Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 22/10/2016-16:09:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017

(MPI) – Ngày 20/10/2016 tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và nhiệm vụ 2017.

Theo Báo cáo, tình hình kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực và đạt được kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực. Chính phủ tập trung chỉ đạo, điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng tăng 3,14%, cả năm ước tăng khoảng 4%. Việc điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường đối với dịch vụ giáo dục, y tế được chuẩn bị kỹ và điều hành phù hợp, không gây ảnh hưởng lớn đến mặt bằng giá. Huy động vốn cho đầu tư phát triển được đẩy mạnh. Trong 9 tháng, vốn FDI thực hiện tăng 12,4%, vốn ODA và vay ưu đãi giải ngân đạt khoảng 2,7 tỷ USD. Mức vốn hóa thị trường chứng khoán đạt 63% GDP, cao nhất từ trước đến nay, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tăng mạnh. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước cả năm đạt 32,5% GDP.

Đồng thời, Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh tăng trưởng thương mại toàn cầu và khu vực giảm mạnh. Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng tăng 6,7%, trong đó xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản tăng 7,4%, xuất siêu 2,8 tỷ USD. Ước cả năm xuất khẩu tăng 6 - 7%. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý kịp thời hơn các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Có chính sách đặc thù để tạo đột phá phát triển cho nhiều địa phương. Công tác xúc tiến đầu tư được triển khai hiệu quả hơn. Thời gian làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp rút ngắn còn 1-3 ngày. Trong 9 tháng, có trên 81 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và trên 20 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại. Tạo điều kiện cho người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước, 9 tháng tăng 5,93%. Khu vực nông nghiệp đang phục hồi, 9 tháng tăng 0,65%. Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,2%. Khu vực dịch vụ tăng 6,66%, cao hơn cùng kỳ. Khách quốc tế đạt 7,26 triệu lượt, tăng 25,7%, cả năm đạt khoảng 9,6 triệu. Tăng trưởng kinh tế cả năm ước đạt 6,3 - 6,5% .

Chính phủ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu kinh tế, tập trung là tái cơ cấu đầu tư công, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Trình Quốc hội Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, Kế hoạch tài chính - NSNN và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Triển khai 02 chương trình mục tiêu quốc gia và 21 chương trình mục tiêu. Tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nhất là các tổ chức tín dụng yếu kém. Tổng kết 10 năm thực hiện tái cơ cấu DNNN, xây dựng Đề án tổng thể cho giai đoạn 2016 - 2020 và Đề án thành lập cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Chỉ đạo đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn và thực hiện đấu giá, niêm yết trên thị trường chứng khoán, bảo đảm công khai minh bạch, không để thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước.

Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh. Từng bước tổ chức lại sản xuất, mở rộng quy mô, tăng cường hợp tác, liên kết, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ thích ứng với biến đổi khí hậu, nhân rộng các mô hình hiệu quả. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả. Đến nay đã có 27 đơn vị cấp huyện và 2.061 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 23%. Đến hết năm 2016, dự kiến có 30 đơn vị cấp huyện và khoảng 2.200 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tiếp tục triển khai tái cơ cấu các ngành công nghiệp, dịch vụ theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh. Thực hiện các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Cơ cấu nội ngành công nghiệp chuyển dịch tích cực. Tập trung phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế như du lịch, viễn thông, công nghệ thông tin...

Vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên, Chính phủ đã chủ động tập trung ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, nhất là hạn hán ở miền Trung, Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long và bão, lũ ở miền Bắc, miền Trung. Chỉ đạo thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống hạn và xâm nhập mặn. Triển khai những dự án trọng điểm ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

Về hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, Chính phủ đã xây dựng, trình Quốc hội 20 dự án Luật, Pháp lệnh; Ban hành 103 Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành pháp luật, đặc biệt là đối với Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp. Ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Các địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông, góp phần nâng cao tính công khai minh bạch, giảm thời gian, tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả. Tăng cường đối ngoại song phương, tạo lợi ích đan xen, tổ chức thành công các chuyến thăm nước ngoài của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đón tiếp các đoàn cấp cao nước ngoài thăm Việt Nam. Triển khai hiệu quả đối ngoại đa phương, chủ động, tích cực tham gia các Hội nghị, diễn đàn cấp cao quốc tế và khu vực. Triển khai Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế và xây dựng Đề án thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định kinh tế - xã hội trong bối cảnh tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đến nay, đã có 64 nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Chính phủ đã hoàn tất các thủ tục, trình phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, sản xuất kinh doanh tiếp tục phát triển, tái cơ cấu nền kinh tế đạt một số kết quả, đầu tư khu vực tư nhân chuyển biến mạnh mẽ, niềm tin của xã hội và thị trường tăng lên. Các trung tâm kinh tế lớn tiếp tục phát huy vai trò đầu tầu tăng trưởng, làm động lực phát triển của các vùng và cả nước, nhiều địa phương khó khăn đã nỗ lực vươn lên. Văn hóa, xã hội có tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được chú trọng. Cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh có tiến bộ. Phòng chống tham nhũng, lãng phí được chỉ đạo quyết liệt. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, giữ vững thế chủ động chiến lược và chủ quyền quốc gia. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả.

Theo Báo cáo, tình hình thế giới năm 2017 dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới có thể tăng cao hơn năm 2016 nhưng vẫn phục hồi chậm, không đồng đều và còn nhiều rủi ro. Giá một số hàng hóa cơ bản và dầu thô vẫn ở mức thấp. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực diễn ra gay gắt. Ở trong nước, bên cạnh những thuận lợi, chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp trong khi thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững và thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế, nhất là các Hiệp định FTA thế hệ mới mở ra nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức. Nhu cầu tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia và ứng phó với biến đổi khí hậu rất lớn trong khi nguồn lực còn hạn hẹp.

Về mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm trong năm 2017: bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ rệt trong thực hiện 3 đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng. Nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế. Bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân. Phát triển văn hóa, thực hiện dân chủ và tiến bộ, công bằng xã hội. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; Tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Giữ thế chủ động chiến lược, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; Bảo đảm an ninh quốc gia, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Chính phủ đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn nền kinh tế; Tập trung tháo gỡ khó khăn cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; Tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; Phát triển văn hóa, xã hội, chăm lo đời sống cho người dân; Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, tăng cường quản lý tài nguyên; Xây dựng nền hành chính hiệu lực hiệu quả, kỷ luật kỷ cương; Nâng cao hiệu quả đối ngoại và hội nhập quốc tế; Đẩy mạnh thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội./.

Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1051
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)