Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 06/12/2016-14:35:00 PM
Thúc đẩy liên kết Chính phủ - Doanh nghiệp FDI - Doanh nghiệp Việt Nam
(MPI) - Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, chính sách pháp luật, cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo mọi điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ. Đây là phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2016 tổ chức ngày 05/12/2016, tại Hà Nội.

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Qua 4 phiên thảo luận, Diễn đàn đã đề cập đến các nội dung quan trọng về tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; Thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ; Nâng cao nguồn nhân lực và nhu cầu đào tạo; Phát triển thị trường vốn; Cải thiện cơ sở hạ tầng và chính sách về PPP, BOT, BT, BO; Năng lượng sạch và tái tạo; Biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Đây là những chủ đề rất cần thiết và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam.

Phát biểu tại Diễn đàn, các ý kiến đều đánh giá cao môi trường kinh doanh tại Việt Nam có những bước chuyển biến đột phá cũng như nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ trong việc tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) Virginia B.Foote cho rằng, năm 2016, các doanh nghiệp và nhà đầu tư được hưởng sự ổn định, tăng trưởng của Việt Nam mà nhiều quốc gia khác trong khu vực phải ghen tỵ. Tăng trưởng kinh tế ổn định, lạm phát được kiểm soát và tiền tệ được quản lý chặt chẽ. AmCham hy vọng sự ổn định lâu dài sẽ tiếp tục được duy trì vì đây là một trong những lợi thế cạnh tranh mạnh nhất của Việt Nam và kiến nghị Chính phủ Việt Nam áp dụng các hệ thống tăng cường thanh toán điện tử, giảm cơ hội cho các giao dịch bất hợp pháp trong quá trình cấp phép.

Đại diện cho Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam (BBGV), ông Kenneth M. Atkinson, Chủ tịch BBGV hoan nghênh Chính phủ Việt Nam về chính sách ủng hộ kinh doanh và tuyên bố sẽ trở thành Chính phủ kiến tạo. Tuy nhiên, theo ông Kenneth M. Atkinson, vẫn còn những tiềm năng to lớn mà chỉ có thể được đánh thức trong một môi trường minh bạch và thuận lợi hơn. Chủ tịch BBGV đã đưa ra một số kiến nghị về thủ tục khai thuế, thanh tra thuế, tăng số lượng quốc gia được miễn thị thực, về giáo dục, giải quyết vấn đề ùn tắc, ô nhiễm môi trường.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã đưa ra các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vì sự phát triển hài hoà của kinh tế Việt Nam. Các ý kiến nhất trí, Chính phủ, các nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước có thể hỗ trợ lẫn nhau trong một mô hình “kiềng ba chân” để cùng tăng trưởng và ổn định.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.
Ảnh: Đức Trung (MPI)

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các báo cáo, ý kiến góp ý thiết thực, mang tính xây dựng của các diễn giả và các đại biểu. Thực tế cho thấy, trong quá trình 30 năm thực hiện đổi mới, Việt Nam đã thay đổi tư duy từ nền kinh tế kế hoạch hóa với doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo sang nền kinh tế thị trường và công nhận, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân. Từ thực tế, kinh tế tư nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, khẳng định vai trò ngày càng quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Trong giai đoạn 2006-2015, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp hơn 40% GDP, 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ, thu hút trên 50% lực lượng lao động và hằng năm tạo khoảng 1,2 triệu việc làm.

Tuy còn nhiều quy định gây khó khăn cho các doanh nghiệp cần phải sớm được khắc phục, nhưng môi trường kinh doanh Việt Nam đã từng bước được cải thiện, góp phần phát triển mạnh mẽ các doanh nghiệp của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, nhất là khu vực kinh tế tư nhân, tạo động lực phát triển cho nền kinh tế Việt Nam. Thúc đẩy phát triển các nguồn lực của đất nước; Khuyến khích sáng tạo của mọi doanh nghiệp, người dân; Tạo nhiều việc làm, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ trong hội nhập quốc tế.

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020, Chính phủ đã xác định “Tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân, làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, doanh nghiệp Việt Nam bao gồm cả các doanh nghiệp FDI đã đăng ký cấp phép và các doanh nghiệp trong nước. Đây là định hướng lớn của Chính phủ về hình thành cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam gắn kết, hợp tác hiệu quả trong một nền kinh tế quốc gia thống nhất.

Chính phủ kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có khu vực kinh tế tư nhân, bằng nguồn lực, sức sáng tạo của mình tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ vượt qua khó khăn, thách thức. Chủ động, tích cực tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế thông qua đa dạng hóa các hoạt động đầu tư, trong đó chú trọng hình thức PPP. Khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, dịch vụ; Đề xuất các sáng kiến chính sách và dự án đầu tư hiệu quả, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Đồng thời, tăng cường hợp tác cùng có lợi, cùng phát triển giữa khu vực kinh tế tư nhân trong nước và khu vực FDI trong nền kinh tế quốc gia.

Phát biểu kết luận Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao những nội dung phong phú, sâu sắc được thảo luận trong các phiên làm việc, những ý kiến chỉ đạo thể hiện sự quan tâm, chia sẻ và quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ đối với sự nghiệp phát triển lực lượng doanh nghiệp, cũng như về sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong xu thế hợp tác phát triển, hợp tác toàn cầu, khu vực, song phương… phản ánh thế giới thay đổi nhanh chóng, đã và đang hình thành những chuỗi sản xuất, cung ứng mới với cấu trúc, thể chế và sân chơi mới. Điều đó tạo cơ hội cũng như thách thức cho đầu tư, thương mại của cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.

Trong quá trình thảo luận, đại diện các Bộ, ngành cũng đã có những ý kiến phản hồi và trao đổi cụ thể, qua đó làm rõ hơn các nội dung các bên cùng quan tâm, đặt yêu cầu cần tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước để giải quyết các vướng mắc trong thời gian tới.

Tại Diễn đàn, vấn đề ô nhiễm môi trường được nhiều đại biểu quan tâm bởi đây là vấn đề quan trọng cấp bách, ảnh hưởng đến phát triển bền vững, môi trường sống của người dân, thu hút FDI… Về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong bất cứ tình huống nào, Chính phủ Việt Nam cam kết vẫn tiếp tục công cuộc cải cách, tăng cường hội nhập quốc tế. Cơ cấu lại nền kinh tế,, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời, cải cách mạnh mẽ hơn, tạo môi trường thuận lợi, minh bạch, giảm chi phí trung gian./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1995
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)