Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) Tại cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Nguyễn Xuân Cường với Bộ trưởng Nông nghiệp, Chăn nuôi và Cung ứng Brazil, Blairo Maggi, chiều 16/9, tại Hà Nội, hai bên thống nhất tiến tới sẽ hợp tác thúc đẩy thương mại trong lĩnh vực nông sản.
Cụ thể là hợp tác về mía đường; sản xuất ngô, đậu tương và chế biến thức ăn gia súc; càphê; gỗ; máy móc nông nghiệp; công nghệ, kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp; nông nghiệp hữu cơ; đa dạng sinh học.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Việt Nam đang có ngành chăn nuôi phát triển, mỗi năm cần khoảng 20 triệu tấn thức ăn chăn nuôi. Dự báo tăng tưởng của ngành này thời gian tới khoảng 10% nên Việt Nam cần 5-6 triệu tấn ngô, hàng triệu tấn đậu tương cũng như các sản phẩm khác để chế biến thức ăn chăn nuôi.
Bên cạnh đó là các công nghệ trong chăn nuôi, những máy móc, thiết bị sản xuất thức ăn chăn nuôi. Đây là một tiềm năng lợi thế mà Brazil cũng như các đối tác khác có thể cung ứng cho Việt Nam.
Bộ trưởng Blairo Maggi cho biết, Brazil không có thế mạnh về tự nhiên. Đất đai trong nông nghiệp của Brazil rất nghèo. Nếu không có vốn, công nghệ thì Brazil không có nền công nghiệp nông nghiệp như hiện nay.
Theo Bộ trưởng Blairo Maggi, Brazil là nước đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu ngô và đầu tương. Brazil chỉ sử dụng có 8% quỹ đất sản xuất nông nghiệp, 19,7% quỹ đất dùng cho chăn nuôi gia súc. Đặc biệt, đất sử dụng cho chăn nuôi ngày càng giảm mạnh nhưng sản lượng chăn nuôi lại càng tăng cao. Do đó, Brazil sử dụng công nghệ trong chăn nuôi rất nhiều.
“Brazil là nước nhiệt đới có nền nông nghiệp bền vững. Brazil mong muốn có cơ hội hợp tác với Việt Nam. Nếu mở ra việc nhập khẩu công nghệ chăn nuôi gia súc sẽ giúp phát triển ngành chăn nuôi cho cả 2 nước” - Bộ trưởng Blairo Maggi nói.
Về cây mía, Bộ trưởng Blairo Maggi cho biết, 17% lượng điện của quốc gia này là từ cây mía. Do đó, ngoài sản xuất ethanol, Việt Nam có thể dùng cây mía để sản xuất điện.
Đặc biệt, Việt Nam và Brazil là hai quốc gia sản xuất cà phê lớn trên thế giới. Vì vậy hai Bộ trưởng đều mong muốn hai bên sẽ thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này để có giá càphê tốt hơn./.