Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 30/09/2016-10:42:00 AM
Tình hình thành lập và phát triển KCN, KKT 9 tháng năm 2016

Tình hình thành lập và phát triển KCN, KKT 8 tháng năm 2016

I. Tình hình phát triển KCN, KKT

1. Tình hình thực hiện quy hoạch KCN, KKT

a) Tình hình thành lập KCN

Tính đến hết tháng 9/2016, cả nước có 324 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 91,8 nghìn ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt 61,7 nghìn ha, chiếm khoảng 67% tổng diện tích đất tự nhiên, trong đó, 220 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên 59,6 nghìn ha và 104 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên 29,7 nghìn ha.Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN đạt 31,8 nghìn ha, tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt 50%, riêng các KCN đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 73%. Trong số 324 KCN được thành lập có 44 KCN đầu tư nước ngoài và 280 KCN đầu tư trong nước.

Các KCN được thành lập phù hợp với quy hoạch phát triển các KCN cả nước cũng như quy hoạch sử dụng đất và phát triển công nghiệp của địa phương. Về phân bố KCN, vùng Đông Nam Bộ vẫn là vùng có số lượng KCN được thành lập nhiều nhất với 109 KCN (chiếm 34% cả nước), tiếp đến là vùng Đồng bằng sông Hồng với 83 KCN (chiếm 26% cả nước) và vùng Tây Nam Bộ với 52 KCN (chiếm 16% cả nước).

b) Tình hình thành lập KKT

Tính đến tháng 9/2016, số lượng các KKT ven biển đã thành lập trên cả nước là 16 KKT, với tổng diện tích mặt đất và mặt nước xấp xỉ 815 nghìn ha. Ngoài ra, còn có 2 KKT (KKT ven biển Thái Bình, tỉnh Thái Bình và KKT Ninh Cơ, tỉnh Nam Định) có trong quy hoạch nhưng chưa được thành lập.

Trong 16 KKT ven biển có 36 KCN, khu phi thuế quan được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 16,1 nghìn ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt 7,8 nghìn ha, chiếm khoảng 48% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong đó, 14 KCN, khu phi thuế quan đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên 5,5 nghìn ha và 22 KCN, khu phi thuế quan đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên 10,6 nghìn ha.

Tổng diện tích đất đã cho thuê để thực hiện các dự án đầu tư sản xuất trong KKT ven biển đạt trên 30.000 ha, chiếm 40% tổng diện tích đất dành cho sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ trong KKT ven biển.

2. Tình hình xây dựng kết cấu hạ tầng KCN, KKT

a) Tình hình xây dựng kết cấu hạ tầng KCN

- Tính đến cuối tháng 9 năm 2016, trong số 324 dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN trên cả nước, có 44 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 277 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 3,46 tỷ USD và 240 ngàn tỷ đồng.

- Tổng vốn đầu tư kết cấu hạ tầng KCN thực hiện đến cuối tháng 9/2016 đạt 1,51 tỷ USD (bằng 44% tổng vốn nước ngoài đăng ký) và 93,5 ngàn tỷ đồng (bằng 40% so với tổng vốn đầu tư trong nước đăng ký).

b) Tình hình xây dựng kết cấu hạ tầng KKT

Đến hết tháng 9/2016, tổng số vốn đầu tư đăng ký xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong các KKT ven biển trên cả nước là 155 ngàn tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư trong nước là 133 ngàn tỷ đồng (chiếm 84% tổng vốn đầu tư), vốn đầu tư nước ngoài đạt 1,1 tỷ USD (chiếm 16% tổng vốn đầu tư).

Với diện tích lớn, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng lớn trong khi nguồn lực còn hạn chế nên các KKT ven biển đều đang trong giai đoạn đầu tư, xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo hướng ưu tiên các công trình hạ tầng kỹ thuật quan trọng, công trình bảo vệ môi trường và các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho các dự án đầu tư hiện hữu.

