Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 21/09/2016-09:56:00 AM
Sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch
(MPI) - Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có buổi phỏng vấn ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về một số nội dung của dự thảo Luật Quy hoạch.
Ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Ảnh: Đức Trung (MPI)

Thưa ông, xin ông cho biết ý nghĩa của việc ban hành Luật Quy hoạch?

Thứ nhất, việc ban hành Luật quy hoạch sẽ là bước cải cách về thể chế tạo ra sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về quy hoạch theo đúng tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, phù hợp với quy định mới của Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức Chính phủ 2015 về vai trò quản lý nhà nước về kinh tế.

Thứ hai, với những quy định trong Luật quy hoạch sẽ góp phần thay đổi phương thức quản lý nhà nước hiện nay theo hướng nhà nước kiến tạo và phục vụ; Trong đó nhà nước chỉ quy hoạch những ngành hạ tầng thiết yếu (hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng sản xuất) để kiến tạo sự phát triển trên cơ sở tôn trọng quy luật của kinh tế thị trường; Việc phân bổ nguồn lực cũng sẽ theo cơ chế thị trường để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy việc huy động các nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển nhằm giảm bớt gánh nặng đầu tư công của khu vực nhà nước, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đồng thời, sẽ tạo sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương; Tăng cường liên kết vùng, phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của từng vùng, từng địa phương; Để thúc đẩy phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Mặt khác, việc ban hành Luật quy hoạch sẽ là công cụ giúp quản lý phát triển một cách đồng bộ, khắc phục tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ ngành và tính cát cứ địa phương; Giải quyết các vấn đề xung đột lợi ích, xung đột mang tính liên ngành, xung đột giữa các địa phương.

Và với việc loại bỏ các quy hoạch sản phẩm đang tồn tại hiện nay trong Luật quy hoạch sẽ loại bỏ những giấy phép trái quy luật của kinh tế thị trường là bước đột phá về thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất kinh doanh. Đồng thời, việc thống nhất các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch, Luật quy hoạch cùng với Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp sẽ là giải pháp quan trọng để thúc đẩy quá trình cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh đảm bảo công khai, minh bạch, thông thoáng và hiệu quả.

Hiện quy hoạch được lập quá nhiều nhưng chất lượng quy hoạch thấp, quy hoạch không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện và thiếu tính khả thi gây lãng phí nguồn lực của đất nước, ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

Tình trạng lập quy hoạch quá nhiều, nhưng không hiệu quả gây lãng phí nguồn lực đang diễn ra ở tất cả các Bộ, ngành, địa phương và ngày càng có xu hướng gia tăng. Từ “quy hoạch” thường xuyên bị lạm dụng, nhiều ngành, lĩnh vực chỉ cần xây dựng các đề án, chương trình phát triển hoặc xây dựng tiêu chí để quản lý và đưa ra những dự báo, định hướng, chính sách phát triển cũng được lập thành quy hoạch gây lãng phí nguồn lực. Nhiều quy hoạch vùng được lập nhưng không rõ đối tượng quản lý, không quy định trách nhiệm tổ chức thực hiện nên không thể triển khai thực hiện được.

Có những bản quy hoạch nội dung giống như một báo cáo nghiên cứu khoa học, thiếu thực tiễn và thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa thực sự phục vụ định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu phát triển nhiều khi xuất phát từ mong muốn chủ quan, không phù hợp với yêu cầu của thị trường và nguồn lực thực có, dẫn đến quy hoạch thường xuyên bị phá vỡ, phải điều chỉnh trong thời gian ngắn sau khi ban hành. Quy hoạch chủ yếu đưa ra các chỉ tiêu phát triển một cách chung chung, thiếu tổ chức không gian phát triển hợp lý, khoa học. Hầu hết các quy hoạch được lập không phù hợp với thực tiễn và không gắn với nguồn lực thực hiện; Các dự án ưu tiên đầu tư trong quy hoạch quá lớn, không phù hợp với khả năng huy động nên kết quả thực hiện quy hoạch rất hạn chế.

Xin ông cho biết thực trạng về công tác quy hoạch hiện nay ở nước ta?

Sự thiếu gắn kết giữa các quy hoạch đặc biệt là khi xử lý các vấn đề mang tính liên ngành, liên vùng diễn ra khá phổ biến hiện nay. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội mang tính chính trị, chỉ chú trọng xác định những chỉ tiêu, định hướng phát triển, chưa chú trọng việc tổ chức không gian lãnh thổ. Quy hoạch ngành thiếu tính tổng thể, xem nhẹ việc gắn kết ngành và lãnh thổ. Quy hoạch xây dựng vùng chủ yếu thiên về tính kỹ thuật, thiếu cơ sở để xác định động lực cho sự phát triển. Quy hoạch sử dụng đất chưa thực hiện phân vùng chức năng sử dụng đất theo không gian mà mới chỉ chú ý đến việc phân bổ các chỉ tiêu loại đất, thiếu sự gắn kết với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành và quy hoạch xây dựng vùng. Chính vì vậy, trên cùng một mặt bằng lãnh thổ cả bốn quy hoạch này không liên kết, khớp nối với nhau.

Hệ thống quy hoạch không thống nhất về đối tượng quy hoạch và không tương thích về thời kỳ, phạm vi, trình tự, phương pháp lập quy hoạch, gây khó khăn trong chỉ đạo, điều hành của các cơ quan quản lý quy hoạch (quy hoạch sử dụng đất có cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội có ở cấp vùng, cấp tỉnh, cấp huyện; Quy hoạch xây dựng vùng có cấp vùng liên tỉnh, vùng tỉnh, vùng huyện, liên huyện, vùng dọc tuyến đường cao tốc, hành lang kinh tế liên tỉnh).

