(MPI) – Tại Phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quy hoạch diễn ra ngày 26/5/2017, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, đa số ý kiến của các đại biểu đều thống nhất cao về sự cần thiết và tính cấp thiết của việc ban hành Luật này. Theo chương trình dự kiến, dự án Luật sẽ được đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 19/6/2017.
Trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Cơ quan chủ trì thẩm tra đã tổ chức làm việc riêng với một số Bộ còn có ý kiến khác về dự thảo Luật; Chủ trì đối thoại liên bộ giữa Cơ quan soạn thảo với các bộ liên quan; Tổ chức các cuộc hội thảo tại 3 miền lấy ý kiến các đoàn Đại biểu Quốc hội và các chuyên gia, gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, lấy ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Dự thảo Luật đã được tiếp thu và sắp xếp lại với bố cục gồm 6 chương và 69 điều. Dự thảo Luật quy định việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, điều chỉnh, giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra quy hoạch; Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động quy hoạch.
Phát biểu tại Phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Luật Quy hoạch được ban hành nhằm sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những cơ chế, chính sách, quy định trong công tác quy hoạch không còn phù hợp với thực tiễn và tình hình của đất nước. Đồng thời đưa ra một số vấn đề nổi bật của dự án Luật. Thứ nhất, về cải cách thể chế, tạo sự đồng bộ thống nhất trong hệ thống của pháp luật về quy hoạch, thể hiện sự mạnh dạn trong cải cách để có được một hệ thống thống nhất về quy hoạch. Hiện có khoảng 95 hệ thống luật, pháp lệnh liên quan đến quy hoạch với khoảng 19.250 quy hoạch đang được lập.
Thứ hai, góp phần thay đổi phương thức quản lý của nhà nước. Trước đây, phương thức quản lý nhà nước thiên về quản lý, mục tiêu quản lý nhưng theo Luật này vừa đảm bảo cho công tác quản lý, vừa đảm bảo cho kiến tạo và phát triển, phục vụ phát triển. Đây là công cụ quan trọng để huy động, phân bổ và sử dụng khai thác các nguồn lực của quốc gia. Theo quy hoạch hiện nay chỉ sử dụng chủ yếu mỗi một nguồn lực từ nhà nước còn theo Luật này thì huy động từ các nguồn lực của cả xã hội, cả trong nước và nước ngoài cùng tham gia đầu tư phát triển, tuân theo nguyên tắc của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa một cách hiệu quả. Đây sẽ là động lực để thúc đẩy đất nước phát triển nhanh hơn và bền vững hơn, qua đó huy động được các đầu tư từ xã hội tức là gián tiếp để giảm các áp lực về nợ công, sử dụng ngân sách nhà nước.
Thứ ba, tăng cường tính liên kết phát triển vùng, phát huy tối đa các tiềm năng lợi thế của từng vùng, từng địa phương và từng ngành. Thứ tư, đổi mới phương pháp lập quy hoạch theo một hướng là tích hợp đa ngành trong quá trình lập quy hoạch và đảm bảo tính nhất quán, khắc phục được tình trạng chia cắt cục bộ giữa các ngành, các địa phương và giữa các vùng miền trong cả nước, tránh được các xung đột về lợi ích và mâu thuẫn chồng chéo trong phát triển, bảo đảm được việc quản lý của các ngành trong lập và quản lý các quy hoạch.
Thứ năm, thiết lập cơ chế cung cấp thông tin về quy hoạch đảm bảo công khai minh bạch và để giám sát trong quá trình thực hiện quy hoạch. Đồng thời, khắc phục được tình trạng xin - cho tùy tiện trong việc điều chỉnh các quy hoạch khi bãi bỏ được một số quy hoạch ngành, toàn bộ các quy hoạch về sản phẩm đảm bảo quyền tự do của người dân và doanh nghiệp tự do kinh doanh trong tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm theo quy định của Hiến pháp năm 2013.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, việc ban hành Luật Quy hoạch có ý nghĩa hết sức quan trọng để chuẩn bị cho thời kỳ quy hoạch sắp tới của giai đoạn 2021 – 2030 và nếu để chậm lại sẽ lỡ một cơ hội cho quá trình phát triển 10 năm tới. Đồng thời, việc ban hành Luật này phù hợp với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng cũng như để phục vụ cho hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Cũng tại Phiên thảo luận, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo, cung cấp thêm thông tin, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến thời kỳ quy hoạch và tầm nhìn của quy hoạch, chi phí cho hoạt động quy hoạch, điều chỉnh một số luật liên quan sau khi Luật Quy hoạch được ban hành,…/.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư