(MPI) – Ngày 22/7/2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư số 10/2016/TT-BKHĐT quy định chi tiết việc giám sát, theo dõi và kiểm tra hoạt động đấu thầu.
Thông tư quy định về việc giám sát, theo dõi việc tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu trong quá trình lựa chọn nhà thầu và lựa chọn nhà đầu tư; Việc ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện công tác đấu thầu, phân cấp trong đấu thầu; Kiểm tra đào tạo về đấu thầu; Việc lập và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; Kiểm tra việc tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; Tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư qua mạng; Ký kết hợp đồng; Tình hình thực hiện báo cáo về công tác đấu thầu; Thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát, theo dõi về công tác đấu thầu và các hoạt động khác liên quan đến đấu thầu.
Nguyên tắc tổ chức giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu cần được thực hiện tuân theo pháp luật, trung thực, khách quan, kịp thời và bảo mật thông tin; Không can thiệp, gây phiên hà, cản trở quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; Không làm ảnh hướng đến việc thực hiện trách nhiệm của chủ đầu tư, bên mời thầu. Nội dung giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu gồm: lựa chọn nhà thầu và lựa chọn nhà đầu tư. Trong đó, quy định giám sát, theo dõi đối với lựa chọn nhà thầu bao gồm: Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu; Tổ chức lựa chọn nhà thầu; Đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; Thẩm định và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu; Hoàn thiện, ký kết hợp đồng. Nội dung giám sát, theo dõi đối với lựa chọn nhà đầu tư bao gồm: Chuẩn bị lựa chọn nhà đầu tư; Đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; Thẩm định và phê duyệt kết quả sơ tuyển, kết quả lựa chọn nhà đầu tư; Đàm phán, hoàn thiện và ký kết hợp đồng. Quy trình giám sát, theo dõi đối với lựa chọn nhà thầu và nhà đầu tư được quy định cụ thể tại Điều 11 và 12 của Thông tư.
Nguyên tắc tổ chức kiểm tra phải tuân theo pháp luật, bảo đảm chính xác, khách quan, công khai, minh bạch và kịp thời; Tiến hành độc lập song có sự phối hợp và phân định rõ thẩm quyền giữa các cơ quan kiểm tra; Không chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đơn vị được kiểm tra, nội dung và thời gian kiểm tra giữa các cơ quan kiểm tra; Trường hợp có sự trùng lặp về đơn vị được kiểm tra thì ưu tiên cho cơ quan quản lý chuyên ngành hoặc cơ quan cấp trên.
Kiểm tra hoạt động đấu thầu có 2 hình thức: kiểm tra định kỳ (tiến hành kiểm tra theo kế hoạch thường xuyên hằng năm được người đứng đầu cơ quan kiểm tra phê duyệt) và kiểm tra đột xuất (tiến hành kiểm tra theo từng vụ việc khi có vướng mắc, khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật về đấu thầu… theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ…) theo phương thức kiểm tra trực tiếp hoặc yêu cầu báo cáo. Kiểm tra trực tiếp là phương thức được áp dụng chủ yếu trong việc kiểm tra hoạt động đấu thầu; Yêu cầu báo cáo là phương thức áp dụng chủ yếu trong các vụ việc cụ thể phục vụ việc chỉ đạo điều hành kịp thời của người đứng đầu cơ quan các cấp theo thẩm quyền. Căn cứ nhiệm vụ cụ thể, một cuộc kiểm tra có thể được thực hiện theo một hoặc kết hợp cả hai phương thức kiểm tra trên.
Thông tư quy định rõ, thời gian kiểm tra trong hoạt động đấu thầu đối với việc lựa chọn nhà thầu trực tiếp tại cơ sở của một đơn vị được kiểm tra tối đa là 7 ngày làm việc kể từ ngày công bố Quyết định kiểm tra và trong thời hạn tối đa là 20 ngày kể từ ngày kết thúc kiểm tra Đoàn kiểm tra phải có báo cáo kiểm tra. Trường hợp cuộc kiểm tra phức tạp và liên quan đến nhiều đơn vị được kiểm tra thì thời gian thực hiện kiểm tra trực tiếp tại cơ sở của các đơn vị được kiểm tra tối đa là 15 ngày kể từ ngày công bố Quyết định kiểm tra (trong đó thời gian kiểm tra trực tiếp đối với một đơn vị được kiểm tra không quá 7 ngày làm việc) và trong thời hạn tối đa là 40 ngày kể từ ngày kết thúc kiểm tra trực tiếp Đoàn kiểm tra phải có Báo cáo kiểm tra. Người đứng đầu cơ quan kiểm tra phê duyệt Kết luận kiểm tra theo quy định tại Điều 19 Thông tư này trong thời hạn tối đa là 10 ngày (đối với một cuộc kiểm tra trực tiếp bình thường) và 15 ngày (đối với trường hợp cuộc kiểm tra phức tạp và liên quan đến nhiều đơn vị) kể từ ngày Đoàn kiểm tra trình dự thảo Kết luận kiểm tra.
Thông tư cũng quy định chi tiết việc tổ chức kiểm tra hoạt động đấu thầu, bao gồm: Kế hoạch, quyết định và nội dung kiểm tra hoạt động đấu thầu; Quy trình kiểm tra theo phương thức kiểm tra trực tiếp; Quy trình kiểm tra theo phương thức yêu cầu báo cáo; Xử lý sau kiểm tra; Trách nhiệm của các bên tham gia giám sát, theo dõi; Các bên tham gia kiểm tra và trách nhiệm của Bộ, ngành địa phương.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tổ chức việc giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ; Chủ trì, tổ chức kiểm tra trên phạm vi cả nước đối với các hoạt động đấu thầu được quy định tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư này; Phê duyệt kế hoạch kiểm tra định kỳ, Quyết định kiểm tra và Kết luận kiểm tra hoạt động đấu thầu thuộc các dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư và hoạt động đấu thầu tại các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp nhà nước; Quyết định biện pháp xử lý sau kiểm tra (nếu có); Tổng hợp tình hình thực hiện giám sát, theo dõi và kiểm tra hoạt động đấu thầu hằng năm trên phạm vi cả nước để báo cáo Thủ tướng Chính phủ…Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Thông tư có hiệu lực thi hành, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, các doanh nghiệp nhà nước chỉ đạo việc phân công chức năng, nhiệm vụ kiểm tra hoạt động đấu thầu thuộc phạm vi quản lý của mình và gửi danh sách cơ quan, đơn vị được phân công chức năng, nhiệm vụ kiểm tra hoạt động đấu thầu đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, theo dõi, quản lý và điều hành việc kiểm tra hoạt động đấu thầu trên phạm vi toàn quốc..
Thông tư 10/2016/TT-BKHĐT có hiệu lực kể từ ngày 09/9/2016 và thay thế Thông tư số 01/2011/TT-BKHĐT ngày 04/01/2011 quy định chi tiết kiểm tra về công tác đấu thầu./.
Minh Trang
Bộ Kế hoạch và Đầu tư