Nhiều quy hoạch có sự trùng lặp trên cùng một mặt bằng lãnh thổ (cùng một nội dung và cấp phê duyệt) nhưng lại do hai cơ quan quản lý dẫn đến khó khăn khi tổ chức triển khai thực hiện và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của quy hoạch. Mặt khác, một số ngành, lĩnh vực bị chia cắt, phân khúc để lập quy hoạch, dẫn đến tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo khi thực hiện.

Bên cạnh đó, quy hoạch chưa thể hiện được vị trí, vai trò là công cụ của nhà nước để điều hành phát triển kinh tế - xã hội và sự kết nối giữa chiến lược với kế hoạch dẫn đến sự thiếu gắn kết trong mục tiêu, định hướng phát triển và giải pháp thực hiện.

Nội dung quy hoạch chưa chú trọng tới việc cụ thể hóa mục tiêu, định hướng phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội, môi trường nhằm phát huy lợi thế, năng lực cạnh tranh của cả nước, của các vùng lãnh thổ và từng địa phương. Từ đó có giải pháp thực hiện bằng các kế hoạch 5 năm, hằng năm. Việc phân định nội dung giữa chiến lược - quy hoạch - kế hoạch chưa được thể hiện rõ trong quy hoạch dẫn đến việc lập và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều chồng chéo, thiếu thống nhất với chiến lược và quy hoạch, nhất là trong đầu tư các dự án quan trọng quốc gia.

Phương pháp và nội dung quy hoạch chưa đổi mới cho phù hợp với nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Mặt khác, quy hoạch không phù hợp với các quy luật, nguyên lý kinh tế thị trường nên không phát huy được hiệu quả, ngược lại còn cản trở thu hút đầu tư và gây trở ngại cho phát triển kinh tế - xã hội.

Việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch bị buông lỏng, chưa xử lý kịp thời và thiếu kiên quyết trong chỉ đạo điều hành. Quy định về công tác tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chưa hợp lý, thiếu đồng bộ và còn mang tính hình thức. Các Bộ, ngành, địa phương tự tổ chức lập, thẩm định, trình phê duyệt nhưng chưa đảm bảo tính tuân thủ, mối quan hệ hữu cơ giữa các quy hoạch và cơ chế phối hợp chưa tốt giữa các cơ quan quản lý quy hoạch dẫn đến sự thiếu khớp nối, mâu thuẫn và chồng chéo giữa các loại quy hoạch.

Nhiều quy hoạch được phê duyệt nhưng không được triển khai thực hiện do thiếu sự chỉ đạo, điều hành kiên quyết của các cấp, các ngành hoặc do thiếu cơ quan trực tiếp quản lý, điều hành. Vì thế, nhiều dự án được xác định “ưu tiên đầu tư” trong quy hoạch bị “treo”, không được triển khai thực hiện hoặc chậm triển khai.

Vậy xin ông cho biết nguyên nhân chính dẫn đến hạn chế, yếu kém của công tác quy hoạch?

Một là, tư duy và nhận thức của các cấp, các ngành về quy hoạch còn bất cập. Do ảnh hưởng của cơ chế kế hoạch hóa tập trung, nên các cấp, các ngành chưa có sự nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của quy hoạch trong nền kinh tế thị trường, còn mang nặng tư tưởng cục bộ từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đến khâu lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện quy hoạch và việc ban hành những chính sách liên quan đến công tác quy hoạch. Tư tưởng chủ nghĩa bình quân, căn bệnh thành tích, tư duy nhiệm kỳ và sự phối hợp kém hiệu quả của các cấp, các ngành đã tác động tiêu cực đến công tác quy hoạch, làm cho quy hoạch thiếu khách quan, không khả thi và bị điều chỉnh tùy tiện.

Hai là, ban hành quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về công tác quy hoạch nhưng không đồng bộ, thiếu thống nhất. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch được ban hành quá nhiều (95 luật, pháp lệnh điều chỉnh về hoạt động quy hoạch, trong đó riêng quy định trực tiếp về quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm đã có 73/95 luật, pháp lệnh), song các văn bản này được ban hành ở những thời kỳ khác nhau, do các cơ quan khác nhau đề xuất ban hành một cách độc lập nên không đồng bộ và thiếu thống nhất, nhất quán với nhau. Việc phân công, phân cấp về lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch rất phức tạp với nhiều cấp quản lý khác nhau; Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện quy hoạch còn rất hạn chế; Biện pháp, chế tài xử lý vi phạm pháp luật về quy hoạch còn thiếu và chưa đủ mạnh để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về quy hoạch là những nguyên nhân chính dẫn đến những tồn tại, bất cập của công tác quy hoạch như đã nêu trên.

Chính vì vậy, việc ban hành Luật quy hoạch là cần thiết và cấp bách hiện nay để khắc phục những hạn chế, yếu kém của công tác quy hoạch nêu trên. Đồng thời, Luật quy hoạch hướng tới sự cải cách toàn diện về công tác quy hoạch để quy hoạch thực sự là công cụ quan trọng, hữu hiệu giúp Nhà nước kiến tạo sự phát triển. Luật quy hoạch cũng sẽ là giải pháp quan trọng để đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Xin cảm ơn ông!

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2567
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)