Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/03/2017-17:37:00 PM
GDP quý I/2017 ước tính tăng 5,10%
(MPI) – Ngày 29/3/2017, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp báo Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I/2017, dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê.

Toàn cảnh buổi Họp báo. Ảnh: Minh Trang (MPI)

Theo số liệu công bố tại buổi Họp báo, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2017 ước tính tăng 5,10% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,03%, đóng góp 0,24 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,17%, đóng góp 1,46 điểm phần trăm; Khu vực dịch vụ tăng 6,52%, đóng góp 2,65 điểm phần trăm. Tăng trưởng quý I/2017 cao hơn mức tăng của quý I các năm 2012-2014, nhưng thấp hơn so với mức tăng 6,12% của cùng kỳ năm 2015 và 5,48% của cùng kỳ năm 2016.

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành nông nghiệp đã cho thấy dấu hiệu khả quan với mức tăng 1,38% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2016 ngành này giảm sâu 2,69%), đóng góp 0,12 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; Ngành lâm nghiệp tăng 4,94%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; Ngành thủy sản tăng 3,50%, đóng góp 0,09 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chỉ tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất kể từ năm 2011 trở về đây, trong đó ngành khai khoáng sụt giảm mạnh, bằng 90% cùng kỳ năm trước, làm giảm 0,76 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung; Ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng 8,30%, đóng góp 1,46 điểm phần trăm; Ngành xây dựng tăng 6,10%, thấp hơn tốc độ tăng 8,60% của cùng kỳ năm 2016, đóng góp 0,30 điểm phần trăm.

Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng trưởng chung như: Bán buôn và bán lẻ tăng 7,38% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,77 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 6,03%, đóng góp 0,25 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế quý I/2017, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,19%; Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,06%; Khu vực dịch vụ chiếm 43,99%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,76%.

Xét về góc độ sử dụng GDP quý I, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,73% so với cùng kỳ năm 2016, đóng góp 7,25 điểm phần trăm vào mức tăng chung, trong đó tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư đóng góp 6,65 điểm phần trăm; Tích lũy tài sản tăng 8,50%, đóng góp 2,27 điểm phần trăm; Chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ ở tình trạng nhập siêu làm giảm 4,42 điểm phần trăm của mức tăng trưởng chung.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, kinh tế - xã hội nước ta trong quý I/2017 đã có những yếu tố tích cực như xuất khẩu, thu hút khách du lịch quốc tế và đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khá; Môi trường kinh doanh được cải thiện; Các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện và đạt kết quả nhất định. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu chững lại, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ 2 năm gần đây. Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt thấp; Sản xuất nông nghiệp vẫn bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn từ các năm trước; Tiến độ giải ngân vốn đầu tư còn chậm; Đời sống một bộ phận dân cư còn gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê tại buổi Họp báo.
Ảnh: Minh Trang (MPI)

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, để thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, trong thời gian tới, các cấp, các ngành và địa phương cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung vào việc tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng tín dụng phù hợp gắn với nâng cao chất lượng hiệu quả tín dụng, đồng thời chú trọng các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có giải pháp phù hợp để huy động nguồn vốn đầu tư công cho xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ - một trong ba khâu đột phá được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020. Tổ chức thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công năm 2017; Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kịp thời hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương xử lý khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn này đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí…

Đồng thời, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ và các quy trình tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu và thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1987
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)