(MPI) – Đây là chủ đề của Hội thảo do Viện Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 21/02/2017. Tham dự Hội thảo có đại diện các Bộ, UBND các tỉnh, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các chuyên gia kinh tế và các cơ quan thông tấn, báo chí. Việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp từ các Bộ, UBND cấp tỉnh về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) là giải pháp quan trọng trong quá trình cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN), góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, công bằng giữa các loại hình doanh nghiệp.
|
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội thảo.
Ảnh: Minh Hậu (MPI) |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, tại Công văn số 2225/TTg-ĐMDN ngày 12/12/2016 về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề xuất hướng xử lý đối với các doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao về SCIC nhưng SCIC và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa thống nhất được, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Về tình hình chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước về SCIC, theo quy định của Nghị định số 151/2013/NĐ-CP ngày 01/11/2013 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC và Thông tư số 118/2014/TT-BTC ngày 09/10/2014 của Bộ Tài chính về hướng dẫn việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại SCIC, trong thời gian qua, SCIC đã phối hợp với các bộ, UBND cấp tỉnh để xây dựng danh sách doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về SCIC. Theo rà soát sơ bộ, vẫn còn tới 173 doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao nhưng SCIC và các Bộ, UBND tỉnh chưa thống nhất, bao gồm: 32 doanh nghiệp tại các Bộ, 15 doanh nghiệp địa phương phía Bắc, 59 doanh nghiệp miền Trung, 67 doanh nghiệp miền Nam với tổng vốn điều lệ của doanh nghiệp là trên 82 nghìn tỷ đồng, trong đó công ty TNHH một thành viên chiếm 74% về vốn, 68% về số lượng doanh nghiệp, còn lại là công ty cổ phần.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hồng Hiển, Phó Tổng Giám đốc SCIC cho biết, từ khi thành lập đến nay, SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại hơn 1.000 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn nhà nước tiếp nhận hơn 9.900 tỷ đồng (theo giá thị trường là 15.000 tỷ đồng), mới bằng khoảng gần 1% tổng số vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó hơn 80% là doanh nghiệp nhỏ hoạt động kém hiệu quả, số doanh nghiệp thuộc diện kiểm soát đặc biệt, thua lỗ chiếm gần 7%. Lũy kế từ khi thành lập đến nay, vốn chủ sở hữu của SCIC đạt trên 36.000 tỷ đồng; Tổng tài sản đạt 72.000 tỷ đồng. So với thời điểm thành lập, doanh thu tăng gấp 151,3 lần; Lợi nhuận sau thuế tăng gấp 143 lần; Vốn chủ sở hữu tăng gấp 9,9 lần; Tổng tài sản tăng gấp 13,5 lần; Tỷ suất lợi nhuận/Vốn chủ sở hữu bình quân 16%/năm; Tỷ suất lợi nhuận/Tổng tài sản bình quân tăng 8%/năm.
Trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu SCIC và các Bộ, UBND cấp tỉnh thống nhất danh sách doanh nghiệp và thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu. Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân, việc thống nhất danh sách doanh nghiệp và thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu từ các Bộ, UBND cấp tỉnh còn nhiều vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến trình cơ cấu lại khu vực DNNN.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Hậu (MPI) |
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng, Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, các Bộ, ngành, địa phương rà soát lại danh sách doanh nghiệp, nêu rõ quan điểm và lý do chưa chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu. Trên cơ sở đó và căn cứ pháp luật hiện hành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có ý kiến, tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước về SCIC theo hướng: Sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng doanh nghiệp thuộc diện chuyển về SCIC theo tiêu chí mới về phân loại DNNN; Đối với doanh nghiệp đã xác định là đối tượng thuộc diện chuyển giao về SCIC thì áp dụng cơ chế bàn giao nguyên trạng.
Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến của các đại biểu đều cho rằng hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn đang còn nhiều quy định chồng chéo, không rõ ràng trong việc xác định đối tượng chuyển giao hay quy định về thời hạn chuyển giao dẫn đến những khó khăn trong việc chuyển giao doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vẫn còn tâm lý e dè, ngại thay đổi dẫn đến việc chuyển giao chậm./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư