Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 21/06/2016-14:30:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 năm 2016 thành phố Đà Nẵng

Công nghiệp

* Chính thức tháng 4/2016, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 13,94% so với tháng 4/2015. Trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 31,13%; công nghiệp chế biến tăng 14,61%; công nghiệp điện tăng 10,01%; công nghiệp cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,27%.

Một số ngành tăng mạnh so tháng 4/2015 như: Sản xuất trang phục tăng 10,19%; Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 20,26%; Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 29,34%; Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 36,76%; Sản xuất các sản phẩm điện tử, máy vi tính tăng 47,15%;...

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 4 tháng đầu năm 2016 tăng 4,65% so với cùng kỳ năm trước. Các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: Sản phẩm ngành may tăng 5,86%; Sản xuất kim loại tăng 8,50%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 25,05%; Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính tăng 31,49%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 29,76%... Các ngành có chỉ số tiêu thụ giảm như: Chế biến thực phẩm; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; …

Tại thời điểm 01/5/2016, chỉ số tồn kho toàn ngành chế biến chế tạo tăng 7,79% so với cùng thời điểm năm 2015. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng hơn so với mức chung: sản phẩm ngành may mặc tăng 21,91%, sản phẩm ngành dệt tăng 61,04%, chế biến gỗ và SX các SP từ gỗ tăng mạnh, sản xuất xe có động cơ tăng 180.53%, công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 49,39%. Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm hơn so với mức chung: sản phẩm ngành sản xuất thuốc, hóa dược liệu và dược liệu giảm 67,59%, sản xuất các sản phẩm từ cao su và plastic giảm 27,62%, sản xuất các sản phẩm điện tử, máy vi tính giảm 54,88%, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 14,11% so với cùng thời điểm năm 2015.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm cuối tháng 4/2016 tăng 3,08% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp hoạt động trong ngành chế biến, chế tạo tăng 3,48%; khu vực doanh nghiệp hoạt động trong ngành sản xuất điện, khí đốt giảm 0,37%; khu vực doanh nghiệp hoạt động trong ngành khai khoáng tăng 0,68%, doanh nghiệp hoạt động trong ngành cung cấp nước, xử lý rác thải giảm 3,59%.

* Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5/2016 ước tăng 4,4% so với tháng trước. Trong đó: Công nghiệp khai thác mỏ bằng 98,46%%; Công nghiệp chế biến tăng 3,59%; Công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 8,73%; Sản xuất nước và xử lý rác thải tăng 0,06% so với tháng 4/2016.

So với cùng kỳ tháng 5/2015, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5/2016 tăng 9,05%. Trong đó: công nghiệp khai thác mỏ tăng 14,9%; công nghiệp chế biến tăng 8,49%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 11,02%; sản xuất nước và xử lý rác thải tăng 6,57%.

Một số ngành có tốc độ phát triển khá so với cùng kỳ: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 21,62%; Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính tăng 16,73%; Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 26,83%; Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 39,15%. Một số ngành SX giảm sút: ngành sản xuất trang phục giarm,51%; ngành sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 13,06%, sản xuất sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 6,36%.

* Ước cộng dồn 5 tháng đầu năm 2016, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,82%, trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 17,87%; công nghiệp chế biến tăng 10,45%, công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 11,7%; sản xuất nước và xử lý rác thải tăng 10,29% so với cùng kỳ năm trước.

Một số ngành có tốc độ phát triển khá: Khai thác tăng 17,87%, Sản xuất giày dép tăng 5,94%; Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 17,6%; Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 25,6%; Sản xuất các SP từ kim loại đúc sẵn tăng 25,23%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính tăng 29,37%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 17,02%...so với cùng kỳ năm trước.

Một số ngành sản xuất giảm sút: Dệt giảm 1,12%, ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 10%, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 7,18%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 12,65%; sản xuất chế biến thực phẩm giảm 3,96%; sản xuất thiết bị điện giảm 2,43%... so với cùng kỳ năm 2015.

So với cùng kỳ năm trước, 5 tháng đầu năm 2016 một số sản phẩm có sản lượng tăng khá như đá xây dựng tăng 17,87%; hộp và thùng bằng bìa giấy nhăn và bìa nhăn tăng 74,08%; Săm dùng cho xe buýt, xe tải hoặc máy bay tăng 16,93%; Clănke xi măng tăng 19,75%; Bê tông tươi tăng 41,1%; Thanh, que sắt hoặc thép không hợp kim được cán nóng tăng 22,15%; ... và một số sản phẩm bị giảm mạnh như: bộ quần áo thể thao giảm 11,15%, Phi lê cá và các loại thịt cá khác tươi, ướp lạnh giảm 53,25%; lưới đánh cá giảm 23,33%, Vỏ bào, dăm gỗ giảm 11,43%.

Nông, lâm nghiệp và thủy sản

Nông nghiệp

* Trồng trọt: Diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông xuân năm 2015-2016 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng ước đạt: lúa 2.893 ha, ngô 228 ha, khoai lang 195 ha, rau, đậu 499 ha, mía 185 ha, cây hoa 60 ha, lạc 498 ha. So với cùng kỳ năm trước diện tích gieo trồng lúa tăng 0,63%; ngô giảm 4,48%; khoai lang tăng 1,4%; rau đậu tăng 1,03%; mía tăng 2,21%; cây hoa tăng 9,49%, lạc giảm 2,98%.

Vụ Đông xuân năm nay năng suất đạt 59.49 tạ/ha, tăng 1,09 tạ trên một hecta so với vụ Đông xuân 2014-2015. Tuy nhiên, so với những năm trước đây thì năng suất cây lúa năm nay giảm đi đáng kể. Trong vụ Đông xuân 2014-2015 tại thời điểm cây lúa đang ngậm sữa trúng lúc thời tiết có sương muối nên năng suất của cây lúa vụ mùa này giảm mạnh.

Tình hình sinh vật hại trên cây lúa có nhiều đối tượng phát sinh gây hại, đặc biệt là chuột do nhiều năm trở lại đây không có lũ lụt xảy ra nên diện tích chuột phá hại tăng cao.

Để tình hình sâu bệnh phát triển như hiện nay không ảnh hưởng đến năng suất các loại cây trồng trong thời gian đến, cơ quan chuyên ngành đã triển khai hướng dẫn và phối hợp với bà con nông dân thường xuyên theo dõi và làm tốt công tác dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh hại trên cây trồng. Phân công cán bộ bám sát đồng ruộng, theo dõi diễn biến tình hình sâu bệnh hại để đề xuất biện pháp xử lý. Hỗ trợ thuốc cho nhân dân diệt chuột, chỉ đạo xử lý bệnh thường xuyên và liên tục.

