(MPI) – Ngày 02/3/2017, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa - kinh nghiệm từ Nhật Bản dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Đặng Huy Đông.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Minh Trang (MPI) |
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, việc tổ chức Hội thảo nhằm mục đích trao đổi thông tin, kinh nghiệm, hướng tới sự hợp tác, chia sẻ thông tin hữu ích, hỗ trợ các DNNVV một cách hữu hiệu hơn. Đây cũng là cơ hội cho Việt Nam học hỏi những kinh nghiệm, bài học của Nhật Bản trong việc xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang được giao chủ trì xây dựng và dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc Hội khóa XIV. Trong quá trình xây dựng Luật đã có nhiều ý kiến thảo luận tập trung về nguồn hỗ trợ, tài chính, tín dụng, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm,…
Trình bày về chính sách và cơ chế hỗ trợ DNNVV, Trưởng phòng hỗ trợ kinh doanh nước ngoài, Cục DNNVV, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshi Arai cho biết, DNNVV luôn đóng vai trò quan trọng, được xác định là trụ cột của nền kinh tế Nhật Bản, chiếm tỷ lệ 99,7% trong tổng số các đơn vị kinh doanh và khoảng 70% tổng số lao động. Nhật Bản là quốc gia sớm quan tâm, hình thành hệ thống chính sách, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và thu được những kết quả đáng ghi nhận. Chính sách hỗ trợ DNNVV được triển khai ở nhiều tầng như: Hỗ trợ dự toán, tài chính, chế độ thuế và hỗ trợ kinh doanh. Theo đó, doanh nghiệp được tư vấn, hướng dẫn khởi nghiệp, tập trung vào các nội dung thiết thực về thủ tục hành chính, quy định pháp luật, cách thức tổ chức sản xuất và công nghệ, phương án tài chính…để doanh nghiệp hoạt động một cách hiệu quả.
Khẳng định về vai trò của DNNVV, ông Hikura Fukanuma, chuyên gia kinh tế, Viện nghiên cứu tổng hợp, Công ty tài chính Nhật Bản cho biết, DNNVV tạo việc làm, là nòng cốt tạo sức cạnh tranh, tạo nền tảng cho các ngành công nghiệp phát triển, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, đồng thời là nền tảng cho cơ cấu ủy thác chế tạo hoặc gia công bộ phận cho sản phẩm của doanh nghiệp lớn, đóng vai trò quan trọng trong sản xuất của doanh nghiệp lớn.
Hiện nay, doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam mới chỉ được các DNNVV Việt Nam cung cấp 34% tổng nhu cầu về linh kiện và điều này đã gây khó khăn, thiếu chủ động cho doanh nghiệp Nhật Bản khi thực hiện mục tiêu nội địa hóa sản phẩm (trong khi tỷ lệ nội địa hóa ở các nước khu vực cao hơn, gấp khoảng 2 lần). Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần được hỗ trợ, được hoạt động trong môi trường bình đẳng, thuận lợi hơn để thúc đẩy khối doanh nghiệp này phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Nếu DNNVV phát triển bền vững sẽ là nơi cung cấp việc làm, kể cả đối với người lớn tuổi, đối tượng làm việc bán thời gian,… Chủ trương hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản là khuyến khích doanh nghiệp tập trung vào hoạt động cải tiến kỹ thuật, sáng tạo, phát triển sản phẩm mới…
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Trang (MPI) |
Các chuyên gia Nhật Bản cho rằng, bản thân các DNNVV cũng cần khắc phục một số yếu kém, tồn tại để tận dụng được nhiều cơ hội, sự hỗ trợ để tăng trưởng. Theo đó, cần công khai đầy đủ, kịp thời các thông tin hoạt động của mình, chủ động hợp tác hoặc kêu gọi sự trợ giúp của cơ quan chức năng khi có nhu cầu.
Xác định tầm quan trọng của DNNVV, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp này từ rất sớm. Cụ thể, năm 1948, Chính phủ Nhật Bản đã thành lập Cục DNNVV, năm 1963 ban hành Luật khuyến khích hiện đại hóa DNNVV và Luật hướng dẫn DNNVV. Nhật Bản tiếp tục sửa đổi toàn diện Luật cơ bản về DNNVV vào năm 2013 và đưa ra Luật cơ bản phát triển doanh nghiệp nhỏ vào năm 2014.
Các chuyên gia Nhật Bản cũng cho rằng, cần phân chia DNNVV thành nhiều nhóm doanh nghiệp khác nhau. Ví dụ tại Nhật Bản, phân chia thành doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa và lĩnh vực kinh doanh nhỏ. Mục đích của việc phân chia này sẽ giúp cho các cơ quan chức năng có những thiết kế chính sách phù hợp nhất với từng loại hình doanh nghiệp, để những hỗ trợ đạt được kết quả như mong muốn.
Hội thảo cũng là dịp để các đại biểu được lắng nghe các chuyên gia Nhật Bản chia sẻ thông tin hỗ trợ DNNVV, qua đó giúp Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV. Dự thảo Luật gồm 4 chương với 40 điều, cụ thể: Chương I: Những quy định chung, gồm 7 điều; Chương II: Các nội dung hỗ trợ DNNVV, gồm 10 điều; Chương III: Quản lý nhà nước và trách nhiệm hỗ trợ DNNVV, gồm 19 điều; Chương IV: Điều khoản thi hành./.
Minh Trang
Bộ Kế hoạch và Đầu tư