Sáng 18/8, tại TPHCM, đông đảo đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang cùng dự Hội nghị “Kết nối giao thông các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam”.
|
Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh VGP/Phan Hoàng |
Tại Hội nghị, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng cho rằng Vùng kinh tế trọng điểm phía nam với hạt nhân là TPHCM có vai trò hết sức quan trọng đối với chiến lược phát triển của cả nước, tuy nhiên, kết nối giao thông giữa các tỉnh trong khu vực còn hạn chế. Điều này đã làm giảm đáng kể tiềm năng, lợi thế của cả Vùng kinh tế nói chung và mỗi địa phương nói riêng.
Theo ông Đinh La Thăng, những hạn chế trên chủ yếu là do chúng ta chưa có được cơ chế điều hành liên kết vùng phù hợp, nguồn lực bị phân tán. Đặc biệt là việc triển khai, thực hiện các chương trình và nội dung về liên kết vùng còn tản mạn, hầu hết mới chỉ nhằm phục vụ lợi ích của từng địa phương.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối hạ tầng giao thông sẽ giúp kéo giảm thời gian, chi phí vận chuyển giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực, ông Đinh La Thăng mong muốn các địa phương chia sẻ cùng TPHCM đề xuất giải pháp kiến nghị Trung ương; nêu những dự án cụ thể cần hỗ trợ để xây dựng mạng lưới giao thông xuyên suốt, tạo liên kết chặt chẽ để giúp nhau phát huy tốt lợi thế, tiềm năng.
“Chưa bàn đến khó khăn về nguồn lực, quan trọng là phải xác định liên kết giao thông là vì lợi ích chung của cả vùng chứ không phải của riêng từng địa phương. Như vậy, cả vùng kinh tế mới có thể phát triển hiệu quả thiết thực”, ông Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, dù việc liên kết các địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía nam đạt một số kết quả tích cực, nhưng thực tế mối liên kết giữa các địa phương trong vùng còn hạn chế, nhất là ở lĩnh vực kết nối hạ tầng giao thông.
Theo ông Phong, từ năm 1998 đến nay, bám sát chỉ đạo của Trung ương, các tỉnh thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam đã có bước phát triển đáng ghi nhận. Giai đoạn 2001-2014, kinh tế vùng có mức tăng trưởng gấp 1,5 lần mức tăng trưởng cả nước… Tuy nhiên, trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, các tỉnh, thành phố trong vùng vẫn chưa quan tâm, đầu tư đúng mức về tổ chức, con người.
Nguyên nhân được cho là vì chưa có sự phân công để xác định rõ trách nhiệm của từng địa phương. “Do không có người chịu trách nhiệm nên không ít chương trình, dự án hạ tầng do Trung ương đầu tư tại địa phương bị chậm tiến độ”, ông Phong nói và đồng thời nhấn mạnh đây là vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm, sớm có biện pháp khắc phục hiệu quả.
|
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông phát biểu tại Hội nghị. Ảnh VGP/Phan Hoàng |
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cũng cho rằng hiện có nhiều dự án giao thông trọng điểm đang triển khai rất chậm so với quy hoạch, như: Đường vành đai 3, vành đai 4 ở khu vực TPHCM; hay như các tuyến đường tại khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải… gây ách tắc, khó vận chuyển hàng hóa, đẩy chi phí vận tải lên cao.
Vùng kinh tế trọng điểm phía nam có lượng hàng hóa chiếm 2/3 cả nước. Tuy nhiên, cả khu vực mới chỉ có 91 km đường cao tốc là chưa tương xứng với tiềm năng phát triển ở khu vực này. Ngoài ra, hệ thống giao thông tại khu vực cũng còn nhiều hạn chế khác như: Cục bộ về đường thủy, cảng, nguồn lực đầu tư, triển khai chậm, thiếu đồng bộ…
Nêu vấn đề khó khăn nhất đối với phát triển hạ tầng giao thông hiện nay là nguồn lực và tổ chức thực hiện, ông Đông cho rằng cần có cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn để huy động vốn từ xã hội. Về phía địa phương, Bộ GTVT đề nghị cần tập trung phối hợp, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để triển khai nhanh các dự án và mang lại hiệu quả đầu tư cao.
Đại diện Bộ KH&ĐT cũng nhìn nhận hiện nay, việc huy động vốn phát triển giao thông đang rất khó khăn. Thời gian tới, TPHCM và các địa phương cần kiến nghị Chính phủ cho cơ chế tài chính đặc thù để thực hiện nhiệm vụ này.
|
Ảnh: VGP/Phan Hoàng |
Tại Hội nghị, các địa phương cũng tập trung thảo luận, làm rõ nguyên nhân, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp cụ thể để tăng cường kết nối giao thông trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Trình cho rằng, kết nối giao thông giữa các địa phương là vấn đề lớn nên không thể thực hiện dàn trải mà phải có trọng tâm ưu tiên. TPHCM là đô thị lớn nhất trong vùng, do đó tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị TPHCM đảm nhận luôn vai trò chủ trì thực hiện liên kết, thay vì phải cứ luân chuyển giữa các địa phương theo nhiệm kỳ 1-2 năm như hiện nay.
Chủ tịch UBND Đồng Nai Đinh Quốc Thái kiến nghị TPHCM lưu ý tiến độ dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành-Dầu Giây. Đây là trục xương sống nối Long Thành với các tỉnh miền Tây và TPHCM nhưng tiến độ chậm khiến việc lưu thông rất khó khăn. Ngoài ra, Đồng Nai cũng muốn Thành phố kéo dài tuyến Metro (Bến Thành-Suối Tiên) kết nối với địa phương để thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, phục vụ phát triển kinh tế.
Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Trần Lưu Quang cho biết, vừa mới ngồi xe từ Tây Ninh về TPHCM, quãng đường chỉ có 100 km nhưng phải mất đến 3 giờ đồng hồ là quá chậm. Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh mong muốn sớm có cao tốc TPHCM-Nội Bài để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Tỉnh Tây Ninh sẵn sàng hỗ trợ Thành phố bằng cách kêu gọi các nguồn lực xã hội trên địa bàn đầu tư thêm vào dự án.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Bình Phước lại muốn muốn sớm có tuyến đường cao tốc kết nối TPHCM đến cửa khẩu Hoa Lư, mở rộng tuyến đường 14C kết nối Long An và Đắk Nông và xây cầu Mã Đà để kết nối từ Bình Phước về huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai)… ./.