Ảnh minh họa. Nguồn: MPI (MPI) - Đề án Phát triển kinh tế tư nhân, bảo vệ sản xuất trong nước và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo với mục tiêu đưa ra các giải pháp chính sách nhằm cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng của khu vực kinh tế tư nhân và những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân làm cho khu vực kinh tế tư nhân chưa phát triển đúng với tiềm năng vốn có và đảm đương được vai trò như kỳ vọng.
Vai trò của kinh tế tư nhân đang thay đổi theo hướng ngày càng tích cực
Trong thời gian qua, nhận thức của toàn hệ thống chính trị và xã hội đối với vai trò của kinh tế tư nhân thay đổi theo hướng ngày càng tích cực. Tại Văn kiện Đại hội XII của Đảng khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Khung pháp luật và cơ chế chính sách về phát triển kinh tế nói chung và kinh tế tư nhân nói riêng đã được ban hành và liên tục được sửa đổi, bổ sung để khuyến khích phát triển lành mạnh kinh tế tư nhân phù hợp với từng thời kỳ. Một số văn bản nổi bật như: Hiến pháp 2013 đã khẳng định sự tồn tại của thành phần kinh tế tư nhân và quyền của chủ sở hữu tư nhân được pháp luật bảo vệ; Luật doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo khung pháp lý thuận lợi cho thành lập, tổ chức và hoạt động của các loại hình tổ chức kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp; Bộ luật dân sự, Luật đất đai, Luật ngân hàng, Luật các tổ chức tín dụng, Luật cạnh tranh, Luật thương mại,… đã được ban hành và bổ sung, hoàn thiện để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là trong tiếp cận với các nguồn lực cho phát triển kinh doanh cũng như mở rộng thị trường. Các chính sách cụ thể, đặc biệt là hỗ trợ đối với khu vực tư nhân đã được ban hành và triển khai trên thực tế như Nghị định về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; Các chương trình hỗ trợ cụ thể như bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ mở rộng thị trường, hỗ trợ đào tạo, phát triển khoa học - công nghệ,…
Tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được Trung ương thông qua và sẽ ban hành trong thời gian tới. Nghị quyết là bước tiếp nối và phát triển của Nghị quyết số 14-NQ-TW ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa IX về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân. Việc ra đời Nghị quyết thể hiện đánh giá đúng của Đảng đối với vai trò và tầm quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn tới, đặc biệt là đối với việc đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện ba đột phá chiến lược; Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và tích cực hội nhập quốc tế.
Theo Đề án, với các nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của xã hội và đặc biệt là cộng đồng kinh doanh thời gian qua, khu vực kinh tế tư nhân đã có sự phát triển và đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cụ thể: Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng lên nhanh chóng qua từng năm. Chỉ trong giai đoạn 2000-2017 đã có khoảng 1 triệu doanh nghiệp được thành lập mới, gấp hơn 22 lần so với giai đoạn 9 năm áp dụng Luật công ty và Luật doanh nghiệp tư nhân (1991-1999). Đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân trong GDP đạt khoảng 40% và là khu vực có tỷ trọng đóng góp cao nhất trong nền kinh tế. Đóng góp cho ngân sách nhà nước của khu vực này cũng tăng liên tục, từ 7,4% năm 2005 lên 12,8% năm 2014.
Khu vực kinh tế tư nhân tạo ra chỗ làm cho khoảng 85% lực lượng lao động cả nước, trong đó chỉ tính riêng khu vực doanh nghiệp hằng năm tạo ra khoảng 1-1,5 triệu việc làm mới. Tỷ trọng đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân trong tổng đầu tư toàn xã hội liên tục tăng lên, từ mức 22,9% năm 2000 lên mức 38% năm 2005 và 38,7% năm 2015. Năng lực và hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp có sự cải thiện đáng kể, đóng góp vào việc sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, mặc dù là khu vực có đóng góp cao nhất, song tỷ trọng của kinh tế tư nhân trong GDP gần như không tăng lên trong suốt giai đoạn 2005-2015, trong đó khu vực doanh nghiệp chỉ đóng góp khoảng từ 7-10%. Quy mô của kinh tế tư nhân vẫn chậm phát triển, chủ yếu là các hộ kinh doanh cá thể và kinh tế hộ gia đình, phần lớn là có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trình độ công nghệ thấp và chậm đổi mới. Các chủ thể của kinh tế tư nhân chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, rất ít cơ sở, kể cả các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến đổi mới sáng tạo và công nghệ cao. Năng lực cạnh tranh của kinh tế tư nhân hạn chế, thiếu những doanh nghiệp có uy tín, thương hiệu cũng như khả năng cạnh tranh với các đối thủ lớn trên thị trường quốc tế.
Theo ông Nguyễn Đức Chiều, Phó Trưởng ban Cải cách và Phát triển Doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thành viên Ban soạn thảo Đề án, những rào cản chủ yếu hạn chế sự phát triển của kinh tế tư nhân đó là, vẫn còn sự phân biệt, đối xử trong nhận thức đối với kinh tế tư nhân, đặc biệt là của cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị. Hệ thống khung pháp luật, chính sách vẫn còn thiếu đồng bộ, mâu thuẫn nên chưa tạo điều kiện để hình thành một môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển. Rủi ro chính sách đối với hoạt động kinh doanh vẫn rất lớn.
Môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự thuận lợi và còn nhiều rào cản gây khó khăn cho hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân. Mặc dù có cải thiện so với những năm trước song năm 2017, Việt Nam vẫn xếp hạng 82/180 quốc gia được xếp hạng về môi trường kinh doanh. Trong khi đó, chỉ số tự do kinh tế lại bị tụt 16 bậc, từ hạng 131/178 năm 2016 xuống hạng 147/180 năm 2017. Thủ tục để bắt đầu một hoạt động kinh doanh của Việt Nam vẫn còn cao, ở mức 9-11 thủ tục và không có sự cải thiện nhiều trong giai đoạn 2008-2017.
Theo “Khảo sát về Môi trường kinh doanh” của Ngân hàng Thế giới, năm 2017, Việt Nam được xếp hạng thuộc nhóm nước có chi phí kinh doanh ở mức cao so với các nước trong cùng khu vực, như chi phí tiếp cận điện năng của Việt Nam cao gấp gần 49 lần so với Phi-líp-pin; Chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN 4, ở mức 39,1% lợi nhuận, cao hơn 2 lần so với Xinh-ga-po;....
Để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế
Theo Đề án, để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế cần thay đổi nhận thức về vai trò của kinh tế tư nhân. Khẳng định kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế đất nước. Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân theo hướng xây dựng hệ thống văn bản pháp luật và chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Đặc biệt là đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô; Hoàn thiện cơ chế thu hút đầu tư tư nhân; Phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng; Tăng cường tiếp cận nguồn lực; Đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực.
Đồng thời, phát triển các yếu tố thị trường nhằm phục vụ có hiệu quả nhất chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Tăng cường quản lý nhà nước đối với phát triển kinh tế tư nhân, đặc biệt là chuyển từ trạng thái kiểm soát sang trạng thái hỗ trợ và giảm chi phí đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là chi phí tuân thủ Đăng ký kinh doanh.
Dự kiến Đề án sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2017./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư