(MPI) – Ngày 03/12/2016, tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội lần thứ III Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2020. Tham dự Đại hội có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng lãnh đạo các Bộ, ngành và đại diện hàng nghìn doanh nghiệp trên khắp cả nước. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và có bài phát biểu chỉ đạo tại Đại hội.
|
Toàn cảnh Đại hội lần thứ III Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 – 2020.
Ảnh: Minh Trang (MPI) |
Đại hội lần thứ III Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2020 diễn ra trong bối cảnh Đảng và Chính phủ dành nhiều sự quan tâm đối với hoạt động của các doanh nghiệp trong cả nước, thể hiện bằng các Nghị quyết của Chính phủ như: Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 28/4/2016 về những nhiệm vụ giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Quốc hội đang xem xét để sớm ban hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), tình hình kinh tế - xã hội có những bước phát triển… Đó là những tín hiệu tốt đối với cộng đồng doanh nghiệp cũng như các tổ chức hội trong cả nước.
Trong những năm qua, tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế, quá trình hội nhập và những nguyên nhân chủ quan khác đã làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, song với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, sự vào cuộc của các Bộ, ngành, sự năng động sáng tạo, khắc phục khó khăn của các cấp hội và doanh nghiệp… hoạt động của doanh nghiệp nhìn chung vẫn ổn định và có bước phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế chung của đất nước và tham gia vào quá trình ổn định an sinh xã hội.
Về kết quả quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II, nhiệm kỳ 2011-2015 diễn ra trong giai đoạn có nhiều khó khăn thách thức đối với hoạt động của cộng đồng DNNVV., Tác động của khủng hoảng kinh tế, nhu cầu thị trường giảm sút dẫn đến lượng hàng tồn kho tăng, các doanh nghiệp bị tồn đọng vốn khó mở rộng sản xuất kinh doanh. Thời tiết và môi trường diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và chế biến nông sản. Chính sách đang trong quá trình hoàn thiện cho phù hợp với các cam kết quốc tế, nên chưa theo kịp sự đòi hỏi rất nhanh và cụ thể của thị trường và của các doanh nghiệp… Tuy nhiên, với sự chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, bằng sự năng động sáng tạo, khắc phục vướng mắc, khó khăn của các cấp Hội từ Trung ương tới cơ sở và của các doanh nghiệp, trong những năm qua, hoạt động của tổ chức Hội tiếp tục được củng cố và phát triển, các DNNVV vẫn giữ được vị trí quan trọng, là động lực cho phát triển kinh tế của đất nước và cùng tham gia giải quyết những vấn đề xã hội. Những kết quả đó thể hiện trên nhiều mặt như: Công tác phát triển hội; Triển khai tốt các hoạt động góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc mặt trận tổ quốc Việt Nam; Thực hiện các phong trào, các cuộc vận động góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước; Tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam giao.
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Đại hội. Ảnh: Minh Trang (MPI) |
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao những kết quả công tác mà Hiệp hội DNNVV đã đạt được. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đặc biệt đến xây dựng và phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã xác định rõ doanh nghiệp là động lực phát triển của nền kinh tế. Thực hiện chủ trương đó, thời gian qua, Việt Nam đã tập trung xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động quyết liệt, nói đi đôi với làm, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Thúc đẩy khởi nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và thành công. Đó chính là động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Sự tương tác kiến tạo và phục vụ trở thành nền tảng trong quan hệ giữa Chính phủ và doanh nghiệp. Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra ba vấn đề cần quan tâm.
Vấn đề thứ nhất, Đảng và Chính phủ đã, đang và sẽ làm gì để phát triển doanh nghiệp và Hiệp hội với một tinh thần mới, cách tư duy mới, Chính phủ đã trực tiếp đối thoại, lắng nghe doanh nghiệp, trên cơ sở đó ban hành các Nghị quyết số 19/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP và hoàn thiện dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV, trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp vừa qua. Chính phủ xác định trách nhiệm chính của mình là cải cách thể chế, xây dựng chính sách, thực hiện chiến lược và quy hoạch. Trong chỉđạo vàđiều hành phải bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng, xóa bỏ cơ chế "xin-cho", “duyệt-cấp", lợi ích nhóm, sân sau, tham nhũng, trục lợi...
Vấn đề thứ hai, về vai trò và vị thế của Hiệp hội, để đáp ứng môi trường và bối cảnh mới, Hiệp hội phải xác định luôn mang lại lợi ích chính đáng và thiết thực cho các thành viên chứ không phải là đơn thuần thu hội phí với các hoạt động nghèo nàn và bộ máy tổ chức nặng về hành chính sơ cứng. Hiệp hội cần thực hiện tốt vai trò là tổ chức xã hội, nghề nghiệp của cộng đồng DNNVV, đội ngũ doanh nhân và người sử dụng lao động ở Việt Nam. Tham gia sâu rộng hơn nữa cùng các cơ quan quản lý Nhà nước trong xây dựng các cơ chế, chính sách cũng như bảo vệ quyền lợi cho các thành viên. Tương trợ lẫn nhau giải quyết khó khăn, vướng mắc để cùng phát triển.
Về định hướng phát triển, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, qua nhiều năm đầu tư sản xuất, kinh doanh nghiêm túc và bài bản, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã vượt qua thử thách của thị trường, tạo được niềm tin nơi người tiêu dùng, xây dựng được những thương hiệu lớn mạnh. Nhiều khảo sát cho thấy, yếu tố thúc đẩy xu hướng tiêu dùng tại thị trường Việt Nam là do độ tin cậy đối với thương hiệu hàng Việt Nam tăng lên theo từng năm, đồng thời nhiều nhãn hàng Việt Nam đã có thể cạnh tranh với nhãn hàng nước ngoài. Kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và có nhu cầu thực sự về tiêu thụ nội địa. Đó chính là động lực thay đổi nền kinh tế. Chúng ta cần tạo điều kiện thúc đẩy hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có công nghệ hiện đại, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Gia nhập chuỗi sản xuất của các tập đoàn lớn, các công ty đa quốc gia cũng chính là hướng đi phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, trong đó công nghệ thông tin tiếp tục phát triển mạnh và thâm nhập vào tất cả các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội. Thiết bị di động trở thành công cụ trung tâm; Công nghệ mô phỏng sinh học, hóa học xanh, sinh thái học công nghiệp, năng lượng tái sinh, công nghệ nano xanh sẽ phát triển mạnh và thay đổi cuộc sống con người. Dự báo nhiều sản phẩm hoàn toàn mới lạ sẽ xuất hiện trong 10 năm tới.
Tại Đại hội, Hiệp hội DNNVV đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận những thành tích xuất sắc mà Hiệp hội DNNVV đã đạt được trong thời gian qua./.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Hiệp hội
Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Ảnh: Minh Trang (MPI) |
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam |
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư