Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 24/05/2017-15:56:00 PM
Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Nguồn: MPI
(MPI) - Tại Phiên thảo luận về một số nội dung của dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa diễn ra ngày 23/5/2017, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV, ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều thể hiện quan điểm, tập trung và cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển, đóng góp cho xây dựng đất nước.

Phát biểu tại Phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành luật để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong khi trên thế giới nhiều nước ban hành luật này từ rất lâu, như Nhật Bản ban hành từ năm 1963, Hàn Quốc từ năm 1965. Việc xây dựng và ban hành Luật này là cơ hội tốt để làm cơ sở pháp lý quan trọng, đầy đủ, có cơ sở để triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cộng đồng doanh nghiệp và xã hội kỳ vọng Luật này được ban hành.

Luật được tiếp cận theo cách xác định nhu cầu mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần để thiết kế nên các nội dung hỗ trợ. Tinh thần của Luật là khảo sát tất cả nhu cầu của các doanh nghiệp, những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế hiện nay, từ đó tổng hợp và khái quát hóa lên thành 7 nội dung hỗ trợ chung và 3 nội dung hỗ trợ có mục tiêu, khẳng định tinh thần xây dựng một nhà nước kiến tạo, chuyển doanh nghiệp là đối tượng quản lý thành đối tượng phục vụ, đồng hành cùng phát triển trong xã hội. Đây cũng là cơ sở pháp lý để huy động các nguồn lực trong xã hội cùng tham gia vào để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, thể hiện được quan điểm của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Phát biểu giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nếu Luật tiếp cận theo cách chi tiết thì sẽ giảm đi tính ổn định của hệ thống luật pháp. Nếu tiếp cận theo luật khung thì tùy thuộc vào tình hình thực tế, mục tiêu hỗ trợ trong từng thời kỳ và nguồn lực của ngân sách nhà nước, Chính phủ sẽ linh hoạt hơn và sẽ có những quy định phù hợp trong từng thời kỳ. Điều này có nghĩa sau khi Luật được ban hành sẽ đồng thời trình Chính phủ ban hành 4 nghị định trong thời gian ngắn nhất và các cơ chế, chính sách được Quốc hội thông qua bởi Luật sẽ được đưa vào cuộc sống bằng các nghị định của Chính phủ.

Về tiêu chí hỗ trợ, theo quy định của Luật bao gồm: lao động, vốn và doanh thu. Điều này phù hợp với thông lệ, chuẩn mực của quốc tế cũng như phù hợp với thực tiễn của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Về nội dung hỗ trợ, Luật tập trung 7 nội dung hỗ trợ chung theo tinh thần hỗ trợ cho các tổ chức trung gian để các tổ chức này hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa chứ không phải hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng ngân sách hay bằng hình thức khác. Tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa nếu đáp ứng được các điều kiện, các tiêu chí thì đều được sử dụng các hỗ trợ trung gian, trừ 3 hỗ trợ có mục tiêu (Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị). Đây là loại hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm theo định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và tự chủ của nền kinh tế.

Theo dự thảo Luật, nguyên tắc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp này phát triển, tôn trọng các quy luật thị trường, không vi phạm các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tuân thủ các quy định pháp luật, có trọng tâm, có thời hạn, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ, khả năng cân đối nguồn lực nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế trong từng thời kỳ. Căn cứ vào điều kiện cụ thể trong từng thời kỳ, Chính phủ quy định nội dung hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nhỏ và vừa có vốn nhà nước.

Về việc thành lập quỹ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong Luật quy định 03 quỹ, thực tế có 2 quỹ là Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được thành lập. Do vậy, chỉ có bổ sung thêm 01 quỹ là Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Việc thành lập quỹ này hết sức cần thiết nhằm cổ vũ, khuyến khích cho hoạt động đổi mới sáng tạo, thực hiện các ý tưởng trên cơ sở khai thác các tài sản trí tuệ về công nghệ, đồng thời tạo thêm các kênh để cung cấp vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp, cũng như tăng tính cạnh tranh giữa các quỹ hiện nay. Do vậy, việc thành lập 3 quỹ này là hợp lý theo các mục tiêu của Việt Nam.

Tại Phiên thảo luận, các đại biểu đã thảo luận về nội dung dự thảo trong đó tập trung vào các vấn đề như: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Việc xác định tiêu chí doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nội dung hỗ trợ chung liên quan đến cơ chế, chính sách, về tín dụng, thuế, đất đai và các loại quỹ; Hỗ trợ trọng tâm cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1479
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)