Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải trình tại Quốc hội (MPI) – Sau hai ngày 02-03/11/2016, Quốc hội thảo luận về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 và Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, chiều ngày 03/11/2016, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã giải trình làm rõ một số nội dung các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017
Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, các đại biểu nhất trí với đánh giá trong báo cáo của Chính phủ về những khó khăn của nền kinh tế trong 9 tháng và dự kiến cả năm 2016. Trong đó dẫn tới có hai chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng GDP và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu không đạt so với kế hoạch đề ra.
Về tốc độ tăng trưởng GDP, trong 9 tháng năm 2016, báo cáo của Chính phủ đã nêu bối cảnh thế giới và trong nước không thuận lợi dẫn tới ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế. Cụ thể, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, các tổ chức quốc tế đều hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu so với đầu năm, trong đó, Ngân hàng Thế giới đã hạ dự báo từ 2,9% xuống còn 2,4%, Quỹ tiền tệ Quốc tế dự báo khoảng 3,1%, giảm 0,1% so với dự báo ban đầu. Nguyên nhân chính khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm do tổng cầu của thế giới giảm, khiến mặt bằng giá của thế giới bao gồm giá dầu, than, các mặt hàng cơ bản khác và thương mại toàn cầu giảm. Theo dự báo của Tổ chức Thương mại Thế giới, tăng trưởng thương mại toàn cầu giảm từ 2,8% xuống 1,7% trong năm 2016.
Những khó khăn trong nước và quốc tế đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, công nghiệp khai khoáng, xuất khẩu dẫn tới tăng trưởng 9 tháng năm 2016 đạt 5,93%, thấp hơn 0,6% so với cùng kỳ năm 2015. Trong các khu vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đạt thấp, tăng 0,65%, làm giảm 0,25% của tốc độ tăng trưởng GDP so với năm 2015. Lĩnh vực khai khoáng giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2015, chủ yếu do giảm sản lượng và giá dầu thô, làm giảm 0,28% của tốc độ tăng trưởng chung GDP.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận lợi, thương mại toàn cầu giảm, trong nước gặp nhiều khó khăn, các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng nhận định tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2016 của Việt Nam đạt được 5,93% là tích cực. Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng, nền kinh tế của Việt Nam đã ứng phó và chống chịu tốt hơn đối với các tác động từ bên ngoài và những khó khăn trong nước. Ước tăng trưởng GDP của cả năm 2016 qua tính toán, phân tích cả về định tính và định lượng khoảng 6,3-6,5%. Để đạt được kết quả này, quý IV năm 2016 phải đạt 7,09-7,71%.
Về các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, việc thực hiện quyết liệt và đồng bộ các Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017 và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 đã tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, tạo động lực và khuyến khích khu vực doanh nghiệp phát triển. Trong 10 tháng năm 2016, xuất khẩu tăng 7,2% và dự kiến tăng trưởng xuất khẩu của cả năm 2016 đạt khoảng 7-8%, cao hơn số đã dự kiến báo cáo với Quốc hội là 6-7%, thấp hơn so với mục tiêu đã đề ra nhưng tương đối khả quan trong điều kiện thương mại toàn cầu suy giảm.
Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 được xây dựng theo hướng tăng trưởng tích cực, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020. Mục tiêu về tăng trưởng kinh tế năm 2017 phấn đấu đạt khoảng 6,7%, kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 11-12 tỷ USD, tăng 6%-7% so với năm 2016. Dự kiến tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2017 khoảng 1,6 triệu tỷ đồng, bằng 31,5% GDP, tăng 10% so với ước thực hiện của năm 2016.
Giải trình về vấn đề cần có những chính sách ưu tiên cho địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho khu vực này và trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, bên cạnh việc tập trung cho một số vùng kinh tế trọng điểm nhằm tạo động lực phát triển cho toàn nền kinh tế cũng đã ưu tiên bố trí đủ vốn thực hiện cho hai chương trình mục tiêu quốc gia, đó là chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình xóa đói, giảm nghèo. Với mục tiêu ưu tiên hỗ trợ các vùng miền núi, biên giới hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, phấn đấu thu hẹp dần các khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế cũng như là thu nhập, mức sống của người dân giữa các vùng, miền trong cả nước.
Về phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu và cho biết, đây là một nội dung của kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, tập trung vào tái cơ cấu kinh tế vùng và nâng cao liên kết kinh tế vùng, giảm chia cắt không gian phát triển theo địa giới hành chính cấp tỉnh. Chính phủ đã xây dựng và trình Quốc hội dự thảo về Luật quy hoạch, trong đó quy định chặt chẽ sự phù hợp giữa các cấp quy hoạch từ quy hoạch tổng thể quốc gia đến quy hoạch vùng, quy hoạch lãnh thổ, quy hoạch địa phương, quy hoạch ngành một cách cụ thể và tăng cường liên kết vùng, phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của từng vùng, từng địa phương và phát huy hiệu quả trong khai thác, sử dụng nguồn lực của đất nước, khắc phục tình trạng chia cắt quản lý cục bộ ngành, giải quyết các vấn đề xung đột về lợi ích mang tính liên ngành và xung đột giữa các địa phương. Hiện nay, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại quy hoạch của vùng Tây Nguyên và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu đang diễn ra một cách nhanh chóng và khốc liệt hơn, cũng như phù hợp với quá trình tái cơ cấu nông nghiệp và hội nhập quốc tế.
Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020
Phát biểu tại Phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Kế hoạch không phải là một đề án mới mà là một bước tiếp nối cụ thể hóa, cập nhật, bổ sung những điểm mới gắn với điều kiện cụ thể của giai đoạn 2016-2020 nhằm thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyi đoạn số 339/QĐ-TTg ngày 19/02/2013. Kế hoạch tập trung nhấn mạnh những nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ cần ưu tiên thực hiện, nhằm thúc đẩy mạnh hơn, nhanh hơn quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nếu không có nhận thức đúng, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa sống còn để hành động quyết liệt hoặc làm chậm quá trình này thì rất khó để vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, tận dụng cơ hội của hội nhập quốc tế, nhất là thu hẹp khoảng cách phát triển với thế giới, trong khi Việt Nam đang tụt hậu so với thế giới và khu vực. Nếu không đặt mục tiêu cao, thậm chí là tham vọng, Việt Nam không thể có động lực và sự thúc ép để thực hiện tái cơ cấu nhanh, quyết liệt.
Tái cơ cấu nền kinh tế là một nội dung lớn, quan trọng và cấp bách, nhất là trong khi Việt Nam đang nỗ lực đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển nhanh, bền vững, vì con người và lợi ích của con người làm trọng tâm, là vấn đề rất khó, phức tạp, phạm vi rộng và liên quan đến nhiều khía cạnh, từ tư duy, tầm nhìn, quan điểm, nhận thức, cách tiếp cận đến thể chế, nguồn lực và lợi ích.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 gồm năm quan điểm: Tái cơ cấu nền kinh tế phải gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; Xây dựng nhà nước kiến tạo, từng bước tạo điều kiện để cơ chế thị trường giữ vai trò ngày càng quyết định trong huy động và phân bổ các nguồn lực phát triển; Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, giải pháp đột phá có trọng tâm, trọng điểm; Hội nhập quốc tế; Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Với các ý kiến thảo luận, góp ý của các đại biểu Quốc hội về quan điểm thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng rất xác đáng và cơ quan chủ trì soạn thảo Kế hoạch tiếp thu, bổ sung làm rõ và nhấn mạnh hơn quan điểm này trong Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
Trên cơ sở 5 nội dung trọng tâm, 10 nhiệm vụ ưu tiên và các đề án nhiệm vụ tái cơ cấu cụ thể được nêu trong Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, một số ý kiến thảo luận tại Quốc hội đã đề xuất thêm một số nội dung và giải pháp cụ thể quyết liệt hơn trong việc thoái vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp, xử lý nợ xấu, cải thiện thể chế quản lý đầu tư công, tái cơ cấu khu vực, sự nghiệp công, hành chính công, cắt giảm chi tiêu công, tăng cường tái cơ cấu nông nghiệp để thích ứng với biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế và tăng cường liên kết vùng kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, những đề xuất giải pháp này là cơ bản phù hợp với quan điểm, mục tiêu chung của Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
Về nguồn lực thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, mức dự kiến 10,5 triệu tỷ đồng là mục tiêu cần đạt được để tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm là 6,5-7%. Trong đó nguồn lực từ ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020 dự kiến là 2 triệu tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế nếu chỉ dựa vào số lượng nguồn lực là chưa đủ, quan trọng phải sử dụng hiệu quả nguồn lực mà trước hết là nguồn lực của nhà nước. Huy động thêm nguồn lực là cần thiết nhưng quan trọng hơn là cần tập trung vào các giải pháp tái cơ cấu, nâng cao chất lượng hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, trước hết là hiệu quả của đầu tư. Từ đó sẽ tạo ra những cơ hội cũng như niềm tin để khu vực tư nhân, khu vực FDI tự tham gia mở rộng đầu tư, làm cho tổng vốn đầu tư tăng lên.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong chương trình Kỳ họp lần này, Chính phủ cũng trình Quốc hội để xem xét, cho ý kiến về dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thực tiễn trong thời gian qua cho thấy yếu kém trong tổ chức thực hiện là nguyên nhân chính trực tiếp làm cho tái cơ cấu nền kinh tế tiến hành chậm, không đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra, vì vậy kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế lần này cần tập trung, quan tâm nhiều hơn đến khâu tổ chức thực hiện, các Bộ, ngành, địa phương phải coi tái cơ cấu kinh tế là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Chính phủ cần có một bộ phận chuyên trách chỉ đạo tập trung và liên tục đối với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế sẽ theo dõi, đánh giá tình hình và kết quả tái cơ cấu nền kinh tế. Định kỳ báo cáo Quốc hội thường niên, tăng cường giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức liên quan khác đối với tình hình và kết quả tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Đồng thời, cần có một khung khổ pháp lý phù hợp để hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu kinh tế, vì vậy, có một số luật, văn bản quy phạm pháp luật khác phải được bổ sung, sửa đổi phù hợp và kịp thời. Đây là việc đòi hỏi phải đổi mới tư duy, có một sự đồng thuận cao và phải thực hiện nhanh chóng trong một thời gian ngắn.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, điều quan trọng trong nhiệm vụ đổi mới tư duy là lãnh đạo các cấp, các ngành cần vượt qua được chính mình, vượt qua được tư duy nhiệm kỳ, thiếu khát vọng, e ngại khó khăn, không dám đối mặt với khó khăn, thách thức để tận dụng cơ hội, thậm chí biến những khó khăn, thách thức thành cơ hội để đạt mục tiêu cao hơn. Bên cạnh đó, phải vượt qua được lợi ích cục bộ của từng ngành, từng địa phương để hướng tới sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành, các địa phương một cách hiệu quả hơn, tránh bị cát cứ và chia cắt, nhằm thực hiện thành công tái cơ cấu và nâng cao được chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế./.
Đức Trung
Bộ Kế hoạch và Đầu tư