(MPI) – Ngày 18/10/2016, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra Tọa đàm lần thứ tư giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, Chủ tịch Ủy ban hợp tác kinh tế Mê Kông - Nhật Bản, Phòng Thương mại Công nghiệp Nhật Bản Yoichi Kobayashi, Đồng Chủ tịch Ủy ban hợp tác kinh tế Mê Kông – Nhật Bản, Phòng Thương mại Công nghiệp Nhật Bản Akio Nekoshima. Tham dự Tọa đàm có đại diện các Bộ, ngành, các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng đại diện JCCI, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam và các doanh nghiệp Nhật Bản.
|
Toàn cảnh buổi Tọa đàm. Ảnh: Đức Trung (MPI)
|
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trên nền tảng Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á, Nhật Bản là đối tác cung cấp ODA lớn nhất, đối tác FDI thứ 2 và đối tác thương mại, giao lưu nhân dân hàng đầu của Việt Nam. Đến nay đã có hơn 3.200 dự án của Nhật Bản với tổng vốn đăng ký vượt 42 tỷ USD, chiếm hơn 14 % tổng FDI của Việt Nam. Doanh nghiệp Nhật Bản luôn thận trọng, nghiêm túc, tuân thủ pháp luật, tôn trọng văn hóa bản địa khi triển khai các dự án đầu tư. Qua đó, Nhật Bản đã có nhiều đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, chuyển đổi cơ cấu kinh tế của nhiều địa phương, doanh nghiệp Nhật Bản chính là nhà Ngoại giao kinh tế góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương lên tầm cao mới trong thời gian qua.
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Yoichi Kobayashi, Chủ tịch Ủy ban hợp tác kinh tế Mê Kông - Nhật Bản, Phòng Thương mại Công nghiệp Nhật Bản cho biết, Ủy ban Nhật Bản khu vực Mê Kông đã tiến hành khảo sát các doanh nghiệp là thành viên của Ủy Ban về việc doanh nghiệp đã đầu tư hoặc đang cân nhắc đầu tư sang Việt Nam đánh giá như thế nào về Việt Nam trên cơ sở so sánh với các nước khác, yêu cầu của doanh nghiệp Nhật Bản để lựa chọn đầu tư sang Việt Nam. Kết quả khảo sát cho thấy, những ưu điểm của Việt Nam khi so sánh với các nước khác là có lực lượng lao động trẻ dồi dào, cần cù chăm chỉ, ưu tú và chi phí lao động thấp, tiếp đến là thị trường nội địa tăng trưởng do kinh tế phát triển ổn định, người dân Việt Nam có tình cảm tốt đẹp với Nhật Bản và Nhật Bản và Việt Nam có mối quan hệ hết sức tốt đẹp về cả mặt chính trị và kinh tế. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, điểm yếu của Việt Nam là hệ thống chính sách pháp luật về cấp phép, thuế, kinh doanh của doanh nghiệp chưa hoàn thiện, thủ tục hành chính thiếu minh bạch, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông… cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cao.
Theo ông Yanai Taiji, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, để các doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư, Việt Nam cần thúc đẩy chính sách phát triển công nghiệp, có khả năng cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu; Xây dựng và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) phát triển; Đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, có khả năng sử dụng ngoại ngữ để trở thành cầu nối hợp tác đầu tư Việt Nam - Nhật Bản; Nâng cấp, phát triển hạ tầng giao thông đô thị, phương tiện công cộng để giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn; Áp dụng thống nhất, đúng các chính sách pháp luật, thủ tục hành chính; Đảm bảo thủ tục thông quan thuận lợi, thống nhất, nhanh chóng; Nới lỏng các điều kiện về nhập cảnh không cần VISA, trong đó xem xét nới lỏng quy định công dân Nhật Bản phải xin cấp visa trong trường hợp quay lại Việt Nam trong 30 ngày sau khi xuất cảnh.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần làm rõ tiêu chí trong quy định về nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng và đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu theo Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN ngày 13/11/2015 quy định về nguyên tắc chỉ cho phép nhập khẩu trong trường hợp tuổi thiết bị không quá 10 năm, được sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia; Tiêu chuẩn Quốc gia của Việt Nam hoặc phù hợp với Tiêu chuẩn các nước G7; Giảm thuế nhập khẩu và đơn giản hóa thủ tục đối với hàng hóa nhập khẩu với mục tiêu R&D; Nới lỏng quy định đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ, phân phối, trong đó nới lỏng, xóa bỏ quy định về Kiểm tra nhu cầu kinh tế - ENT/hạn chế tỷ lệ góp vốn của doanh nghiệp nước ngoài là 51% trong ngành dịch vụ vận tải đường bộ.
Tại Tọa đàm, trao đổi về chính sách phát triển công nghiệp của Việt Nam, ông Trần Văn Ngọt, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2035, trong đó huy động hiệu quả mọi nguồn lực từ các thành phầnkinhtế trong nước và từ bên ngoài để phát triển, tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại; Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp có kỹ năng, có kỷ luật, có năng lực sáng tạo; Ưu tiên phát triển và chuyển giao công nghệ đối với các ngành, các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh và công nghệ hiện đại, tiên tiến ở một số lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản, điện tử, viễn thông, năng lượng mới và tái tạo, cơ khí chế tạo và hóa dược. Với mục tiêu đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp đến năm 2035 từ 6,5 - 8%/năm, đến năm 2025, tỷ trong công nghiệp và xây dựng đạt 42 - 43%, đến năm 2035 đạt 40 - 41% trong cơ cấu kinh tế cả nước, tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế 85 - 90% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Để thực hiện được các mục tiêu trên, Việt Nam sẽ tiến hành triển khai một số nhóm giải pháp đột phá gồm: Đổi mới thể chế phát triển công nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, thu hút đầu tư hiệu quả, phát triển công nghiệp hỗ trợ, hệ thống dịch vụ công nghiệp, các ngành công nghiệp ưu tiên, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển thị trường...
Về xây dựng và hỗ trợ DNNVV, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, DNNVV có vị trí rất quan trọng, là nền tảng và động lực để phát triển kinh tế của bất cứ quốc gia nào, trong đó có Việt Nam. Hiện nay, khối DNNVV hiện chiếm 97% tổng số doanh nghiệp, đóng góp khoảng 50% trong cơ cấu GDP cũng như tổng vốn đầu tư toàn xã hội, 45% việc làm trong khối doanh nghiệp. Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, chính sách nhằm hỗ trợ khối doanh nghiệp DNNVV, các chính sách này cũng đã từng bước đi vào cuộc sống.
Việt Nam đang xây dựng Luật hỗ trợ DNNVV trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm và thông lệ quốc tế nhằm thúc đẩy khu vực doanh nghiệp này đổi mới sáng tạo, phát triển, đóng góp ngày càng cao cho nền kinh tế, các nội dung có trọng tâm, trọng điểm, đột phá liên quan đến các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực canh tranh, liên kết ngành - chuỗi giá trị, hội nhập quốc tế, đồng thời đảm bảo tính đồng bộ pháp lý cao nhất với các Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp đã có hiệu lực.
Cũng tại Tọa đàm, phản hồi với các doanh nghiệp Nhật Bản về việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, có khả năng sử dụng ngoại ngữ để trở thành cầu nối hợp tác đầu tư Việt Nam - Nhật Bản, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị Chính phủ Nhật Bản, JCCI cũng như các Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm, hợp tác: xây dựng chương trình, giáo án phù hợp nhu cầu thực tế, cử các chuyên gia sang đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm đối với học sinh. Bên cạnh đó, mở rộng diện xem xét đối với sinh viên ngành kỹ thuật được thực tập trong doanh nghiệp Nhật Bản; Xem xét, tuyển dụng thêm nghiên cứu sinh Việt Nam sang lao động, học tập trong các ngành kỹ thuật của Nhật Bản. Khuyến khích, nhân rộng cơ chế hợp tác giữa các trường dạy nghề, cao đẳng, đại học Việt Nam với doanh nghiệp Nhật Bản... trong thời gian tới.
Đối với vấn đề giải quyết ùn tắc giao thông đô thị, phát triển hạ tầng giao thông đô thị, phương tiện công cộng, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh... Việt Nam sẽ tiến hành xây dựng, triển khai quyết liệt, thống nhất các giải pháp gồm: huy động các nguồn lực, xã hội hóa (ODA, PPP) đầu tư, phát triển giao thông công cộng, gồm đường sắt đô thị; xe buýt nhanh BRT; Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và giám sát quy hoạch; Giảm phương tiện cá nhân, tập trung vào phương tiện xe máy cá nhân và điều tiết hợp lý mức tăng trưởng xe ô tô cá nhân; Tăng diện tích giao thông đô thị và giao thông tĩnh - bãi đỗ xe; Nâng cao ý thức, văn hóa tham gia giao thông; Nâng cao chất lượng phục vụ giao thông đô thị; Tuyên truyền, vận động người dân sử dụng giao thông công cộng; Chấn chỉnh, quản lý đô thị...
|
Thứ trưởng Đặng Huy Đông chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự Tọa đàm.
Ảnh: Đức Trung (MPI)
|
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Thứ trưởng Đặng Huy Đông đánh giá cao những trao đổi thẳng thắn, thảo luận về phương hướng, giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng như trao đổi về tầm nhìn, cơ hội hợp tác cụ thể trong thời gian tới của hai bên. Thứ trưởng mong muốn sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và JCCI sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư