Tăng trưởng kinh tế trong năm 2016 đã được hỗ trợ tích cực từ hệ thống tài chính với tổng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế tăng 15,1% so với năm 2015, tương đương 170% GDP.
|
Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch NFSC phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VGP/Huy Thắng |
Đây là một nội dung được nêu ra tại Hội thảo “Tổng quan thị trường tài chính năm 2016” do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) tổ chức ngày 10/11, nhằm phân tích bức tranh về thị trường tài chính cũng như dự báo kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Lạm phát và tăng trưởng ở mức hợp lý
Ông Đặng Ngọc Tú, Trưởng ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát của NFSC cho hay, bất chấp khó khăn và thách thức, nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì và củng cố. Cụ thể, lạm phát năm 2016 cao hơn năm 2015 chủ yếu do giá dịch vụ công đã được chủ động điều chỉnh nhằm đẩy nhanh tiến trình tự do hóa giá cả theo nguyên lý kinh tế thị trường. Nhóm giá dịch vụ y tế, giáo dục đóng góp khoảng 3% trong tổng số 4% lạm phát 10 tháng đầu năm nay. Trong khi đó, lạm phát cơ bản 2016 dự báo ổn định (dưới 2%) so với năm 2015.
Tác động tiêu cực của kinh tế thế giới trong năm 2016 đến kinh tế Việt Nam như kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm hơn so với dự báo, tăng trưởng thương mại đạt mức thấp, giá dầu thô và nông sản giảm mạnh; cùng với hạn hán, thiên tai do tác động của biến đổi khí hậu.
Dù vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng khả năng chịu đựng cú sốc từ bên ngoài của nền kinh tế của Việt Nam đã được cải thiện hơn. Cụ thể, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ của Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng tốt, đồng thời tổng cầu được duy trì, trong đó cầu tiêu dùng tăng khá với doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 85,8% GDP so với 77,3% của năm 2015, giúp tăng trưởng chung của nền kinh tế trở lại quỹ đạo kể từ quý 3/2016 sau những khó khăn của ngành công nghiệp khai khoáng và nông nghiệp trong nửa đầu năm.
Đánh giá chung tình hình, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch NFSC cho rằng, điểm sáng trong điều hành chính sách vĩ mô 2016 là thực thi chính sách tiền tệ linh hoạt, nhân tố chủ đạo hỗ trợ cho doanh nghiệp, góp phần ổn định thị trường tài chính, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn bảo đảm lạm phát hợp lý.
Tăng trưởng kinh tế trong năm 2016 đã được hỗ trợ tích cực từ hệ thống tài chính với tổng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế tăng 15,1% so với năm 2015, tương đương 170% GDP. Lòng tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước tăng mạnh. Thị trường chứng khoán tăng gần 20%; vốn hóa thị trường đạt 38% GDP so với 32,4% năm 2015; đầu tư gián tiếp tăng trên 20%. Chính sách tiền tệ linh hoạt nhưng thực chất là đã có nới lỏng với mức độ hợp lý, thúc đẩy tăng trưởng nhưng hạn chế gây ra lạm phát.
Phó Chủ tịch NFSC Trương Văn Phước đánh giá cao chính sách tiền tệ trong năm 2016 với việc giữ ổn định lạm phát và ước tính tín dụng năm nay tăng 18-19%. Dù mức tăng trưởng tín dụng 2016 tương đối tốt và việc phân bổ vốn đã đi đúng vào thực chất hơn, nhưng ông Phước cho rằng, vẫn còn những dấu hiệu cần hết sức lưu ý để tránh nguy cơ "bong bóng" bất động sản. Cụ thể, dù tín dụng bất động sản tăng thấp hơn năm ngoái, nhưng tín dụng tiêu dùng năm nay tăng gần 40% mà thực chất một nửa lại liên quan đến mua nhà ở, các căn hộ.
Về kết quả “làm ăn” của hệ thống ngân hàng, ông Phước cho biết, mức sinh lời của toàn hệ thống ngân năm nay ước khoảng 120.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, các ngân hàng phải trích lập 70.000 tỷ đồng nên số lợi nhuận sau thuế ước chừng còn khoảng 40.000 tỷ. Như vậy, với việc chi phí khác đang chiếm 2/3 mức lãi thực của hệ thống ngân hàng cho thấy nợ xấu vẫn là một gánh nặng.
|
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: VGP/Huy Thắng |
Không thể chủ quan trước những áp lực mới
Đại diện NFSC đưa ra dự báo cho năm 2017 là tăng trưởng kinh tế sẽ được cải thiện khá nhờ cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, tạo xung lực mới cho khu vực tư nhân. Khu vực này sẽ trở thành động lực chính của năm 2017 do giá năng lượng và nông sản thế giới được dự báo phục hồi. Do đó, tăng trưởng kinh tế năm 2017 có khả năng đạt mức 6,7%.
Tuy nhiên, cơ quan này cũng nhận định có không ít khó khăn, thách thức mà nền kinh tế trong năm 2017 sẽ phải đối mặt.
Trước hết từ môi trường kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định như bất ổn chính trị (trong đó có việc Anh rời EU) có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu; giá năng lượng và hàng hóa chủ chốt vẫn còn biến động thất thường; chính sách tiền tệ phi truyền thống của các nền kinh tế lớn còn có thể dẫn đến những diễn biến khó lường đối với dòng vốn FDI; thiên tai, biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp.
Trong bối cảnh dư địa chính sách hạn hẹp (nhất là trong bối cảnh nợ công tăng nhanh), thì nguồn lực tài chính quốc gia hạn chế sẽ là những thách thức cho kinh tế Việt Nam. Ngoài ra, khu vực nông nghiệp tăng trưởng chậm, nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào khu vực FDI, tiến trình tái cơ cấu trên nhiều lĩnh vực còn chậm; hệ thống tài chính vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực ngân hàng, khả năng giảm lãi suất cho vay bị hạn chế bởi vấn đề nợ xấu, cũng đặt ra nhiều thách thức cho mục tiêu phát triển kinh tế trong năm 2017 cũng như những năm tiếp theo.
Nguyên Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy khẳng định, quan trọng nhất là phải có nền kinh tế hiệu quả, với sức cạnh tranh cao hơn chứ không nên quá chú trọng vào vào các chỉ số tăng trưởng. Một chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, dù có đạt chỉ tiêu tăng trưởng nhưng cũng không nên tự “ru ngủ”, vì thực tế với tiềm năng của mình, nếu sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực, tăng năng suất lao động, Việt Nam vẫn có khả năng tăng trưởng cao hơn mà vẫn kiểm soát được lạm phát. Nhưng, các con số tăng trưởng, chỉ số tăng trưởng chỉ là một biến số để tham khảo, không nên đánh đổi nhiều thứ chỉ vì tăng trưởng.
Các chuyên gia cũng nhận định, việc Hoa Kỳ có người lãnh đạo mới có xu hướng bảo hộ kinh tế trong nước nhiều hơn sẽ có tác động khá lớn đến dòng thương mại toàn cầu, đây là điều cần phải tính toán cụ thể.
Được biết, cuối tháng 11, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia sẽ công bố báo cáo Tổng quan thị trường tài chính năm 2016. Đây là báo cáo thường niên từ năm 2013 và là ấn phẩm định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.
Huy Thắng
Cổng thông tin điện tử Chính phủ