Ông John Rockhold, Trưởng nhóm Điện và Năng lượng phát biểu tại VBF 2016. Ảnh: MPI (MPI) – Để hỗ trợ Việt Nam đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày một gia tăng, đạt được mục tiêu đặt ra đối với biến đổi khí hậu từ Hội nghị COP21 và các mục tiêu phát triển kinh tế, ngày 05/12/2016, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã đưa ra Kế hoạch sử dụng các nguồn năng lượng tại Việt Nam (MVEP), phác thảo những ưu thế khi chú trọng hơn vào các giải pháp năng lượng sạch trong nước cho nhu cầu năng lượng trong tương lai, đồng thời chứng minh các ưu điểm trong việc ưu tiên nguồn năng lượng trong nước so với các nguồn nhập khẩu, những cam kết môi trường và thu hút đầu tư tư nhân.
Báo cáo MVEP tập trung phân tích về hiệu quả sử dụng năng lượng, bao gồm vai trò của Chính phủ và sử dụng các công cụ quản lý về nhu cầu để giảm lãng phí, thu hút đầu tư tư nhân cũng như đổi mới trong hiệu quả sử dụng năng lượng; Chuẩn bị chính sách và khung pháp lý để phát triển hơn nữa thị trường và thu hút các nguồn đầu tư cần thiết vào năng lượng tái tạo từ các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, các công ty cung cấp dịch vụ và công nghệ; Thúc đẩy đầu tư vào việc sử dụng khí thiên nhiên trong nước vì đây là nhiên liệu rẻ, sạch, ít gây ô nhiễm và linh hoạt hơn than nhập khẩu. Theo MVEP, Việt Nam có thể tiếp tục sử dụng tối đa các nguồn năng lượng trong nước để giảm rủi ro và tối đa hóa các lợi ích kinh tế - xã hội về phát triển năng lượng trong tương lai, trên cơ sở những thành quả hiện nay.
MVEP là một kế hoạch phát triển năng lượng linh hoạt, có thể được điều chỉnh để phù hợp nhu cầu trong tương lai, thu hút thêm nhiều đầu tư mới từ các nguồn nước ngoài và trong nước, giảm sự phụ thuộc vào chính phủ nước ngoài và giảm nhu cầu về ngân sách, trợ giá và bảo lãnh của Chính phủ Việt Nam hoặc GGU. Sử dụng điện hiệu quả hơn sẽ giảm lãng phí năng lượng và giúp Việt Nam cạnh tranh hơn, năng suất hơn và hấp dẫn hơn để thu hút FDI. Đầu tư tư nhân vào năng lượng sạch giúp Việt Nam giảm phụ thuộc vào các dự án than lớn đòi hỏi nhiều năm chuẩn bị, phát sinh chi phí, tăng áp lực đối với khoản vay của khu vực công. MVEP hướng đến mục tiêu giảm chi phí ô nhiễm môi trường và xã hội từ các nhà máy điện than mới; Tránh phụ thuộc vào than nhập khẩu; Giảm gánh nặng về tài chính, chi phí hậu cần, chi phí vận chuyển than; Bổ sung 15-20 tỷ USD vào doanh thu của Chính phủ trong suốt vòng đời của dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện khí trong nước công suất 3 GW, trong khi cần 20-25 tỷ USD ngoại hối để nhập khẩu than và xây dựng nhà máy nhiệt điện than công suất tương đương.
Theo đó, MVEP đề xuất một lộ trình năng lượng bền vững trong tương lai để thu hút đầu tư cùng với việc ban hành một số chính sách quan trọng, cải tổ pháp lý và thể chế. Báo cáo nhấn mạnh ưu tiên cho 3 phương tiện quốc gia nhằm đảm bảo tương lai sử dụng năng lượng có rủi ro thấp, hiệu quả về chi phí, đồng thời đề xuất các nhà máy nhiệt điện mới sử dụng than nhập khẩu…
Cụ thể, MVEP đề xuất tăng cường sử dụng các hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa các nhà sản xuất điện và khách hàng tiêu thụ điện lớn; Đánh giá cụ thể hơn đối với các vấn đề chi phí và doanh thu của việc phát triển các dự án khí thiên nhiên ngoài khơi; Triển khai các khuyến nghị của GIZ và UNDP về những thay đổi đối với hợp đồng PPA điện gió và điện mặt trời để tăng giá bán.
MVEP cũng khuyến nghị ban hành lộ trình giá điện khi thực hiện đầy đủ biện pháp định giá theo thị trường vào năm 2020, tầm nhìn 2025, bao gồm xác định giá biến đổi giữa ba nhóm biểu giá chính (sinh hoạt, thương mại và công nghiệp). MVEP đề xuất Chính phủ làm việc với khu vực tư nhân để phát triển các tiềm năng khí ngoài khơi và cơ sở hạ tầng, đồng thời khuyến khích xây dựng các chiến lược thu hút đầu tư trong hoạt động thăm dò để sớm có được nguồn khí bổ sung; Làm việc với các chuyên gia điện mặt trời trong khu vực tư nhân và các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời ban hành các quy định khuyến khích đầu tư tư nhân. MVEP đề xuất các ưu đãi về thuế và các quy định điều chỉnh đến từng hộ gia đình và doanh nghiệp để giảm thiểu việc sử dụng năng lượng cũng như khuyến khích lắp đặt năng lượng mặt trời, gió hoặc các nguồn năng lượng tái tạo khác để giảm áp lực hệ thống phân phối điện; Mở rộng đầu tư tư nhân vào lưới điện thông minh, công nghệ chuyển tiếp thông minh và giải pháp tiết kiệm chi phí hiệu quả. MVEP khuyến nghị xây dựng hệ thống biến chất thải thành năng lượng được cấu trúc hợp lý ở quy mô nhỏ và quy mô lớn, đặc biệt đối với lợi ích của cộng đồng địa phương, nâng cao nhận thức của người dân về giảm lãng phí điện năng, tạo môi trường sạch vì lợi ích của toàn xã hội và cho các thế hệ sau./.
Nguyễn Hương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư