Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV (MPI) – Ngày 28/10/2016, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu đã trình bày Báo cáo tóm tắt về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016.
Theo Báo cáo, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã thúc đẩy sự chuyển biến rõ nét trên hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước, góp phần tích cực xây dựng xã hội công khai, minh bạch, dân chủ, củng cố và giữ vững niềm tin của nhân dân. Hệ thống bộ máy nhà nước, thể chế, chính sách được hoàn thiện hơn cùng với việc mở rộng công khai, minh bạch, thực hiện trách nhiệm giải trình, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm. Chính sách, pháp luật về PCTN được đưa vào hệ thống truyền thông, giáo dục, đào tạo góp phần nâng cao nhận thức trong xã hội và tạo lập nền tảng quan trọng để hình thành văn hóa PCTN.
Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với mức độ phổ biến, tính chất rất nghiêm trọng và chưa bị đẩy lùi.
Công tác PCTN nói chung chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra và vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém như: Thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực vẫn còn bất cập; công khai, minh bạch còn hạn chế, chưa xóa bỏ được cơ chế "xin - cho", là điều kiện dung dưỡng và làm nảy sinh tham nhũng, nhất là trên lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý ngân sách, vốn, tài sản nhà nước, tổ chức - cán bộ, tín dụng, ngân hàng...
Một số cơ quan, đơn vị và người đứng đầu chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PCTN. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật ở một số nơi chưa tốt, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm. Bên cạnh đó là bệnh thành tích, né tránh trách nhiệm, bao che sai phạm trong nội bộ còn xảy ra ở nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Nội dung tuyên truyền, giáo dục về PCTN chưa thật sự phong phú, đa dạng, hấp dẫn. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nhận thức về công tác PCTN chưa đồng đều, thiếu tự giác trong chấp hành các quy định về PCTN. Tình trạng cán bộ, công chức có tâm lý thờ ơ, ngại đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực trong nội bộ còn khá phổ biến…
Trong thời gian qua, các giải pháp phòng ngừa tham nhũng mới tập trung thực hiện ở khu vực công, trong khi đó, các mối quan hệ kinh tế - xã hội làm nảy sinh tham nhũng rất phức tạp, nguyên nhân chủ quan là do một số nơi có biểu hiện coi nhẹ, chậm chỉ đạo thực hiện, không thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra; Việc quán triệt, chấp hành các quy định về phòng ngừa tham nhũng ở một số nơi chưa tốt, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm; Công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCTN còn chưa đáp ứng được yêu cầu; Cơ chế, biện pháp, trách nhiệm theo dõi, đánh giá tình hình tham nhũng và công tác PCTN thiếu tính khả thi, chưa làm rõ được những nơi chưa thực hiện tốt các quy định của Luật PCTN, chưa gắn kết việc đánh giá công tác PCTN với việc đánh giá mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của người đứng đầu.
Cũng theo Báo cáo, phương hướng, nhiệm vụ công tác PCTN năm 2017 là tiếp tục quán triệt sâu sắc mục tiêu, quan điểm, nội dung và giải pháp PCTN đã nêu trong các Nghị quyết của Đảng và các quy định của Luật PCTN; Kiên quyết, kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp PCTN với những bước đi vững chắc, tích cực, có trọng tâm, trọng điểm gắn với thực hiện toàn diện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, an ninh, quốc phòng… Kiên quyết không để tham nhũng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng hơn, tiến tới ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng./.
Đức Trung
Bộ Kế hoạch và Đầu tư