Ảnh minh họa. (Nguồn: AP) Theo báo cáo chung mới công bố của tổ chức nghiên cứu và tư vấn Rhodium Group và Ủy ban Quốc gia về quan hệ Mỹ-Trung, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hai chiều Mỹ-Trung vượt mức 60 tỷ USD trong năm 2016, cao nhất từ trước tới nay, cho thấy tầm quan trọng của FDI trong quan hệ kinh tế song phương.
Báo cáo cho biết dòng FDI từng chủ yếu là một chiều từ Mỹ vào Trung Quốc và nay đã mang tính chất hai chiều, với dòng FDI hàng năm đổ vào lẫn nhau là hàng chục tỷ USD.
Theo báo cáo, tổng giá trị giao dịch FDI của Mỹ ở Trung Quốc đạt trên 240 tỷ USD tính đến cuối năm 2016, trong khi của Trung Quốc tại Mỹ là 110 tỷ USD.
Với nền kinh tế tăng trưởng mạnh, đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ tăng với tốc độ kỷ lục.
Năm 2016, các công ty Trung Quốc đầu tư 46 tỷ USD tại Mỹ, gấp ba lần năm 2015 và gấp 10 lần so với chỉ 5 năm trước.
Không chỉ FDI hai chiều tăng trưởng nhanh, mục tiêu đầu tư cũng được mở rộng từ các lĩnh vực truyền thống là năng lượng và bất động sản sang dịch vụ và sản phẩm tiêu dùng, khi Trung Quốc ngày càng cần đầu tư lớn hơn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước gia tăng.
Báo cáo cho biết, ngược lại với năm 2013, khi đầu tư chủ yếu là vào nhiên liệu hóa thạch, hơn 90% FDI của Trung Quốc năm 2016 là vào dịch vụ và chế tạo tiên tiến.
Báo cáo trên nhận định đầu tư của Trung Quốc ở Mỹ trong năm 2017 sẽ giảm so với mức cao kỷ lục năm 2016, nhưng dòng FDI hai chiều sẽ vẫn là thành tố chính trong hợp tác kinh tế Mỹ-Trung trong những năm tới.
Trong khi đó, theo tính toán của Reuters dựa trên số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của nước này trong lĩnh vực phi tài chính trong tháng Tư đạt 5,82 tỷ USD, giảm 71% so với cùng kỳ năm ngoái, khi chính phủ Trung Quốc tiếp tục kiểm soát chặt dòng vốn ra bên ngoài./.