* Chăn nuôi: Tính đến thời điểm cuối tháng 5/2016, đàn gia súc gia cầm trên địa bàn thành phố ước đạt như sau:

+ Tổng số lượng trâu 2.081 con, tăng 5,05% so với cùng kỳ năm trước;

+ Tổng số lượng bò 16.959 con, tăng 5,79% so với cùng kỳ năm trước;

+ Tổng số lượng lợn 77.901 con, tăng 4,04% so với cùng kỳ năm 2015;

+ Tổng đàn gia cầm 757 ngàn con, giảm 2,55% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong đó: đàn gà 359,8 ngàn con, giảm 3,14% so với cùng kỳ năm 2015.

Tình hình chăn nuôi trong tháng 5 năm 2016 chia theo từng loại con có tăng, giảm so với cùng kỳ năm 2015 nhưng không có sự thay đổi lớn. Chăn nuôi phát triển tốt, người dân phối hợp với Trạm Thú y, UBND các xã, phường tăng cường công tác giám sát phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, hoàn thành tiêm vắc-xin lở mồm long móng đợt 1 trên địa bàn 4 quận, huyện có chăn nuôi, dịch lợn tai xanh không xảy ra.

Lâm nghiệp

Đầu năm 2016 không phát sinh diện tích rừng trồng mới tập trung; có 1 vụ cháy rừng xảy ra, đang ước tính giá trị thiệt hại. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng tháng 5/2016 ước đạt 2.122m3, tăng 1,05% so với cùng kỳ năm trước; Sản lượng củi khai thác ước đạt 6.105 Ster, giảm 0,57% so với cùng kỳ năm 2015. Cộng dồn 5 tháng đầu năm 2016, sản lượng gỗ khai thác ước đạt 9.894 m3, sản lượng củi khai thác ước đạt 29.701 Ster.

Trong tháng 5/2016, cơ quan chuyên ngành đã tổ chức được 2 đợt kiểm tra tại rừng. Cộng dồn từ đầu năm 2016 đến nay, các đơn vị trực thuộc đã tổ chức được 63 đợt kiểm tra tại rừng đã xử lý 20 vụ VPHC. Phạt tiền 131 triệu đồng. tịch thu 11m3 gỗ; tịch thu và thả lại môi trường tự nhiên 26 cá thể chim các loại; tịch thu và tiêu hủy 20 kg cây cà gai leo. Tiếp nhận và thả về môi trường tự nhiên 04 cá thể Khỉ, 01 cá thể Cu li. Tiếp nhận và chuyển giao cho Thảo Cầm viên thành phố Hồ Chí Minh 01 cá thể Voọc chà vá chân nâu.

Thủy sản

Sản lượng thủy sản tháng 5/2016 ước đạt 3.296 tấn, giảm 2,59%, trong đó sản lượng khai thác đạt 3.290 tấn, giảm 2,05% so với cùng kỳ năm 2015. Sản lượng thủy sản cộng dồn 5 tháng đầu năm 2016 ước đạt 15.795 tấn, tăng 4,68%, trong đó sản lượng khai thác đạt 15.687 tấn, tăng 4,64% so với cùng kỳ năm 2015.

Hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn cũng khá thuận lợi, đến nay các hộ nuôi tôm nước lợ (tôm thẻ chân trắng) đã thả giống xong; các hộ có diện tích nuôi về nước ngọt đang thả nuôi đợt 1 năm 2016. Tình hình dịch bệnh nuôi trồng thủy sản trong nuôi trồng thủy sản không xảy ra trên địa bàn, các cơ quan chuyên ngành đang phối hợp với các địa phương tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh và tập trung hỗ trợ, xây dựng mô hình nuôi các đối tượng nuôi mới, hiệu quả kinh tế cao.

Sản lượng nuôi trồng ước tháng 5/2016 đạt 3,7 tấn cá; 2,4 tấn tôm. Cộng dồn 5 tháng đầu năm 2016 đạt 107,5 tấn, trong đó 17,6 tấn tôm, nhìn chung sản lượng nuôi trồng thủy sản có tăng so với cùng kỳ năm 2016 (+11,98% tương ứng sản lượng nuôi trồng tăng thêm 11,5 tấn). Đến nay tình hình nuôi trồng thủy sản phát triển khá, tình hình dịch bệnh nuôi trồng thủy sản trong nuôi trồng thủy sản không xảy ra trên địa bàn, các cơ quan chuyên ngành đang phối hợp với các địa phương tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh và tập trung hỗ trợ, xây dựng mô hình nuôi các đối tượng nuôi mới, hiệu quả kinh tế cao.

Hiện nay Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục chỉ đạo Chi cục Thủy sản thường xuyên phối hợp với các địa phương, hướng dẫn ngư dân vùng khai thác hải sản an toàn, quản lý chặt chẽ các phương tiện đánh bắt hải sản, bảo đảm việc đánh bắt ở các vùng biển không có nghi ngờ về ô nhiễm nguồn nước, đồng thời xác lập quy định, quy trình để quản lý chặt chẽ các nguồn hải sản nhập vào thành phố Đà Nẵng bảo đảm vệ sinh tuyệt đối. Lập thủ tục để xác nhận sản phẩm an toàn cho các cơ sở khai thác, thu mua, chế biến hải sản trên địa bàn thành phố các cơ quan có liên quan và bà con ngư dân tiếp tục theo dõi tình hình để kịp thời có giải pháp khắc phục.

Thương mại

Lưu chuyển hàng hoá

* Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ ước tháng 5/2016 đạt 5.457 tỷ đồng, tăng 1,71% so tháng trước và tăng 13,52% so với cùng kỳ tháng 5 năm trước. Trong đó: Kinh tế nhà nước ước đạt 282 tỷ đồng, tăng 2,09% so tháng trước và bằng 71,58% so cùng kỳ năm trước; Kinh tế tư nhân đạt 3.179 tỷ đồng, tăng 2,51% so tháng trước, tăng 27,72% so cùng kỳ năm trước; Kinh tế cá thể đạt 1.707 tỷ đồng, tăng 0,38% so tháng trước, tăng 1,98% so cùng kỳ năm trước; Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 289 tỷ đồng, tăng 0,57% so tháng trước, tăng 16,11% so cùng kỳ tháng 5 năm 2015.

Trong tổng mức: nhóm thương nghiệp tăng 4,52%; nhóm khách sạn tăng 22,1%, nhà hàng tăng 17,41%; du lịch tăng 84,49%; dịch vụ tăng 41,87% so với cùng kỳ tháng 5 năm 2015.

* Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ 5 tháng đầu năm 2016 đạt 26.377 tỷ đồng, tăng 8,11% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Kinh tế nhà nước đạt 1.317 tỷ đồng, bằng 70,04% so cùng kỳ năm trước; Kinh tế tư nhân đạt 15.164 tỷ đồng, tăng 19,63%; Kinh tế cá thể đạt 8.421 tỷ đồng, bằng 98,06%; Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.471 tỷ đồng, tăng 18,12% so cùng kỳ năm 2015.

Trong tổng mức: Thương nghiệp tăng 3,29% so cùng kỳ năm trước; lưu trú tăng 11,52%; nhà hàng tăng 13,39% so cùng kỳ; du lịch tăng 56,66%; dịch vụ tăng 17,54% so cùng kỳ năm 2015.

Hoạt động lưu trú, ăn uống, du lịch, lữ hành

Ngành ăn uống: Ước tháng 5/2016 doanh thu ngành ăn uống ước đạt 761 tỷ đồng, tăng 1,84% so với tháng trước và tăng 17,41% so với cùng kỳ năm 2015. Cộng dồn 5 tháng đầu năm 2016, doanh thu ngành ăn uống là 3.615 tỷ đồng, tăng 13,39% so với cùng kỳ năm 2015.

Ngành lữ hành và lưu trú

Doanh thu ngành lữ hành và lưu trú ước tháng 5/2016 đạt 554 tỷ đồng, tăng 3,34% so với tháng trước và tăng 32,44% so với cùng kỳ tháng 5 năm 2015. Trong đó: hoạt động khách sạn ước đạt 426 tỷ đồng, tăng 2,96% so với tháng trước và tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2015; hoạt động du lịch lữ hành đạt 128 tỷ đồng, tăng 4,62% so với tháng trước và tăng 84,49% so với tháng 5/2015. Cộng dồn 5 tháng đầu năm 2016, doanh thu ngành lữ hành lưu trú đạt 2.366 tỷ đồng, tăng 19,9% so với cộng dồn 5 tháng đầu năm 2015.

Tổng lượt khách phục vụ tháng 5/2016 là 385,2 nghìn lượt, tăng 2,98% so với tháng trước và tăng 17,93% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó: lượt khách lữ hành là 37,4 nghìn lượt khách, tăng 7,64% so tháng trước và tăng 55,35% so với cùng tháng năm trước, lượt khách lưu trú là 346,7 nghìn lượt khách, tăng 2,5% so với tháng trước và tăng 14,94% so với cùng kỳ tháng 5 năm 2015.

Vận tải, bưu chính

Tổng doanh thu ngành vận tải hàng hóa, hành khách, dịch vụ vận tải tháng 5/2016 ước đạt 675 tỷ đồng, tăng 10,33% so cùng kỳ năm 2015; và tăng 2,38% so với tháng trước. Cụ thể từng ngành vận tải như sau:

- Doanh thu vận tải hành khách ước đạt 173 tỷ đồng, tăng 25,62% so cùng kỳ năm 2015; và tăng 1,21% so với tháng trước;

- Doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 332 tỷ đồng, tăng 4% so cùng kỳ năm 2015; và tăng 0,07% so với tháng trước.

- Doanh thu dịch vụ vận tải ước đạt 170 tỷ đồng, tăng 9,82% so cùng kỳ năm 2015; và tăng 8,57% so với tháng trước.

Ước tính khối lượng luân chuyển hành khách tháng 5/2016 đạt 93 triệu Hk.km, tăng 16,28% so cùng kỳ năm 2015; khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt 265 triệu T.km, tăng 5,75% so cùng kỳ năm 2015.

Tháng 5/2016 doanh thu ngành vận tải nhà nước ước đạt 128,7 tỷ đồng, tăng 17,17% so với tháng trước và bằng 95,81% so với cùng kỳ năm 2015; doanh thu ngành vận tải ngoài nhà nước ước đạt 516 tỷ đồng, bằng 99,05% so với tháng trước và tăng 16,04% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu vận tải có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 1,49 tỷ đồng, tăng 13,83% so với tháng trước và gấp 2,6 so với cùng kỳ, doanh thu vận tải cá thể ước đạt 28,9 tỷ đồng, tăng 5,91% so với tháng trước và bằng 89,5% so với cùng kỳ năm 2015.

Lũy kế doanh thu ngành vận tải 5 tháng đầu năm 2016 ước đạt 3.151 tỷ đồng, tăng 5,84% so cùng kỳ năm 2015. Trong đó, vận tải hành khách đạt 769 tỷ đồng, tăng 20,33%; vận tải hàng hóa đạt 1.599 tỷ đồng, tăng 1,19%; dịch vụ vận tải đạt 782 tỷ đồng và tăng 3,33% so 5 tháng đầu năm 2015. Ước tính khối lượng luân chuyển hành khách 5 tháng đầu năm 2016 đạt 477 triệu Hk.km, tăng 10,2% so cùng kỳ năm 2015; khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt 1.265 triệu T.km, tăng 1,6% so cùng kỳ năm 2015.

Theo loại hình, 5 tháng đầu năm 2016, doanh thu vận tải nhà nước giảm 5,47%; doanh thu vận tải ngoài nhà nước tăng 9,74%; doanh thu vận tải có vốn đầu tư nước ngoài tăng 87,39 %, doanh thu vận tải cá thể giảm 6,43% so với cùng kỳ năm 2015

* Hàng hoá thông qua cảng

Sản lượng hàng hóa thông qua Cảng tháng 5/2016 ước đạt 555 nghìn tấn, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2015 và bằng 97,73% so với tháng trước. Trong đó: hàng xuất khẩu đạt 182 nghìn tấn, tăng 17,33% so với cùng kỳ và tăng 13,62% so với tháng trước; hàng nhập khẩu đạt 152,7 nghìn tấn, bằng 75,69% so với tháng trước và bằng 94,18% so với cùng kỳ 2015; hàng nội địa đạt 220,2 nghìn tấn, tăng 6,96% so với tháng trước và tăng 20,56% so với cùng kỳ; hàng Container ước đạt 350 nghìn tấn, bằng 96,4% so với tháng trước và tăng 16,54% so với cùng kỳ năm 2015.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2016, sản lượng hàng hóa thông qua cảng ước đạt 2.742 nghìn tấn, tăng 7,2% so với cùng kỳ. Trong đó, hàng xuất khẩu tăng 9,54%; hàng nhập khẩu tăng 14,2%; hàng nội địa bằng 98,79% và hàng container tăng 18,52% so với cùng kỳ 5 tháng đầu năm 2015.

Giá cả thị trường

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2016 tăng 0,39% so tháng trước. CPI tháng 5/2016 tăng do nhóm lương thực tăng 0,78%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,1%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,62%; may mặc, mũ nón và giầy dép tăng 0,04%; Giao thông tăng 2,41%; nhà ở, chất đốt và VLXD tăng 0,53%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,57%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,06%.

Chỉ số giá Bưu chính viễn thông giảm 0,17% so với tháng trước. Các nhóm hàng khác còn lại ổn định.

Giá vàng tăng 1,23%; Giá đô la Mỹ giảm 0,01% so với tháng 4/2016.

* Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2016 tăng 0,88% so với tháng 12 năm trước. Trong đó: Nhóm hàng ăn uống tăng 0,72%; Nhóm may mặc mũ nón tăng 0,56%; Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,31%; Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,68%; Nhóm thực phẩm tăng 1,12%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,96%; Thiết bị đồ dùng gia đình tăng 0,53%; Giáo dục tăng 2,44%…; Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 23,9%; Riêng nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,43%; Nhà ở điện nước và chất đốt giảm 0,04% và giao thông giảm mạnh 6,36%.

Giá vàng tăng 11,01%; Giá đô la Mỹ giảm 0,83% so với tháng 12/2015.

* Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng đầu năm 2016 so với bình quân cùng kỳ năm 2015 tăng 0,89%. Những nhóm hàng tăng cao so với mức tăng bình quân chung như: thuốc và dịch vụ y tế tăng 14,29%; giáo dục tăng 4,28%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,33%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,45%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 2,09%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,1%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,36%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,2%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,22%. Nhóm giao thông giảm mạnh 9,02%; bưu chính viễn thông giảm 0,63% so bình quân cùng kỳ năm trước.

Giá vàng tăng 0,54%; Giá đô la Mỹ tăng 4,22% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

Thực hiện vốn đầu tư

* Vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn ước tháng 5 năm 2016 thực hiện được 334,7 tỷ đồng, bằng 68,61% so với cùng kỳ năm 2015, và tăng 62,06% so với tháng trước. Trong đó: vốn nhà nước trên địa bàn ước đạt 326 tỷ đồng, bằng 67,48% so với cùng kỳ năm trước và tăng 61,17% so với tháng trước; vốn nhà nước cấp huyện đạt 8,5 tỷ đồng, tăng 88,93% so với cùng kỳ năm trước và tăng hơn 2 lần so với tháng trước.

* Tình hình một số công trình trọng điểm:

+ Trung tâm hành chính thành phố: Tính từ khi khởi công đến 15/5/2016 công trình đã thực hiện được 1.848 tỷ đồng, đạt 95% so với tổng mức đầu tư, một số hạng mục công trình phụ vẫn đang tiếp tục triển khai. .

+ Sân vận động Hòa Xuân 20.000 chỗ ngồi: Tính từ khi khởi công đến 15/5/2016 công trình đã thực hiện được 233,8 tỷ đồng, đạt 71,5% so với tổng mức đầu tư. Từ đầu năm 2016 đến nay công trình thực hiện được 6.896 triệu đồng, riêng trong tháng 4/2016 công trình đã thực hiện được 2.464 triệu đồng.

+ Công trình nhà ở xã hội: Tính từ khi khởi công đến 15/5/2016 đã thực hiện được 1.732 tỷ đồng, đạt 92,4% so với tổng mức. Từ đầu năm 2016 đến nay dự án đã thực hiện được17,6 tỷ đồng đạt 17,95% kế hoạch được giao, trong tháng 5/2016 công trình thực hiện được 8 tỷ đồng.

Về ngoại thương

* Dự ước kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5/2016 của TP Đà Nẵng đạt 97,2 triệu USD, tăng 5,89% so tháng trước, và tăng 5,78% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: khu vực kinh tế nhà nước tăng 7,14% so cùng kỳ và tăng 7,28% so tháng trước; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 6,34% so cùng kỳ và tăng 7,25% so tháng trước; khu vực kinh tế tư nhân tăng 3,83% so cùng kỳ và tăng 2,54% so tháng trước.

Hàng thủy hải sản ước đạt 10,6 triệu USD, bằng 88,65% so cùng kỳ năm 2015; Hàng công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ước đạt 86,6 triệu USD, tăng 8,38% so cùng kỳ năm 2015. Hàng nông lâm sản ước đạt 0,055 triệu USD, bằng 72,37% so cùng kỳ năm 2015.

* Ước cộng dồn 5 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 446,3 triệu USD, tăng 4,65% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Hàng thủy hải sản ước đạt 46,5 triệu USD, bằng 88,86% ; Hàng CN-TTCN ước đạt 399,8 triệu USD, tăng 7,1% so cùng kỳ năm 2015.

* Ước kim ngạch nhập khẩu tháng 5/2016 đạt 86,6 triệu USD tăng 3,44% so cùng kỳ năm trước và tăng 1,5% so tháng trước. Trong đó: kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt kim ngạch 33 triệu USD, tăng 2,99% so cùng kỳ và tăng 5,09% so với tháng trước; kim ngạch nhập khẩu khu vực kinh tế tư nhân đạt 32,4 triệu USD, tăng 0,98% so cùng kỳ và tăng 4% so tháng trước; khu vực kinh tế nhà nước đạt 21 triệu USD, tăng 8,25% so với cùng kỳ và bằng 93,04% so với tháng trước.

* Ước tính kim ngạch nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2016 là 398,8 triệu USD, tăng 2,91% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: khu vực kinh tế tư nhân đạt 153,5 triệu USD, tăng 0,56% so cùng kỳ, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt kim ngạch 153 triệu USD, tăng 3,04%; kim ngạch nhập khẩu khu vực kinh tế nhà nước đạt 92,3 triệu USD, tăng 6,8% so cùng kỳ năm 2015.

Lao động việc làm

Trong tháng 5/2016, thành phố Đà Nẵng đã tổ chức 3 phiên giao dịch việc làm. Đến dự phiên giao dịchcó 324 doanh nghiệp (163 đơn vị phỏng vấn trực tiếp tại sàn giao dịch) đăng ký tuyển dụng 4.944 lao động (trong đó 1.786 nữ). Nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề 1.948 người, lao động phổ thông 2.996 người. Trung tâm đã chắp nối, giới thiệu cho 794 lao động (374 lao động nữ). Trong đó: lao động có tay nghề 539 người, lao động phổ thông 255 người. Kết quả phỏng vấn, sơ tuyển tại phiên giao dịch có 571 lao động được chắp nối, giới thiệu thành công (218 nữ). Trong đó, lao động có tay nghề 377 người, lao động phổ thông 194 người.

Tính đến ngày 20/5/2016, thành phố Đà Nẵng đã tổ chức 13 phiên giao dịch việc làm. Đến dự các phiên giao dịchcó 1.293 doanh nghiệp (594 đơn vị phỏng vấn trực tiếp tại sàn giao dịch) đăng ký tuyển dụng 22.737 lao động (8.790 nữ). Trong đó: nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề 12.343 người, lao động phổ thông 10.394 người. Trung tâm giao dịch việc làm đã chắp nối, giới thiệu cho 3.359 lao động (1.598 lao động nữ). Trong đó: lao động có tay nghề 2.335 người, lao động phổ thông 1.004 người. Kết quả phỏng vấn sơ tuyển tại phiên giao dịch có 2.537 lao động được kết nối, giới thiệu thành công (1.219 nữ). Trong đó: lao động có tay nghề 1.725 người, lao động phổ thông 812 người.

Trong tháng 5/2016, thẩm định và cấp giấp phép cho 20 lao động người nước ngoài, xác nhận 04 trường hợp không thuộc diện cấp phép; tiếp nhận 1.031 người lao động đăng ký thất nghiệp, đã thẩm định và có quyết định hưởng trợ cấp BHTN hàng tháng cho 693 trường hợp.

Chính sách cho các đối tượng

Thành phố Đà Nẵng hiện có 81.202 người cao tuổi, chiếm 7,89% dân số và có 347 cụ 100 tuổi trở lên. Những năm qua, Đà Nẵng luôn được coi là điểm sáng về chăm sóc người cao tuổi với nhiều chính sách ưu việt đã được triển khai.

Thành phố tổ chức khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho 22.104 lượt người cao tuổi ; điều trị miễn phí cho 1.420 người cao tuổi trong chương trình “Mắt sáng cho người cao tuổi”; chúc thọ, mừng thọ và tặng quà cho 11.369 người cao tuổi...

Hiện nay, thành phố có mô hình “Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng” đang được thực hiện tại 56/56 phường, xã thật sự có hiệu quả, góp phần vào việc chăm sóc người cao tuổi trong cộng đồng xã hội cũng như trong mỗi gia đình.

Ngày 15/5/2016, thành phố Đà Nẵng tổ chức "Ngày hội thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng năm 2016". Tại ngày hội, các thầy thuốc trẻ trao tặng 54 suất quà, khám tổng quát, xét nghiệm máu, siêu âm, đo điện tim và cấp phát thuốc miễn phí cho500 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa và các đối tượng chính sách khó khăn, ốm đau trên địa bàn quận. Đối với những người có công cách mạng già yếu không đi lại được sẽ được đội ngũ y, bác sĩ trẻ, thanh niên tình nguyện đến khám, phát thuốc tại nhà.

Tổng hợp kết quả kiểm tra đơn đề nghị bố trí đất có thu tiền sử dụng đất của đối tượng chính sách; tiếp tục đôn đốc tiến độ sửa chữa nhà ở cho gia đình người có công với cách mạng; đến nay, đã có 861/1.333 nhà hoàn thành và đưa vào sử dụng6, đạt 64,59% Kế hoạch; ngoài ra, từ nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” thành phố, đã thực hiện hỗ trợ sửa chữa, xây mới cho 04 nhà, kinh phí 120 triệu đồng;

Thực hiện giải quyết trợ cấp 67 trường hợp, trong đó giải quyết trợ cấp hàng tháng đối với 04 trường hợp, giải quyết trợ cấp 1 lần đối với 63 trường hợp; Xác nhận miễn giảm tiền thuế sử dụng đất theo QĐ 60 cho 07 trường hợp; hỗ trợ miễn giảm tiền sử dụng đất cho 11 trường hợp, kinh phí 367 triệu đồng; trợ cấp khó khăn đột xuất cho 18 trường hợp, kinh phí 61 triệu đồng.

Kiểm tra và đề xuất UBND thành phố trợ cấp khó khăn đột xuất cho 07 trường hợp, kinh phí 18 triệu đồng; phốihợp kiểm tra 50 đơn xin thuê căn hộ chung cư, tiến hành thông báo, hướng dẫn cho 25 trường hợp được bố trí thuê căn hộ chung cư đủ điều kiện theo Thông báo25/TB-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố.

Thực hiện “Năm văn hóa văn minh đô thị 2016”, đặc biệt trong dịp Lễ 30/4 - 1/5, Sở đã phối hợp các địa phương tổ chức đồng loạt ra quân toàn thành phố với tổng 20 ô tô có trang trí pano, khẩu hiệu tuyên truyền và hơn 500 cán bộ quy tắc đô thị, công an, lao động thương binh xã hội; ngoài ra, tiếp tục duy trì kiểm tra, kiểm soát địa bàn, kể cả ngoài giờ và các ngày nghỉ, lễ tại các tuyến đường trọng điểm, công viên, chùa, chợ;…Kết quả, trong dịp lễ, đã xử lý tập trung 5 đối tượng vào cơ sở bảo trợ xã hội, tổng từ ngày 15/4-15/5, đã xử lý tập trung15 đối tượngvào cơ sở Bảo trợ xã hội (1 đối tượng người Đà Nẵng, 14 đối tượng ngoại tỉnh và không rõ địa chỉ); đã hoàn chỉnh dự thảo kế hoạch thực hiện chương trình “Không có người lang thang xin ăn giai đoạn 2016 - 2020”.

Trong tháng 05/2016, thông qua việc vận động các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và thực hiện các chương trình dự án của Tổ chức Cứu tế Thế giới - Úc (AOGWR), Hội Cứu tế Đông Nam Á (SEAR),… Quỹ Bảo trợ Trẻ em thành phố đã triển khai thực hiện các hoạt động giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí gần 57 triệu đồng; ngoài ra, phối hợp Công ty sữa Vinamilk tiến hành kiểm tra 6 cơ sở BTXH nuôi dạy trẻ em khó khăn để triển khai chương trình “Quỹ sữa vươn cao Việt Nam”.

Giáo dục - Đào tạo

Ngày 30/4/2016, Sở GD&ĐT thành phố và tổ chức phi chính phủ Half the Sky Foundation (Hoa Kỳ) ký kết thỏa thuận dự án Trung tâm chăm sóc và giáo dục OneSky. Dự án được triển khai trên diện tích rộng 3.600 m2tại khu dân cư Hồng Phước (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) với tổng kinh phí hơn 3,8 triệu USD, trong đó tổ chức Half the Sky Foundatinon tài trợ 3,5 triệu USD, số còn lại là nguồn kinh phí đối ứng của thành phố. Đối tượng thụ hưởng là con em của những công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Trung tâm chăm sóc và giáo dục OneSky gồm hệ thống cơ sở vật chất đáp ứng việc chăm sóc cho khoảng 220-250 trẻ em từ 6 đến 36 tháng tuổi, áp dụng chương trình giáo dục của tổ chức Half the Sky Foundatinon theo tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp với chương trình giáo dục mầm non của Việt Nam.

Dự án được thực hiện trong 3 năm, từ 2016 đến 2019. Đây là hoạt động giúp trẻ em thiệt thòi và dễ bị tổn thương sống tại khu công nghiệp Hòa Khánh được chăm sóc, nuôi dưỡng trong môi trường an toàn, thân thiện để có cơ hội phát huy toàn bộ tiềm năng, góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn thành phố. Đây cũng là dự án trường mầm non đạt chuẩn quốc tế đầu tiên do tổ chức Half the Sky Foundatinon triển khai thí điểm tại Việt Nam.

Ngày 4/5/2016, Đại học Đà Nẵng ban hành quy định tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển thẳng 200 chỉ tiêu vào các trường thành viên trong kỳ xét tuyển ĐH, CĐ năm 2016 dành cho học sinh đoạt giải kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia, quốc tế; đoạt giải quốc tế về thể dục-thể thao, năng khiếu nghệ thuật.

Ngày 10/5/2016, Trường Đại học Đông Á phối hợp các đơn vị tổ chức Hội thi “Kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên khoa Điều dưỡng Đại học Đông Á”. Hội thi nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng lập nghiệp cho sinh viên điều dưỡng. Điều này có ý nghĩa trong bối cảnh nhân sự chất lượng cao ngành điều dưỡng (cùng 7 ngành khác) được tự do di chuyển làm việc tại các nước trong khối ASEAN.

Trước đó, Trường Đại học Đông Á ký hợp tác thực tập nghề nghiệp cùng Học viện giáo dục Nanakamado (Nhật Bản), cho phép 100 - 200 sinh viên ngành điều dưỡng của trường sang thực tập tốt nghiệp tại các bệnh viện, trung tâm y tế, viện dưỡng lão ở Nhật Bản trong vòng 9 tháng. Đây là chương trình đầu tiên tại Việt Nam đưa sinh viên điều dưỡng sang thực tập nghề nghiệp tại Nhật.

Ngày 12/5/2016, Đại học Kyungdong (Hàn Quốc) trao 19 suất học bổng cho học sinh các trường THPT tại Đà Nẵng. Trong đó có 4 suất học bổng 70%, 15 suất 50% học phí toàn khóa đại học 4 năm, với tổng trị giá hơn 9 tỷ đồng. Đại học Kyungdong là một trong những trường uy tín, nhiều ngành nghề và tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp cao tại Hàn Quốc. Đây cũng là đơn vị hằng năm hỗ trợ cho sinh viên Việt Nam nhiều chương trình học bổng toàn khóa đại học 4 năm.

Hoạt động này có ý nghĩa trong bối cảnh hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc ngày càng nâng lên, với gần 5.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam

Cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai 2016” do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công ty Honda Việt Nam, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Cục Cảnh sát giao thông phối hợp tổ chức đã thu hút 408.000 học sinh và 17.000 giáo viên tham gia trên toàn quốc tham gia. Bộ GD&ĐT và Công ty Honda Việt Nam đã chấm chọn 31 học sinh và 10 giáo viên vào thi Vòng 2 được tổ chức tại TP. Đà Nẵng. Kết quả, Đà Nẵng đạt 01 giải Nhất và 01 giải Nhì Quốc gia Cuộc thi An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai

Giải thể thao cụm thi đua các trường Cao đẳng công lập trên địa bàn TP. Đà Nẵng, năm học 2016 được tổ chức vào ngày 07 tháng 5 năm 2016, tại Trường Cao đẳng Giao thông vận tải II (đơn vị Cụm trưởng) cùng các Trường thành viên: Trường Cao đẳng Giao thông vận tải II, trường Cao đẳng Kinh tế - Kế hoạch, Trường Cao đẳng Thương mại, Trường Cao đẳng Lương thực - thực phẩm, Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Hữu nghị Việt - Hàn. Mỗi Trường có hai đội tranh tài ở các nội dung: Bóng chuyền nam và bóng đá mini nữ. Đến tham dự và chỉ đạo có TS.Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng, lãnh đạo các Trường thành viên. Phát biểu tại lễ khai mạc, TS. Nguyễn Đình Vĩnh đánh giá cao hội thi của cụm, hội thi góp phần giúp cho CB, GV các Trường giao lưu, rèn luyện sức khỏe tinh thần, thể chất…

Đại học Đà Nẵng có 65% số nghiên cứu sinh và học viên cao học bảo vệ đúng hạn. Số học viên tốt nghiệp trễ là do gia hạn thời gian làm luận văn hoặc chưa đạt được chuẩn ngoại ngữ đầu ra. Số học viên tốt nghiệp đạt loại giỏi chiếm tỷ lệ 7%.

Hiện nay Đại học Đà Nẵng có 210 nghiên cứu sinh nghiên cứu và làm việc ở 20 chuyên ngành khác nhau. Trong số 752 học viên cao học nhận bằng có 247 học viên của trường Đại học Bách khoa, 289 học viên trường Đại học Kinh tế, 174 học viên trường Đại học Sư phạm và 42 học viên Trường Đại học Ngoại ngữ. Ngành có học viên tốt nghiệp đông nhất là Quản trị kinh doanh, Tài chính ngân hàng, Khoa học máy tính... Nhân dịp này, Đại học Đà Nẵng cũng đã khen thưởng 12 học viên cao học có thành tích xuất sắc trong quá trình học tập và nghiên cứu.

Hoạt động y tế

Tính đến ngày 19/5/2016 trên địa bàn thành phố ước có 1.703 cas sốt xuất huyết, không có trường hợp tử vong; bệnh tay chân miệng có 379 cas, bằng 52,9% so với cùng kỳ năm 2015, giảm 337 cas, không có trường hợp tử vong, bình quân 1 tuần có 34 cas bệnh; bệnh thủy đậu là 816 cas, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2015, tăng 148 cas, trung bình 1 tuần có 54 cas mắc thủy đậu.

Thành phố Đà Nẵng là địa phương có tỷ lệ người nhiễm mới HIV thấp so với các địa phương khác trong cả nước. Tính đến hết quý 1-2016, thành phố có 1.058 trường hợp nhiễm HIV theo lũy kế, trong đó có 18 trường hợp dương tính HIV và 12 người trong số đó có địa chỉ tại Đà Nẵng, so cùng kỳ 2015 giảm 13 trường hợp.

Ngay từ đầu quý 1-2016, ngành y tế thành phố và các ban, ngành có liên quan đã tổ chức nhiều hoạt động phòng chống HIV/AIDS từ tuyên truyền, giáo dục thay đổi hành vi, đến giám sát dịch và can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV; quản lý lập hồ sơ người nhiễm, chương trình tiếp cận cộng đồng, cấp bao cao su, tư vấn xét nghiệm HIV. Trong đó, chương trình điều trị Methadone duy trì hoạt động tốt, đảm bảo quy trình và quản lý thuốc theo quy định của Bộ Y tế.

Ngày 10/5/2016, Bệnh viện Đa khoa Bình Dân Đà Nẵng tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập 1996- 2016.

Là bệnh viện tư nhân đầu tiên trên cả nước, 20 năm qua, Bệnh viện Đa khoa Bình Dân Đà Nẵng khám bệnh cho hơn 2,4 triệu lượt người, điều trị nội trú 97.742 bệnh nhân, phẫu thuật 84.392 ca, xét nghiệm gần 17.000 ca, nội soi gần 60.000 trường hợp... Bệnh viện ứng dụng thành công đề tài khoa học sử dụng propranolon để điều trị bướu cổ basedow bằng phẫu thuật tức thì và đã phẫu thuật cho 20.253 trường hợp, tỷ lệ tử vong 0%. Cùng với thực hiện chủ trương miễn giảm viện phí cho bệnh nhân nghèo, đối tượng chính sách, nhiều năm qua, Bệnh viện Đa khoa Bình Dân Đà Nẵng tổ chức nhiều hoạt động từ thiện nhân đạo; miễn giảm viện phí cho bệnh nhân nghèo, đối tượng chính sách gần 7,4 tỷ đồng; khám, chữa bệnh miễn phí cho hàng nghìn lượt người.

Ngày 6/5/2016, tại Hội nghị chuyên đề về ATVSTP lãnh đạo thành phố yêu cầu tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử phạt các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chủ doanh nghiệp, tiểu thương, nếu phát hiện sử dụng chất cấm trong bảo quản, chế biến thực phẩm cũng như kinh doanh không bảo đảm điều kiện ATVSTP…

Thực trạng an toàn vệ sinh trong sản xuất rau quả, nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản và kiểm soát an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị đã được thực hiện tốt. Riêng các cơ sở dịch vụ ăn uống như khu du lịch, khách sạn, nhà hàng đã có sự cải thiện đáng kể về vật chất, trang thiết bị, dụng cụ chế biến.

Trong năm 2015, các ngành quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm cùng các địa phương tiến hành kiểm tra gần 7.900 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và phát hiện 588 cơ sở vi phạm các tiêu chuẩn về ATVSTP với số tiền phạt hơn 1,3 tỷ đồng. Ngoài ra, giai đoạn từ năm 2011-2015, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 13 vụ ngộ độc thực phẩm với 163 người bị ngộ độc.

Hằng năm, thành phố tiêu thụ khoảng 70.000 – 80.000 tấn nông sản thực phẩm và sản phẩm chăn nuôi. Tuy nhiên, lượng nông sản tại chỗ chỉ khoảng 16.000 tấn và sản phẩm chăn nuôi cũng chỉ cung ứng được khoảng 15%, số còn lại nhập từ các địa phương và nhập khẩu. Trước thực trạng thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Thành phố Đà Nẵng vừa ban hành kế hoạch triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2016. Mục tiêu đợt này là giải quyết căn bản bức xúc về việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; giảm thiểu mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thịt lợn, gà, thủy sản nuôi; tạo niềm tin cho người tiêu dùng; nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn; giảm ngộ độc thực phẩm do rau, thịt mất an toàn gây ra.

Để thực hiện mục tiêu trên, công tác thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm được tăng cường ở tất cả các cấp, ngành. Cụ thể, ngành Y tế thành lập 5 đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với 200/1.177 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống.

Ngành Nông nghiệp thành lập 4 đoàn kiểm tra 8 cơ sở giết mổ tập trung, 12 cơ sở chăn nuôi quy mô 100 con trở lên, 10 cơ sở sản xuất rau tập trung, 5 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và 30 cơ sở chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản. Ngành Công thương thành lập 2 đoàn kiểm tra 30/305 cơ sở sản xuất và doanh nghiệp thực phẩm.

Đặc biệt, sau Tháng hành động an toàn vệ sinh thực phẩm (5-2016), các ngành vẫn tiếp tục tổ chức thanh tra, kiểm tra hết các cơ sở còn lại.

Trật tự an toàn xã hội

* Tình hình cháy nổ: Tính từ ngày 17/4/2016 đến ngày 19/5/2016 trên địa bàn đã xảy ra 3 vụ cháy. Trong đó, có 1 vụ cháy nhà dân, 1 vụ cháy rừng và 1 vụ cháy khác. Không có thiệt hại về người, đang kiểm kê giá trị thiệt hại. Cộng dồn từ đầu năm 2016 đến nay đã xảy ra 23 vụ cháy. Trong đó có 13 vụ cháy nhà dân, 1 vụ cháy rừng và 9 vụ cháy khác. Tổng giá trị thiệt hại hơn 3,2 tỷ đồng, có 1 người chết.

* Tai nạn giao thông:

Tháng 4/2016, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng:

Tai nạn giao thông đường bộ: xảy ra 5 vụ TNGT, làm chết 3 người, bị thương 2 người. Hỏng 1 xe ô tô, 4 xe mô tô, thiệt hại tài sản khoảng 11 triệu đồng. So với tháng 3/2016, giảm 03 vụ, giảm 02 người chết, giảm 03 người bị thương; so với cùng kỳ năm 2015, giảm 2 vụ, giảm 4 người chết, giảm 01 người bị thương .

Tai nạn giao thông đường sắt và đường thủy: Không xảy ra.

Cộng dồn 4 tháng đầu năm 2016, tai nạn giao thông đường bộ có 33 vụ, làm chết 13 người, bị thương 26 người. Hỏng 2 xe ô tô, 36 xe mô tô, thiệt hại tài sản khoảng 48 triệu đồng.

Kết quả công tác xử lý vi phạm TTATGT đường bộ: trong tháng 4/2016 phát hiện, lập biên bản 5.059 trường hợp vi phạm. Ra quyết định xử phạt 3.595 trường hợp, chuyển kho bạc Nhà nước thu 2.378 triệu đồng. Tạm giữ 158 xe (13 ôtô, 145 môtô).Tước quyền sử dụng GPLX 397 trường hợp.

Cộng dồn 4 tháng đầu năm 2016: Kết quả công tác xử lý vi phạm TTATGT đường bộ: phát hiện, lập biên bản 18.258 trường hợp vi phạm. Ra quyết định xử phạt 13.581 trường hợp, chuyển kho bạc Nhà nước thu 10.332 triệu đồng. Tạm giữ 712 xe (46 ôtô, 666 môtô).Tước quyền sử dụng GPLX 1.845 trường hợp.

* Công tác kiểm tra, xử lý tệ nạn mại dâm:

Ban hành hướng dẫn thực hiện Quyết định 1010/QĐ-UBND ngày 25/02/2016 của UBND thành phố về việc cho phép tiếp nhận người bán dâm có nguy cơ bị xâm hại, bị lạm dụng tình dục vào cơ sở bảo trợ xã hội để chăm sóc, bảo vệ khẩn cấp; tổ chức họp triển khai mô hình “Phòng ngừa phụ nữ có nguy cơ dẫn đến hoạt động mại dâm và dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS” tại 04 phường; tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm cho 145 chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm trên địa bàn thành phố;

Phối hợp với cán bộ chức năng quận Thanh Khê kiểm tra, khảo sát tình hình tệ nạn mại dâm trên tuyến đường Trường Chinh; Đội Kiểm tra liên ngành 178 các cấp kiểm tra 51 cơ sở, qua kiểm tra phát hiện 07 cơ sở vi phạm hành chính, đề nghị xử phạt 25 triệu đồng, nhắc nhở 04 cơ sở và xử lý 05 cơ sở đã kiểm tra trong tháng 4/2016 (Đình chỉ hoạt động 03 cơ sở, đề nghị xử phạt 40,5 triệu đồng)

* Lĩnh vực cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện:

Tiếp tục phối hợp tuyên truyền, giáo dục phòng chống tệ nạn xã hội bằng nhiều hình thức: tham gia đưa tin, bài viết trên trang Website của Sở; duy trì chuyên trang tin trên trang Báo Lao động - Xã hội; phối hợp với UBND 14 xã, phường lắp đặt pano tuyên truyền tại 14 điểm gần trường học, khu dân cư đông đúc; tổ chức tư vấn cho 42 lượt người liên quan đến ma túy; ...

