(MPI) – Ngày 18/5/2017, tại thành phố Sầm Sơn, UBND tỉnh Thanh Hóa và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2017. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và chủ trì Hội nghị.
|
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2017. Ảnh: baodauthau.vn |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng cho biết, Thanh Hóa là tỉnh có đầy đủ 3 vùng kinh tế: Trung du miền núi, đồng bằng và ven biển.Trong những năm qua, để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh cho phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo môi trường tốt nhất để thu hút đầu tư. Hệ thống giao thông của tỉnh bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không hết sức thuận lợi; Tỉnh Thanh Hóa sẽ áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào tỉnh theo nguyên tắc nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất về quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ ở mức thấp nhất trong khung quy định.
Để tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Xứng cũng cho biết, Thanh Hóa sẽ tạo điều kiện hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ tốt nhất nhu cầu của doanh nghiệp; Tập trung chỉ đạo các địa bàn trên tỉnh cam kết hoàn thành 100% yêu cầu tiến độ giải phóng mặt bằng của các nhà đầu tư; Chỉ đạo các ngành, các đơn vị khẩn trương hoàn thành hồ sơ, thủ tục để trong năm 2017, Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, Trung tâm hành chính công các huyện, thị xã, thành phố đều đi vào hoạt động; Việc giải quyết thủ tục hành chính được giám sát chặt chẽ, đảm bảo công khai, minh bạch. Giảm tối thiểu 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định.
Thanh Hóa và Tập đoàn tư vấn Boston Hoa Kỳ (BCG) đã hợp tác điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, định hướng đến năm 2040 của tỉnh Thanh Hóa, thống nhất lựa chọn 5 trụ cột thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, đó là: công nghiệp chế biến, chế tạo; Nông nghiệp; Du lịch; Y tế và phát triển hạ tầng, đô thị. Đây là các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, hội tụ các điều kiện để phát triển bền vững.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao sự đổi mới và khát vọng phát triển mạnh mẽ của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, đồng thời, nêu rõ những thế mạnh, vị trí chiến lược và vai trò của tỉnh Thanh Hóa trong hợp tác phát triển vùng, đồng thời, phát triển nhanh trên nền tảng một quy hoạch chiến lược tốt và tận dụng tối đa tiềm năng kết nối giữa Thanh Hóa với các địa phương lân cận để trở thành một cực tăng trưởng của vùng. Tập trung phát triển khu vực phía Đông giáp biển và khu vực trung tâm trước, làm bàn đạp để tỉnh phát triển và để có điều kiện hỗ trợ khu vực phía Tây phát triển theo. Phát triển khu vực phía Tây của tỉnh trở thành khu vực dự trữ sinh thái tự nhiên, tạo thế cân bằng trong định hướng phát triển bền vững của tỉnh Thanh Hóa.
Về quy mô kinh tế của tỉnh Thanh Hóa, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá vẫn còn khiêm tốn, do đó Thanh hóa cần nâng tốc độ tăng trưởng kinh tế, lấy công nghiệp chế tác và du lịch, dịch vụ làm động lực chính kết hợp với phát triển nông nghiệp hiệu quả cao và hạ tầng kết nối giao thông thuận tiện làm đòn bẩy. Thanh Hóa sẽ trở thành cực tăng trưởng mới của vùng để đến năm 2030, quy mô kinh tế của tỉnh đạt mức 50 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người trên 10.000 USD/năm.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đánh giá cao việc Thanh Hóa có bước đi đột phá khi kết hợp với BCG để xây dựng quy hoạch phát triển chiến lược. Trên nền tảng những gì tỉnh đang có, kết hợp những ý kiến tham gia của các chuyên gia kinh nghiệm hàng đầu thế giới, Thanh Hóa sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp, nhà đầu tư nhắm bắt được cơ hội tốt, những tiềm năng và định hướng rõ ràng để quyết định những dự án đầu tư kinh doanh hiệu quả trên địa bàn. Thông qua BCG, các nhà đầu tư và doanh nghiệp sẽ nhìn thấy bức tranh toàn cảnh về môi trường đầu tư kinh doanh tại Thanh Hóa, nhận ra mình đang ở đâu trong bức tranh đó, ở đoạn nào trên con đường đến đích mà Thanh Hóa lựa chọn, để từ đó các nhà đầu tư và doanh nghiệp tự tìm ra cơ hội của chính mình, nắm bắt và khai thác cơ hội mà Thanh Hóa đem lại.
Tại Hội nghị, có 32 Dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư và ký biên bản ghi nhớ đầu tư với tổng mức đầu tư 135.300 tỷ đồng, tương đương 6,1 tỷ USD. Các ngân hàng cũng trao cam kết tài trợ vốn tín dụng cho các nhà đầu tư của 10 Dự án đầu tư, tập trung vào các lĩnh vực: Nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng, cảng biển, hạ tầng…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Thanh Hóa là một tỉnh có nền kinh tế năng động, có diện tích lớn, một điểm đến đầy tiềm năng của các nhà đầu tư. Với những tiềm năng và điều kiện thuận lợi, Thanh Hóa cần trở thành một tỉnh kiểu mẫu trong thu hút đầu tư, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư với chi phí sử dụng đất thấp, thủ tục hành chính nhanh gọn. Chính phủ sẽ trao cơ hội để Thanh Hóa là địa phương tiên phong trong trong việc cụ thể hóa mục tiêu và đạt được tầm nhìn sớm nhất cả nước.
Thủ tướng Chính Phủ đề nghị, Thanh Hóa cần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp địa phương để có một cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh, trong đó chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực, phát huy vai trò dẫn dắt của những doanh nghiệp lớn, trưởng thành, có khả năng cạnh tranh trong nước và thậm chí là khu vực trong một số lĩnh vực đối với kinh tế địa phương, để doanh nghiệp FDI cùng với doanh nghiệp trong nước phát triển trong một thể kinh tế quốc dân thống nhất. Đồng thời, đề nghị các nhà đầu tư, các doanh nghiệp hoạt động với tầm nhìn vươn ra thị trường thế giới, bài bản, lâu dài và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, “lời nói đi đôi việc làm”.
Thủ tướng Chính phủ tin tưởng, với quyết tâm đổi mới tư duy và cách làm, nhất định Thanh Hóa sẽ thành công. Không những thành công ở ven biển, đồng bằng mà thành công ở cả phía Tây rộng lớn để đời sống của người dân được nâng lên một bước mới, tăng trưởng phát triển bao trùm./.
Đức Trung
Bộ Kế hoạch và Đầu tư