Đến nay, nhiều công trình, dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội của KKT đã được hoàn thànhbàn giao đi vào sử dụngbao gồm:các tuyến giao thông trục chính; các tuyến giao thông kết nối giữa các khu chức năng với cảng biển, sân bay, các tuyến quốc lộ; hệ thống luồng và cảng biển; hạ tầng KCN; bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư quy mô lớn;hạ tầngkhu nhà ở công nhân và khu tái định cư; trường dạy nghề; bệnh viện; khu xử lý nước thải và chất thải rắn…. của các KKTDung Quất, Chu Lai, Đình Vũ - Cát Hải, Nghi Sơn, Vũng Áng, Phú Quốc, Vân Phong, Chân Mây - Lăng Cô; Vân Đồn, Nhơn Hội, Đông Nam Nghệ An, Hòn La và Nam Phú Yên.

Ngoài ra, còn nhiềucông trình, dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội của KKTbao gồm:hệ thống cấp điện, hệ thống bưu chính viễn thông, hệ thống cấp nước; cảng biển; hạ tầng KCN, hạ tầng khu đô thị và dịch vụ; khu xử lý nước thải, chất thải; bệnh viện; trường dạy nghề và các công trình dịch vụ tiện ích khácdo các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước đầu tư tạicác KKTDung Quất, Chu Lai, Đình Vũ - Cát Hải, Nghi Sơn, Vũng Áng, Phú Quốc, Vân Phong, Chân Mây - Lăng Cô; Vân Đồn, Nhơn Hội, Đông Nam Nghệ An, Hòn La và Nam Phú Yên.

Các KKT ven biển khác như Định An, Năm Căn đã hoàn thành quy hoạch chung xây dựng và đang hoàn thành công tác lập quy hoạch chi tiết các khu chức năng, thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư đã được cấp phép và bước đầu đầu tư một số công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, nhất là hệ thống đường giao thông.

3. Tình hình thu hút vốn đầu tư vào KCN, KKT ven biển

a) Tình hình thu hút đầu tư vào KCN

* Tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài:

- Trong 9 tháng năm 2016, các KCN của cả nước đã thu hút được 595 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và điều chỉnh tăng vốn cho 497 lượt dự án với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 9,1 tỷ USD. Trong đó có một số dự án đầu tư quy mô lớn là: Dự án sản xuất màn hình của Tập đoàn LG Hàn Quốc tại KCN Tràng Duệ, KKT Đình Vũ Cát Hải (tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD), Dự án nhà máy sản xuất trang phục may mặc do công ty TNHH Maple (Singapore) tại KCN VSIP Bắc Ninh (tổng vốn đầu tư 110 triệu USD), Dự án nhà máy sản xuất tai nghe, dây kết nối New wing của công ty TNHH New Wing Interconnect Technology Bắc Giang tại Bắc Giang (tổng vốn đầu tư 100 triệu USD), Dự án của công ty TNHH nhà máy giấy Đại Dương tại KCN Long Giang (tổng vốn đầu tư 220 triệu USD), dự án nhà máy nhà máy sản xuất bán thành phầm nhà máy giầy thể thao tại KCN Hưng Phú 2B.

Lũy kế đến hết tháng 9/2016, các KCN của cả nước đã thu hút được 6.810 dự án FDI với tổng mức đầu tư đăng ký đạt 108,1 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện đạt 66 tỷ USD (bằng 61% tổng mức đầu tư đăng ký).

* Tình hình thu hút đầu tư trong nước:

- Trong 9 tháng năm 2016, các KCN của cả nước đã thu hút được 370 dự án đầu tư trong nước và điều chỉnh tăng vốn cho 135 lượt dự án với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 49,4 ngàn tỷ đồng.

Lũy kế đến cuối tháng 6/2016, các KCN cả nước thu hút được 6.381 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 694,5 ngàn tỷ đồng, tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 347 ngàn tỷ đồng (bằng 49,9% tổng vốn đầu tư đăng ký).

b) Tình hình thu hút đầu tư vào KKT

* Tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài:

- Trong 9 tháng năm 2016, các KKT của cả nước đã thu hút được 55 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và điều chỉnh tăng vốn cho 15 lượt dự án với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 4,6 tỷ USD.

Lũy kế đến cuối tháng 9/2016, các KKT của cả nước thu hút được 342 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký đạt 41 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện đạt 20 tỷ USD (bằng 49% tổng vốn đầu tư đăng ký).

* Tình hình thu hút đầu tư trong nước:

- Trong 9 tháng năm 2016, các KKT của cả nước đã thu hút được 101 dự án đầu tư trong nước và điều chỉnh tăng vốn cho 27 lượt dự án với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 34,1 ngàn tỷ đồng.

