Tình trạng bộ nào cũng muốn giữ quy hoạch như "giấy phép con", tạo cơ chế xin - cho là vấn đề gây bức xúc khi Thường vụ Quốc hội thảo luận sửa đổi Luật Quy hoạch.
|
Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Huy Đông |
Tình trạng quy hoạch ngành, sản phẩm quá nhiều nhưng chất lượng thấp, thiếu tính khả thi, thiếu gắn kết, chồng chéo... là thực trạng được chỉ ra trong phiên thảo luận sáng sáng 16/9 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Quy hoạch (sửa đổi).
Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Huy Đông cho rằng dự án luật này sẽ giúp khắc phục tình trạng quá nhiều quy hoạch với chất lượng thấp, chồng chéo, mâu thuẫn, vừa lãng phí nguồn lực vừa gây khó khăn cho phát triển. Quy hoạch hiện tại ở nhiều lĩnh vực của Việt Nam chưa thể hiện được vai trò là định hướng phát triển kinh tế xã hội. Với mục tiêu ngăn chặn tình trạng quy hoạch tràn lan, dự luật lần này đã đề xuất bỏ quy hoạch sản phẩm ở cấp quốc gia - vốn được sử dụng lâu nay như một dạng "giấy phép con", gây cản trở hoạt động về đầu tư, kinh doanh.
Theo đại diện cơ quan soạn thảo, sản phẩm phát triển tới đâu là do nhu cầu thị trường, không chỉ trong nước, mà cả quốc tế. “Nếu đặt ra quy hoạch mà không kiểm soát được thực tiễn phát triển của thị trường, nền kinh tế... thì không thể quản lý được. Qua phân tích đều nhận được đồng thuận rất cao việc bỏ quy hoạch ngành sản phẩm. Đây chính là rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng là cái cớ để xin – cho”.
Thứ trưởng cho rằng những trường hợp như quy hoạch cá tra, cá rô phi... là vô lý, không đi theo nhu cầu phát triển của thị trường, nền kinh tế. “Như thế rất sai lầm vì nguồn lực đâu chỉ nằm ở túi Nhà nước, sản phẩm phát triển đến đâu là do thị trường”, ông Đông nói.
“Bộ Công Thương có quy hoạch cả thương nhân xuất khẩu gạo. Trong nền kinh tế thị trường, anh lấy quy hoạch để cho người này quyền xuất khẩu mà người kia không được là không đúng, có chăng chỉ có điều kiện để được xuất khẩu chứ không phải đưa vào luật này” – ông Đặng Huy Đông phân tích.
Hầu hết các ý kiến tại phiên thảo luận cũng đồng ý với việc bỏ quy hoạch ngành, sản phẩm.
Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến đồng ý với chủ trương loại bỏ các quy hoạch sản phẩm đang tồn tại hiện nay với lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
“Thường trực Ủy ban Kinh tế đồng ý với đa số ý kiến vì sẽ giúp bỏ được những loại giấy phép không phù hợp với kinh tế thị trường, là bước đột phá, giải pháp quan trọng thúc đẩy quá trình cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất kinh doanh. Các ngành, lĩnh vực, sản phẩm không lập quy hoạch (không gắn với không gian) nhưng để phục vụ nhu cầu quản lý sẽ chuyển sang thành các chương trình, đề án hay một số ngành, lĩnh vực, sản phẩm thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật có liên quan” – Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho biết có sự nhất trí cao về bỏ quy hoạch sản phẩm vì nó không thích nghi cơ chế thị trường, tạo ra kẽ hở, tiêu cực, cơ chế xin – cho và và không phù hợp thực tế.
"Bây giờ thị trường cần bao nhiêu sản phẩm thì khi đó cung – cầu quyết định chứ không phải do ông kế hoạch đề ra năm nay sản xuất 10 tấn thóc hay 10 tấn tôm, không phải như vậy" - Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Mới đây, trả lời phỏng vấn báo chí, Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh cũng cho rằng không ít quy hoạch sản phẩm được sử dụng như một dạng “giấy phép con”, gây trở ngại cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.
“Thực tế đó cho thấy, quy hoạch sản phẩm không chỉ là một loại giấy phép con, mà còn tạo điều kiện cho tiêu cực, xin - cho trong xây dựng, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch”, ông Khánh nói. Do đó, dứt khoát phải chấm dứt quy hoạch sản phẩm./.
Thanh Hằng
Cổng thông tin điện tử Chính phủ