu của DN trong mỗi giai đoạn phát triển, đồng hành hỗ trợ toàn diện cho DN thông qua hai hình thức hỗ trợ tài chính và tăng cường năng lực.
Theo ông Hoàng Quyết Thắng, chuyên viên Phòng Nghiệp vụ Ủy thác, Quỹ Phát triển DNNVV, chương trình hỗ trợ năm 2016, Quỹ triển khai hoạt động vay vốn thông qua ngân hàng ủy thác với lãi suất và thời hạn ưu đãi, cùng với các hoạt động tăng cường năng lực nhằm đảm bảo hiệu quả của khoản vay. Cụ thể, khoản vay tối đa lên tới 30 tỷ đồng, thời hạn không quá 10 năm và thời gian ân hạn trả gốc tối đa lên tới 24 tháng. Với khoản vay ngắn hạn lãi suất là 5%/năm, khoản vay trung và dài hạn lãi suất ổn định 7%/năm, lãi suất sẽ cố định trong suốt thời hạn vay và sẽ được xem xét giảm nếu lãi suất thương mại thấp hơn lãi suất của Quỹ.
Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, Quỹ triển khai 4 chương trình hỗ trợ tài chính cho các DNNVV có dự án, phương án sản xuất - kinh doanh, vay vốn để thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản phục vụ sản xuất, bao gồm các chương trình hỗ trợ: Đổi mới sáng tạo; Tham gia vào chuỗi sản xuất, chế biến và bảo quản nông, lâm và thủy sản; Sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ cho ngành điện tử, cơ khí; Quản lý và xử lý rác thải, nước thải. Về quy trình vay vốn từ Quỹ, gồm 4 bước nộp đơn xin vay vốn, thẩm định hồ sơ, ra quyết định cho vay và giải ngân.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI)
Tại Hội thảo, đại diện Ngân hàng Vietcombank, một trong ba ngân hàng thương mại được ủy thác cho vay từ Quỹ chia sẻ về cách thức tiếp cận vốn thông qua Ngân hàng Vietcombank với DNNVV, đặc biệt là đối tượng DN đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Hội thảo cũng đã nhận được những ý kiến, kiến nghị từ các Hiệp hội DNNVV và các DNNVV.
Trước áp lực của việc hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, sau các hiệp định thương mại tự do, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước những thách thức, cũng là cơ hội cho sự phát triển, bà Hoàng Thị Hồng nhận định, khối các DNNVV là bộ phận quan trọng, góp một phần không thể thiếu trong thành công chung của quá trình tăng trưởng kinh tế, đồng thời cam kết Quỹ sẽ hỗ trợ tối đa cho các DN, khơi dậy tiềm năng từ các đơn vị nhỏ bé nhất để hướng tới một nền kinh tế vĩ mô bền vững./.
Đức Trung
Bộ Kế hoạch và Đầu tư