Trong tháng 5/2016, Trung tâm GD - DN 05-06 tiếp nhận 49 học viên vào cai nghiện, giải quyết cho về cộng đồng đúng thời hạn 41 học viên; hiện Trung tâm đang quản lý, cai nghiện, giáo dục, dạy nghề cho532học viên;

Toàn thành phố có39người đang cai nghiện tại gia đình - cộng đồng, trong đó có việc làm 19 người, chiếm 48,7%; và302người trong diện quản lý sau cai, trong đó có việc làm 182 người, chiếm 60,3%;

Tiến hành 02 cuộc thanh tra: thanh tra tại 20 doanh nghiệp về an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng, chống cháy nổ; thanh tra tại địa bàn quận Hải Châu về thực hiện chính sách ưu đãi Người có công Cách mạng, bảo trợ xã hội; và 01 cuộc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội (đã xử phạt vi phạm hành chính 3,5 triệu đồng đối với 01 đơn vị); có văn bản đề nghị BHXH thành phố thi hành án đối 02 công ty nợ kéo dài đã khởi kiện; ban hành 05 Kết luận Thanh tra; trong tháng đã tiếp nhận và giải quyết 08 đơn thư khiếu nại,tố cáo; tiếp 80 lượt công dân. (Trong đó,62trường hợp về chính sách người có công với cách mạng,10trường hợp về xin thuê chung cư; 04trường hợp về chính sách bảo trợ xã hội;04trường hợp về chính sách Lao động – Tiền lương – BHXH).

Môi trường

Ngày 13/5/2016, Phòng Cảnh sát môi trường Công an Tp Đà Nẵng đã kiểm tra cơ sở sơ chế sản phẩm động vật của ông Nguyễn Quốc Huy, trú tại xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, phát hiện cơ sở này xả nước thải không qua hệ thống xử lý ra môi trường. Tại hiện trường, cơ quan chức năng cũng đã thu giữ 350kg mỡ tươi, 5.600kg mỡ đã qua chế biến đang được cất giữ tại kho lạnh, cơ quan chức năng còn phát hiện một bao bột màu trắng có ghi chữ Trung Quốc, trọng lượng 40kg, tuy nhiên, gói bột này đã sử dụng gần hết.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Học viện Chính sách và Phát triển vừa tổ chức buổi tọa đàm khoa học với chủ đề "Chính sách và giải pháp cho nền nông nghiệp sạch Việt Nam ứng dụng công nghệ Vi sinh Nhật Bản". Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận xung quanh thực trạng sản xuất nông nghiệp hiện nay, và khó khăn khi thuyết phục nông dân từ bỏ cách canh tác truyền thống, sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu sang sản suất theo phương pháp hữu cơ. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất mô hình phối hợp thử nghiệm, thông qua đó đánh giá hiệu quả của công nghệ để đề xuất các chính sách đi kèm, áp dụng đại trà trong thực tiễn sản xuất nông nghiệp Việt Nam, để người dân dễ dàng tiếp cận với sản phẩm rau an toàn.

Tại buổi thị sát của lãnh đạo TP Đà Nẵng ở Nhà máy nước Cầu Đỏ (quận Cẩm Lệ) sáng 17/5/2016, Công ty Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), cho biết trong vòng 7 năm (từ 2000-2007) trước khi có thủy điện, nhà máy nước Đà Nẵng chỉ có 26 ngày bị nhiễm mặn.

Tuy nhiên, từ năm 2008 trở lại đây, từ khi có các thủy điện hoạt động ở thượng nguồn thì có đến 661 ngày nhà máy nước bị nhiễm mặn (trung bình 77,8 ngày/năm), gấp 21 lần so với trước đây.

Đặc biệt, kể từ khi nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 đi vào hoạt động từ năm 2012 đến nay, có đến 558 ngày bị nhiễm mặn (trung bình 131 ngày/năm), gấp 35 lần so với trước đây.

Nguyên nhân chính là do thủy điện Đăk Mi 4 khi vận hành phát điện đã chuyển một nửa lưu lượng nước từ sông Vu Gia về sông Thu Bồn để phát điện. Mỗi năm thủy điện này lấy đi khoảng 1.2 tỉ m3 nước, tức gần 40% lượng nước sông Vu Gia. trước mắt, công ty phải chủ động tham mưu các giải pháp ngăn chặn xâm nhập mặn, đáp ứng nhu cầu sử dụng sử dụng nước sạch cho TP, đặc biệt phải đảm bảo đủ nước sạch, chất lượng ổn định phục vụ sự kiện Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng vào năm 2017.

Ngày 17/5/2016, lãnh đạo thành phố và sở liên quan kiểm tra công tác xử lý môi trường tại khu vực bãi rác Khánh Sơn (quận Liên Chiểu). Sau đúng 6 tháng chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, "điểm nóng" môi trường này đã được cải thiện đáng kể. Việc vận hành bãi rác đã đầu tư hệ thống bể phốt để xử lý chất thải. Đồng thời, việc chôn lấp rác được xử lý bài bản, nâng tần suất phun chế phẩm sinh học lên 4 lần/ngày và phủ bạt HPDE bãi rác với diện tích lên đến 55.440m². Bên cạnh đó, nạo vét và xử lý 3.373m³ bùn kỵ khí; đầu tư xây mới 3 bể phốt xử lý bùn bể phốt có thể tiếp nhận và xử lý 66.000m³/ngày - Cho đến hôm nay, sau hơn 6 tháng chỉ đạo, đến nay môi trường tại khu vực bãi rác Khánh Sơn không còn mùi hôi thối, ô nhiễm như trước. Trong tương lai, bãi rác Khánh Sơn hiện nay sẽ đóng cửa, hướng tới đầu tư xây dựng công viên, trồng cây xanh vì bãi rác hiện nay nằm bên tuyến đường du lịch. Đây là một trong những dự án trọng điểm của thành phố ./.


Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng

    Tổng số lượt xem: 1192
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)