Lũy kế đến cuối tháng 9/2016, các KKT của cả nước thu hút được 1.053 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đạt 798 ngàn tỷ đồng, vốn đầu tư thực hiện đạt 345,8 ngàn tỷ đồng (bằng 43,4% vốn đầu tư đăng ký).

4. Tình hình sản xuất kinh doanh của các KCN, KKT

Trong 9 tháng năm 2016, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể như sau:

- Tổng doanh thu đạt khoảng 117,9 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2015.

- Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp đạt gần 69 tỷ USD, đóng góp khoảng 54% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (tăng khoảng 23% so với năm 2015).

- Kim ngạch nhập khẩu đạt 68,2 tỷ USD, đóng góp 54% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước (tăng 24% so với cùng kỳ năm 2015).

- Đóng góp vào NSNN: hơn 83 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

- Tạo việc làm cho hơn 2,81 triệu lao động.

Nhìn chung các KCN, KKT ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng công nghiệp, thu hút đầu tư đặc biệt là đầu tư nước ngoài, thúc đẩy xuất khẩu, tăng thu ngân sách và tạo công ăn việc làm như nêu trên. Đặc biệt các KCN, KKT đã thu hút được một số dự án đầu tư có quy mô lớn và rất lớn trong lĩnh vực công nghiệp nặng, công nghiệp điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các KCN, KKT, từng bước khẳng định Việt Nam như là một cứ điểm sản xuất công nghiệp toàn cầu.

5. Tình hình bảo vệ môi trường

a) Về xử lý nước thải

- Đối với khu công nghiệp

Tính đến tháng 9/2016, trong số 324 KCN đã được thành lập có 187 KCN đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung hoàn chỉnh và đi vào vận hành, chiếm 85% tổng số KCN đang hoạt động, phù hợp với chỉ tiêu được giao (85%) tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2016.

Nhìn chung, với sự quan tâm chỉ đạo của các địa phương, nhận thức và việc thực thi quy định về pháp luật bảo vệ môi trường của doanh nghiệp được tăng lên rõ rệt, nhất là sau sự cố môi trường của Công ty TNHH thép Formosa tại KKT Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh.

- Đối với các khu kinh tế:

Do quy mô và tính chất đặc thù của KKT, bao gồm nhiều khu chức năng như khu thương mại, khu công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị... do vậy, các khu kinh tế không có hệ thống XLNT chung cho toàn bộ KKT như mô hình đang áp dụng tại KCN hiện nay. Do vậy, đối với các dự án tập trung trong KCN thuộc KKT sẽ được xử lý nước thải thông qua hệ thống XLNT tập trung của KCN trong KKT. Tính đến nay, trong số 20 KCN trong KKT đang hoạt động có 7 KCN đã có nhà máy XLNT tập trung, 2 KCN đang xây dựng nhà máy và 11 KCN đang trong quá trình lập kế hoạch xây dựng. Tổng công suất 38.000 m3/ng.đêm, công suất trung bình 5.428 m3/ngày đêm, về cơ bản phục vụ được lưu lượng nước thải hiện có của các nhà máy trong KCN. Đối với các dự án nằm trong các khu chức năng khác (trừ KCN) của KKT sẽ tự xây dựng hệ thống xử lý nước thải nội bộ, đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn đầu ra theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

b) Về xử lý chất thải rắn

Việc đăng ký nguồn thải nguy hại được nghiêm túc kiểm tra, đôn đốc tại các KCN. Chất thải rắn và chất thải nguy hại phát sinh được từng cơ sở trong KKT, KCN ký hợp đồng trực tiếp với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý. Đa số các doanh nghiệp trong KCN đã có biện pháp phân loại và lưu giữ tạm thời trước khi thu gom đến nơi xử lý. Do vậy, về cơ bản, việc thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại được đảm bảo.

6. Tình hình xây dựng nhà ở và thiết chế văn hóa

a) Về xây dựng nhà ở

Trên phạm vi cả nước, đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 87 dự án nhà ở xã hội cho công nhân KCN, với quy mô xây dựng khoảng 28.800 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 6.800 tỷ đồng và đang tiếp tục triển khai 64 dự án nhà ở xã hội cho công nhân KCN, với quy mô xây dựng khoảng 69.300 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 18.800 tỷ đồng. Một số dự án nhà ở công nhân KCN tiếp tục được triển khai có quy mô lớn, như: Dự án của Công ty CP Vật liệu XD và XNK Hồng Hà với quy mô 3.000 căn hộ tại Sóc Sơn, Hà Nội; Dự án khu nhà ở công nhân Nam KCN Hòa Lạc của Tổng công ty Vinaconex với quy mô khoảng 3.300 căn hộ…

Hiện nay, mới chỉ có khoảng 20% tổng số công nhân KCN trên phạm vi cả nước có chỗ ở ổn định tại các khu nhà ở được đầu tư xây dựng theo dự án. Số còn lại vẫn đang phải thuê chỗ ở tạm tại các nhà trọ của người dân tự xây dựng.

b) Về thiết chế văn hóa

Hiện nay, cả nước đã có 33 cung văn hóa, nhà văn hóa, trung tâm văn hóa lao động cấp tỉnh; 20 nhà văn hóa lao động cấp huyện; trên 100 nhà văn hóa lao động trong các doanh nghiệp; gần 2.000 đội văn nghệ quần chúng của công nhân. Theo điều tra, thống kê của Bộ Xây dựng tại 98 KCN đã đi vào hoạt động tại các vùng kinh tế trọng điểm trên cả nước, tổng số lao động là trên 83 vạn công nhân nhưng mới chỉ có 6 KCN có trung tâm văn hóa, thể thao đạt tỷ lệ 6%, quy mô xây dựng 650 m2, mức đầu tư 500 triệu đồng/trung tâm văn hóa, thể thao.

II. Đánh giá kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, giải pháp thực hiện

1. Kết quả đạt được

a) Về xây dựng và phát triển KCN, KKT

Vai trò và đóng góp của các KCN, KKT đối với quá trình phát triển kinh tế của đất nước tiếp tục được nâng cao. Cụ thể như sau:

Một là, tỷ trọng giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp KCN, KKT trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước đã tăng lên, ước đạt khoảng 51% năm 2016, tăng 1,5% so với năm 2015.

Hai là, các doanh nghiệp KCN, KKT bước đầu có đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước. Tổng nộp ngân sách của cả nước đã tăng liên tục ước đạt 5.200 triệu USD năm 2016, tăng 700 triệu USD so với năm 2015.

Ba là, tỷ trọng vốn FDI đăng ký của các KCN, KKT so với tổng vốn FDI đăng ký của cả nước ước đạt khoảng 50% năm 2016.

Bốn là, các KCN, KKTvới môi trường đầu tư thông thoáng tiếp tục là điểm đến của các nhà đầu tư có các dự án quy mô lớn như LG, SAMSUNG, CHENLONG...

b) Về cơ chế, chính sách

- Một số tồn tại, hạn chế về cơ chế, chính sách trong phát triển KCN, KKT đã được khắc phục, góp phần đưa các KCN, KKT đi vào hoạt động ổn định, nề nếp và có hiệu quả hơn.

- Một số mô hình mới trong phát triển KCN, KKT đang được tích cực nghiên cứu phù hợp với thực tiễn và nâng cao hiệu quả hoạt động của KCN, KKT như KCN hỗ trợ, KCN chuyên sâu, Đặc khu kinh tế.

2. Một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, trong thời gian qua, hoạt động của các KCN, KKT vẫn còn một số mặt hạn chế chưa được khắc phục hoặc thực hiện chưa quyết liệt, cần tiếp tục tập trung giải quyết trong thời gian tới. Cụ thể gồm:

a) Việc hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về KCN, KKT chưa được triển khai đầy đủ và toàn diện

- Chưa ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ, trong đó bổ sung quy định phân cấp, ủy quyền cho Ban Quản lý KCN, KKT thực hiện chứng thực đối với hợp đồng, giao dịch bất động sản trong KCN, KKT.

- Bộ Xây dựng chưa ban hành hướng dẫn một số nội dung về quy hoạch nhà ở cho công nhân trong KCN.

b)Việc phân cấp, ủy quyền cho Ban quản lý KCN, KKT còn bất cập, chưa thuận lợi cho Ban quản lý KCN, KKT thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước

Các quy định tại pháp luật chuyên ngành không thống nhất với quy định về phân cấp, ủy quyền cho Ban quản lý KCN, KKT như quy định tại Nghị định số 29/2008/NĐ-CP, cụ thể trong lĩnh vực quản lý xây dựng, môi trường tại KCN, KKT đưa ra thêm điều kiện về năng lực và cơ cấu tổ chức của Ban quản lý KCN, KKT để có thể thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn.

c) Chính sách hiện hành còn một số điểm vướng mắc chưa thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển các KCN, KKT

- Về ưu đãi thuế TNDN: theo quy định tại Nghị định số 218/2013/NĐ-CP, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN không được áp dụng thuế suất ưu đãi và thời gian miễn, giảm.

-Về cho thuê lại đất và đơn giá cho thuê đất đối với doanh nghiệp phát triển hạ tầng KCN: Luật Đất đai năm 2013 không cho phép doanh nghiệp hạ tầng tận dụng được nguồn vốn dài hạn thông qua việc thuê đất của Nhà nước trả tiền thuê đất hàng năm và cho thuê lại đất thu tiền thuê đất một lần đối với nhà đầu tư thứ cấp như trước đây. Việc chuyển từ hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm sang hình thức thuê đất trả tiền thuê đất một lần đối với doanh nghiệp hạ tầng còn gặp ra một số vướng mắc, khó khăn và chưa được hướng dẫn cụ thể.

Theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013, đối với trường hợp dự án đầu tư hạ tầng KCN tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế được miễn tiền thuê đất thì được hưởng quyền, nghĩa vụ như đối với trường hợp thuê đất hàng năm. Trong khi đó, nhà đầu tư đã ứng trước tiền đền bù giải phóng mặt bằng, tiền đền bù giải phóng mặt bằng được tính vào tổng vốn đầu tư của dự án. Vì vậy, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư như không thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn.

Theo quy định tại Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước, đơn giá Nhà nước cho doanh nghiệp hạ tầng thuê đất trả tiền thuê đất một lần được định giá theo giá thị trường, qua đó, đẩy giá cho thuê lại đất lên rất cao, không hấp dẫn các nhà đầu tư thứ cấp. Việc thanh toán tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê tính giá đất phi nông nghiệp bằng với giá Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất. Như vậy, số tiền nộp tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê đối với các KCN rất lớn, nâng chi phí đầu tư lên cao và giá cho thuê lại đất tăng cao.

- Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2015) quy định đối với dự án thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và dự án thuộc diện cấp giấy chứng nhận đầu tư thì phải thực hiện thủ tục phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư. Trong khi đó theo Luật Đầu tư chỉ yêu cầu đánh giá sơ bộ tác động môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường đối với dự án thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, không yêu cầu đối với dự án thuộc diện cấp giấy chứng nhận đầu tư nói chung. Hiện nay, chưa có sự thống nhất giữa hai văn bản pháp luật này nên việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời gian qua chưa thuận lợi trong quá trình thực hiện. Kiến nghị thực hiện theo hướng nhà đầu tư thực hiện đánh giá tác động môi trường sơ bộ theo pháp luật về đầu tư, việc phê duyệt báo cáo đánh giá trường thực hiện sau khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc phê duyệt chủ trương đầu tư và trước khi thực hiện đầu tư xây dựng dự án.

d) Một số vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp cần được tiếp tục hướng dẫn

Theo quy định tại Luật Đầu tư năm 2014, việc cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư thực hiện ở trong và ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao nhưng đặt hoặc dự kiến đặt trụ sở chính hoặc văn phòng điều hành trong khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao thuộc thẩm quyền Sở Kế hoạch Đầu tư. Đối các dự án này, trước đây, được Ban Quản lý KCN, KKT, KCNC cấp GCNĐT. Do đó, việc triển khai quy định này gặp khó khăn, tạo ra sự không thống nhất, thuận lợi trong quản lý nhà nước về đầu tư đối với các dự án trong KCN, KKT, KCNC.

3. Giải pháp thực hiện

- Các bộ, cơ quan ngang bộ tập trung hướng dẫn việc phân cấp, ủy quyền cho Ban quản lý KCN, KCX, KCNC, KKT thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong KCN, KCX, KCNC, KKT theo quy định của Luật Đầu tư 2014 đồng thời nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật chuyên ngành cho phù hợp, tránh tình trạng chồng chéo giữa các văn bản pháp luật.

- Hoàn thành kết quả rà soát Quy hoạch KCN cho phù hợp với tình hình thực tế; đảm bảo diện tích KCN phù hợp với Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từng thời kỳ; không bỏ trống đất đai, gây lãng phí; không phát triển KCN khi chưa đảm bảo tỷ lệ lấp đầy KCN theo quy định.

- Tiếp tục tập trung đầu tư các KKT có tiềm năng, thuận lợi nhất; huy động tổng hợp các nguồn vốn (ODA, FDI, ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ) và nhiều hình thức đầu tư như (đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp, PPP…) để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, quan trọng trong các KKT để tạo điều kiện đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển các KKT.

- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án động lực đã thu hút được và các dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong các KKT để tạo tiền đề cho việc hình thành khu vực phát triển công nghiệp nòng cốt trong các KKT và thu hút các nhà đầu tư khác.

- Sửa đổi một số quy định vướng mắc chưa thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển các KCN, KKT về ưu đãi thuế TNDN, chính sách tiền thuê đất đai, nghĩa vụ tài chính đối với doanh nghiệp phát triển hạ tầng KCN; yêu cầu về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư; quy trình liên thông trong việc thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho nhà đầu tư nước ngoài; quy định cụ thể về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và những điều kiện đầu tư kinh doanh.

- Nghiên cứu, xây dựng và đa dạng hóa mô hình phát triển KCN như KCN sinh thái, KCN liên kết ngành, KCN hỗ trợ, KCN chuyên sâu theo ngành, lĩnh vực tại một số địa phương có điều kiện thuận lợi để tăng cường tính liên kết ngành, lĩnh vực, tính chuyên môn hóa, tính tập trung để phát triển một số ngành công nghiệp quan trọng như: điện tử, cơ khí, dệt-may, da-giày, chế biến thực phẩm... Đồng thời, tăng cường xúc tiến đầu tư để lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược cho các mô hình này.

- Nghiên cứu, pháp luật hóa mô hình KCN, đô thị, dịch vụ để phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, tạo môi trường sống và làm việc ổn định lâu dài cho người lao động và chuyên gia.

- Nghiên cứu, xây dựng mô hình Đặc khu kinh tế có quy mô đủ lớn với cơ chế, chính sách vượt trội và có tính cạnh tranh quốc tế, trở thành đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước tại một số địa phương có đủ điều kiện phát triển mô hình này.

- Xây dựng kế hoạch vận động xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; trong đó xác định cơ cấu đầu tư, dự án động lực phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

III. Tình hình thực hiện một số nhiệm vụ được giao

Theo chương trình công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Bộ trưởng phê duyệt tại các công văn số 80/BKHĐT-VP ngày 29/01/2016, Vụ Quản lý các khu kinh tế được giao chủ trì thực hiện 02 nhiệm vụ trình Thủ tướng Chính phủ và bổ sung 01 nhiệm vụ tại công văn số 204/BKHĐT-VP ngày 20/5/2016. Các nhiệm vụ đang được triển khai khẩn trương, đáp ứng đúng yêu cầu được giao và đảm bảo chất lượng văn bản. Tiến độ triển khai cụ thể của từng đề án được báo cáo tại Phụ lục (gửi kèm theo).

IV. Về tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2016

1. Giao kế hoạch 2016 đối với KKT, KCN, CCN

Trong kế hoạch 2016, tổng nguồn vốn NSTW được giao bố trí cho cả 3 chương trình hỗ trợ hạ tầng KKT ven biển, KCN và CCN là 4.305 tỷ đồng (tăng 37 tỷ đồng so với kế hoạch 2015), cụ thể:

- Hỗ trợ KKT ven biển: tổng nguồn 3.457 tỷ đồng được bố trí cho 16 KKT ven biển với 67 dự án, bao gồm: vốn chuẩn bị đầu tư là 3,2 tỷ đồng cho 5 dự án (bình quân 604 triệu đồng/dự án) và vốn thực hiện dự án là 3.463,8 tỷ đồng bố trí cho 62 dự án (bình quân là 55,7 tỷ đồng/dự án, cao hơn năm 2015 là 3,2 tỷ đồng/dự án).

- Hỗ trợ KCN: tổng nguồn 693 tỷ đồng bố trí cho 22 dự án trong 18 KCN (giảm 2 KCN và 3 dự án so với kế hoạch năm 2015). Mức vốn bố trí bình quân cho một KCN là 38,5 tỷ đồng (tăng 8,4 tỷ đồng so với năm 2015), cho một dự án là 38,5 tỷ đồng (tăng hơn 8,9 tỷ đồng/dự án so với năm 2015).

- Hỗ trợ CCN: Tổng vốn bố trí cho hạ tầng CCN là 155 tỷ đồng (tăng 35 tỷ đồng so với mức bố trí trong kế hoạch 2015) được bố trí cho 14 CCN tại 9 địa phương. Mức hỗ trợ trung bình của một CCN là 6,46 tỷ đồng (tăng 2 lần so với năm 2015), cho mỗi địa phương là 17,2 tỷ đồng (tăng 2,6 lần so với năm 2015).

2. Tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển 2016

Tổng khối lượng giải ngân 9 tháng đầu năm là 2.487.804 triệu đồng, đạt 58% kế hoạch, đảm bảo tỷ lệ giải ngân theo ý kiến chỉ đạo tại Nghị quyết số 60/NQ-CP. Đối với từng dự án: giải ngân trên 30% vốn bố trí trong năm. Mặc dù đảm bảo tỷ lệ giải ngân theo quy đinh, tuy nhiên, so với các năm trước, việc giải ngân nguồn vốn KH2016, đặc biệt là các dự án khởi công mới thấp hơn là do:

- Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện pháp luật Đầu tư công do vậy nhiều địa phương còn gặp lúng túng trong triển khai thực hiện dẫn tới việc giao kế hoạch năm 2016 chậm và giao nhiều đợt (3 đợt), quyết định đầu tư của các dự án khởi công mới bị điều chỉnh lùi nhiều lần (31/10, 31/3).

- Kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa được Quốc hội thông qua theo đúng tiến độ đã quy định trong Luật Đầu tư công dẫn tới các địa phương chưa chủ động được việc xây dựng kế hoạch hàng năm.

- Thời gian, quy trình, thủ tục để đầu tư, đấu thầu, triển khai xây dựng các dự án khởi công mới kéo dài (thường trên 6 tháng) dẫn tới việc thực hiện và giải ngân nguồn vốn kế hoạch năm 2016 chậm.

3. Đánh giá tình hình phân bổ và triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển năm 2016

3.1. Những kết quả đạt được

- Việc bố trí vốn kế hoạch 2016 đã tuân thủ theo quy định tại Luật Đầu tư công, các Nghị định hướng dẫn, các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch và căn cứ vào các mục tiêu và định hướng phát triển chung của giai đoạn 2016-2020, khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc NSNN và các hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Đã bố trí hoàn trả 100% số nợ đọng xây dựng cơ bản trước 31/12/2014 của các dự án hạ tầng KKT, KCN, CCN. Đồng thời, NSTW bố trí 142,68 tỷ đồng để hoàn trả vốn ứng trước đến nay chưa thu hồi của hạ tầng KKT, KCN.

- Bố trí 71% tổng nguồn bố trí cho KKT ven biển cho 8 nhóm KKT được lựa chọn ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2016-2020.

- Các dự án được bố trí vốn đã rà soát chặt chẽ trong quá trình xây dựng kế hoạch nên trong quá trình triển khai, từ đầu năm đến nay chưa có địa phương nào đề xuất điều chuyển vốn giữa các dự án và giữa các chương trình.

- Kế hoạch năm 2016 được giao trong 3 đợt nhưng các dự án thuộc hạ tầng KKT ven biển, KCN, CCN chủ yếu giao trong đợt 1, một số ít trong đợt 2 và hoàn thành giao kế hoạch 2016 trong 2 đợt đầu.

3.2. Những tồn tại, hạn chế

- Nhu cầu vốn đầu tư tại các địa phương là lớn, nhưng nguồn lực bố trí hàng năm còn hạn chế so với nhu cầu.

- Việc thu hồi vốn ứng trước: các địa phương chưa chủ động bố trí vốn kế hoạch hàng năm để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và hoàn trả vốn ứng trước chưa thu hồi.

- Kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa được thông qua, kế hoạch năm 2016 giao muộn hơn với mọi năm và giao nhiều đợt, các quy trình thủ tục theo quy định mới của Luật Đầu tư công, Đấu thầu, Xây dựng kéo dài đã ảnh hưởng chung tới việc xây dựng kế hoạch./.

Vụ Quản lý các khu kinh tế
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 3137
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)