Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 18/04/2017-15:35:00 PM
Tình hình hợp tác đầu tư, phát triển, thương mại Việt Nam - Nhật Bản
(MPI) - Tính đến cuối tháng 3/2017, Nhật Bản là nhà đầu tư đứng thứ 02/116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 3.355 dự án và 42,49 tỷ USD tổng vốn đầu tư.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung và Đại sứ Fukada Hiroshi trao đổi Công hàm ODA vốn vay của
Chính phủ Nhật Bản tài khóa 2016 ngày 06/9/2016. Ảnh: MPI

Tình hình hợp tác đầu tư giữa hai nước

Các dự án đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam được triển khai trên 19 ngành, lĩnh vực, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực Nhật Bản có thế mạnh và đang tăng cường tìm kiếm cơ hội đầu tư ra nước ngoài như: Công nghiệp chế biến, chế tạo với 1.555 dự án, tổng vốn đầu tư 33,82 tỷ USD (chiếm 46.35% số dự án và 79,6% vốn đầu tư); Kinh doanh bất động sản với 58 dự án, tổng vốn đầu tư 1,96 tỷ USD; Sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa với 14 dự án, tổng vốn đầu tư 1,29 tỷ USD...

Phân theo hình thức đầu tư, các dự án của Nhật Bản tại Việt Nam chủ yếu theo hình thức 100% vốn nước ngoài với 2.778 dự án, tổng vốn đầu tư 24,68 tỷ USD (chiếm 82,8% tổng số dự án và 58,1% tổng vốn đầu tư). Đứng thứ hai là hình thức liên doanh với 552 dự án, tổng vốn đầu tư 16,12 tỷ USD. Còn lại là các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh và hình thức hợp đồng BOT, BT, BTO.

Các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư vào 53 tỉnh và địa phương trong cả nước. Trong đó, Thanh Hóa thu hút nhiều vốn đầu tư từ Nhật Bản nhất với 14 dự án có tổng vốn đầu tư 9,73 tỷ USD. Đứng thứ hai là Hà Nội với 871 dự án và tổng vốn đầu tư 4,85 tỷ USD. Tiếp theo là các địa phương thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hải Phòng, Đồng Nai, Hưng Yên...

Về tình hình đầu tư của Việt Nam sang Nhật Bản, tính đến hết tháng 3/2017, các doanh nghiệp Việt Nam đã có 49 dự án đầu tư tại Nhật Bản với tổng vốn đầu tư đăng ký là 7,5 triệu USD.

Tình hình hợp tác phát triển

Nhật Bản là nước cung cấp viện trợ phát triển lớn nhất cho Việt Nam, chiếm trên 30% tổng cam kết viện trợ của các nước cho Việt Nam. Hiện nay, viện trợ của Nhật Bản dành cho các nước bị giảm sút do kinh tế Nhật Bản phải đối mặt với khó khăn kéo dài. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là nước ưu tiên nhận viện trợ của Nhật Bản, được thực hiện chủ yếu thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Từ khi nối lại viện trợ phát triển năm 1992 đến nay, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện nhiều loại hình viện trợ không hoàn lại khác nhau cho Việt Nam như: Viện trợ không hoàn lại chung, hợp tác kỹ thuật dạng dự án, hợp tác kỹ thuật để giải quyết các vấn đề toàn cầu, nghiên cứu phát triển, cử chuyên gia, đào tạo cán bộ Việt Nam tại Nhật Bản, cung cấp trang thiết bị, viện trợ phi dự án... với tổng trị giá khoảng hơn 1,6 tỷ USD.

Viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản đã góp phần xây dựng các công trình quan trọng trong lĩnh vực y tế, hải quan, nông nghiệp và phát triển nông thôn, cung cấp nước sạch, ứng phó với biến đổi khí hậu... Ngoài ra, thông qua chương trình hợp tác kỹ thuật, Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ lập các quy hoạch tổng thể phát triển các ngành điện, giao thông, nghiên cứu khả thi, lập thiết kế chi tiết, khảo sát về môi trường, đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật, quản lý tại Nhật Bản, cử chuyên gia tư vấn, tình nguyện viên sang Việt Nam làm việc...

Tính đến hết tài khoá 2015 (tháng 3/2016), tổng số tín dụng, bao gồm cả ODA vốn vay và tín dụng đặc biệt đồng Yên, tín dụng Miyazawa mà phía Nhật Bản đã cam kết cho đến nay khoảng 2.800 tỷ Yên (tương đương khoảng 28 tỷ USD) để triển khai thực hiện các công trình và chương trình phát triển kinh tế lớn của đất nước trong nhiều lĩnh vực.

Nhiều dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam như Đường số 5, các cầu trên Quốc lộ 1, Hệ thống thông tin cứu hộ ven biển, sân bay Tân Sơn Nhất, nhiệt điện Phả Lại, Phú Mỹ, cầu Bãi Cháy, cầu Thanh Trì, đường 10, 18, cảng Cái Lân, cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng Đà Nẵng, cầu Cần Thơ, đại lộ Đông Tây thành phố Hồ Chí Minh...

Ngoài việc sử dụng hiệu quả cho các công trình hạ tầng giao thông lớn tại Việt Nam, vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản cũng được cung cấp theo hình thức hỗ trợ trực tiếp ngân sách nhà nước thông qua các khoản vay Chương trình tín dụng giảm nghèo (Nhật Bản đồng tài trợ, đã thực hiện 9 năm) và Khoản vay hỗ trợ khắc phục khủng hoảng tài chính và kích cầu kinh tế (đã được thực hiện trong tài khóa 2009), Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (liên tiếp 3 tài khóa từ 2010 đến 2012), Chương trình hỗ trợ quản lý kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh 1 (EMCC 1).

Hiện nay, mức viện trợ vốn vay ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam khoảng 200 tỷ Yên/năm, tập trung vào các lĩnh vực chính như sau: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, cải thiện về mặt xã hội, đời sống và rút ngắn chênh lệch, bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực quản lý hành chính.

Trong tài khóa 2015, tổng cam kết ODA vốn vay của Chính phủ Nhật Bản đạt 261,291 tỷ Yên và giải ngân ODA của Việt Nam đạt 179,233 147 tỷ Yên.

Hợp tác thương mại – du lịch

Nhật Bản là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Tổng kim ngạch buôn bán hai chiều năm 2016 đạt 29,71 tỷ USD, tăng 4,3% so với năm 2015. Xét theo quốc gia đơn lẻ, thị trường Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba sau Hoa Kỳ và Trung Quốc, thị trường nhập khẩu lớn thứ ba sau Trung Quốc và Hàn Quốc.

Hai tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt 4,7 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 2,4 tỷ USD, tăng 15,9% và nhập khẩu từ Nhật Bản đạt 2,3 tỷ USD, tăng 18,5%.

Trong những năm gần đây, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam từ Nhật Bản với số lượng khá cao. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2012-2016 là 6,47%. Trong 3 tháng đầu năm 2017, lượng khách du lịch Nhật Bản đến Việt Nam ước đạt 201.590 lượt khách, tăng khoảng 4,8% so với cùng kỳ năm 2016, mức chi tiêu trung bình của khách du lịch cũng cao hơn nhiều so với các thị trường khác./.

Nguyễn Hương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2680
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)