Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 04/04/2017-08:02:00 AM
Doanh nghiệp tiếp tục tin tưởng và kỳ vọng vào nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ
(MPI) – Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017 về tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết 19 trong quý I/2017 cho thấy, sau hơn ba năm thực hiện Nghị quyết, doanh nghiệp ngày càng tin tưởng và kỳ vọng nhiều vào nỗ lực của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đồng thời, mong muốn các Bộ, cơ quan, địa phương tổ chức thường xuyên hơn các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp để họ có cơ hội đóng góp các ý kiến phản biện chính sách cũng như phản ánh các vấn đề vướng mắc, khó khăn.
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI

Sau ba năm triển khai Nghị quyết 19, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có sự cải thiện và tăng hạng đáng kể (tăng 9 bậc, từ vị trí 91 lên vị trí 82). Tuy vậy, kết quả này vẫn còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu Chính phủ đặt ra (đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 4). Ngoài ra, năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực đổi mới sáng tạo của nước ta chưa có nhiều cải thiện. Trong bối cảnh đó, ngày 06/02/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng 2020 (Nghị quyết số 19-2017). Đây là năm thứ 4 liên tiếp, Chính phủ ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Khác với ba Nghị quyết trước (tập trung chủ yếu vào các chỉ số môi trường kinh doanh theo Doing Business), Nghị quyết 19-2017 mở rộng thêm mục tiêu và các chỉ tiêu dựa trên bốn (04) nhóm chỉ số theo thông lệ quốc tế, bao gồm: Môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới; Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới; Năng lực đổi mới sáng tạo của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới; Chính phủ điện tử của Liên hiệp quốc. Nghị quyết 19-2017 xác định mục tiêu cải thiện cả về điểm số và thứ hạng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh.

Báo cáo nêu rõ, đến nay, nhìn chung đa số các Bộ, cơ quan, địa phương đã ban hành Chương trình, Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2017. Một số Bộ, cơ quan, địa phương vẫn đang duy trì tích cực việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết. Bên cạnh đó, hiện vẫn còn Bộ, cơ quan, địa phương chưa chủ động vào cuộc, chưa coi trọng việc thực hiện Nghị quyết, vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp chưa được giải quyết theo yêu cầu của Nghị quyết hoặc chỉ giải quyết hình thức.

Về quản lý chuyên ngành đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, Nghị quyết tiếp tục đặt trọng tâm cải cách toàn diện các quy định về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Thời gian qua, đã có chuyển biến trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành như: Bộ Y tế tháo gỡ các vướng mắc, bất cập cho doanh nghiệp chế biến thủy sản trong kiểm tra nhà nước và công bố phù hợp an toàn thực phẩm đối với các nguyên liệu, phụ gia, bao bì nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu; Bộ Công thương bãi bỏ kiểm tra formaldehyte đối với sản phẩm dệt may.

Tuy nhiên, những thay đổi này còn quá ít so với gánh nặng về yêu cầu quản lý, kiểm tra chuyên ngành mà doanh nghiệp phải thực hiện. Nghị quyết 19 (2015, 2016 và 2017) đã nêu rõ các tiêu chí cải cách quản lý chuyên ngành, nhưng nhìn chung đa số các Bộ chưa chú trọng cải cách toàn diện các nội dung này. Có khá nhiều vấn đề, khó khăn và vướng mắc của doanh nghiệp đã được phát hiện, phản ánh nhiều lần, trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, nhưng vẫn chưa được các Bộ, ngành có liên quan quan tâm giải quyết.

Để thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện Nghị quyết 19-2017, tại Phiên họp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo sát sao việc thực hiện Nghị quyết 19, coi đây là một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; Chủ động tìm hiểu phương pháp, cách tính toán và ý nghĩa của các chỉ số xếp hạng để từ đó xác định các giải pháp cải thiện các nội dung liên quan. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện Chương trình hành động về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đã đề ra; Có giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời, linh hoạt; Kiến nghị, đề xuất những giải pháp chỉ đạo, điều hành hiệu quả. Chủ động phối hợp thực hiện các giải pháp có liên quan; Thực hiện kết nối thông tin giữa các Bộ, cơ quan. Tổ chức các cuộc đối thoại với doanh nghiệp trên cơ sở những phản ánh và kiến nghị của doanh nghiệp./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2068
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)