Với tỷ lệ xuất thô trên 80%, ngành cao su Việt Nam lệ thuộc nhiều vào giá thế giới thường xuyên biến động (ảnh minh họa) Ngành cao su xuất khẩu đạt khoảng 4,36 tỷ USD trong năm 2016.
Cụ thể, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng kim ngạch xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam ước đạt 1,66 tỷ USD năm 2016. Bên cạnh đó, Việt Nam còn xuất khẩu 1,5 tỷ USD các sản phẩm từ cao su như lốp xe, linh kiện cao su, băng tải và 1,2 tỷ USD các sản phẩm từ gỗ cao su.
Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), cho biết ngành sản xuất cao su thiên nhiên của Việt Nam và thế giới còn gặp nhiều khó khăn do giá tiếp tục giảm mạnh từ năm 2012 kéo dài sang năm 2016. Mức tiêu thụ cao su thiên nhiên tăng chậm trong khi sản lượng tăng nhanh làm cung vượt cầu, lượng cao su tồn kho tăng cao, tạo áp lực đẩy giá sụt giảm liên tục. Có những thời điểm giá cao su xuống thấp dưới cả giá thành sản xuất làm ảnh hưởng lớn tới đời sống của người sản xuất, một số diện tích trồng cao su chuyển sang cây trồng khác.
Tuy nhiên, thời gian qua, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam và người trồng cao su tiểu điền đã tìm cách duy trì sản xuất, tăng hiệu quả sử dụng đất và đa dạng hóa nguồn thu nhập từ cao su, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để hạ giá thành và tăng năng suất.
Với nỗ lực của toàn ngành cao su, Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí thứ 2 về năng suất vườn cây, thứ 3 về sản lượng và xuất khẩu trên thế giới. Năm 2015, diện tích cao su của cả nước đã đạt trên 981.000 ha, sản lượng đạt trên 1 triệu tấn, triển vọng đạt trên 1,2 triệu tấn cao su trong năm 2016.
Năm 2016 là năm đánh dấu cột mốc quan trọng của ngành cao su Việt Nam. Lần đầu tiên, nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” (Viet Nam Rubber) được công bố chính thức sau hai năm thực hiện các thủ tục cấp phép và xây dựng hồ sơ pháp lý liên quan. Theo đó, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) là chủ sở hữu hợp pháp với nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam”.
Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” được sử dụng trên các sản phẩm của cao su Việt Nam mà doanh nghiệp cam kết đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng và các lĩnh vực khác liên quan đang áp dụng trong ngành cao su Việt Nam.
Theo ông Trần Ngọc Thuận, trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu cao su trở nên gay gắt, ngành cao su Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, chưa có thương hiệu chung cho ngành. Vì vậy, việc đưa vào sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, uy tín của doanh nghiệp Việt Nam trên trường, tạo độ tin cậy cho đối tác nước ngoài khi chọn cao su nhập khẩu từ Việt Nam.
Hiện nay, với tỷ lệ xuất khẩu nguyên liệu thô trên 80%, ngành cao su Việt Nam còn lệ thuộc nhiều vào giá cao su của thị trường thế giới thường xuyên biến động. Để hỗ trợ ngành cao su tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Việt Nam đã có quy hoạch đẩy mạnh việc tiêu thụ cao su thiên nhiên trong nước trên 30% và phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm cao su cũng như đồ gỗ cao su./.