(MPI) – Ngày 13/6/2017, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội nghị quốc tế về Quản trị kinh tế hướng tới một nhà nước kiến tạo nhằm hỗ trợ các hành động hướng tới khát vọng thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ.
|
Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương và Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới Osmane Dione đồng chủ trì Hội nghị. Ảnh: Đức Trung (MPI) |
Hội nghị có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Osmane Dione, các chuyên gia, các học giả, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam và các chuyên gia quốc tế đến từ một số nước đã và đang trải qua quá trình chuyển đổi thể chế và có điều kiện phù hợp với bối cảnh chuyển đổi của Việt Nam như Pháp, Ma-lai-xi-a, Hàn Quốc, Ba Lan, cùng các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho biết, Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển lớn nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ từ bối cảnh thế giới mới đầy biến động cũng như những khó khăn thách thức từ nội tại của nền kinh tế. Tháng 2 năm 2016, Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đã công bố Báo cáo "Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ". Thực hiện khát vọng này đòi hỏi Việt Nam phải đẩy mạnh 6 chuyển đổi lớn trong 3 trụ cột phát triển về kinh tế, xã hội và thể chế. Trong đó, xây dựng nhà nước có năng lực và trách nhiệm giải trình vừa là một mục tiêu phát triển vừa là điều kiện cần thiết để thực hiện thành công các chuyển đổi lớn.
Việt Nam luôn xác định mục tiêu xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân. Năng lực kiến tạo của Chính phủ phải được thể hiện ở việc xóa bỏ các rào cản kìm hãm phát triển, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho các doanh nghiệp, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, xây dựng một xã hội sáng tạo, mang lại những giá trị mới cho đất nước. Tuy nhiên, việc xây dựng các năng lực kiến tạo của Chính phủ trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi hướng tới nền kinh tế thị trường đầy đủ là nhiệm vụ không đơn giản. Sự chuyển đổi hướng tới nền kinh tế thị trường đầy đủ đòi hỏi phải làm rõ và xác định lại vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế và cải cách, thay đổi phương thức điều hành của Chính phủ.
Tại Hội nghị, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Osmane Dione đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam thời gian qua. Tuy nhiên, để duy trì những thành công đó và tiếp tục con đường phát triển hướng đến sự thịnh vượng, bình đẳng thìviệc xem xét vai trò quản trị kinh tế của một nhà nước kiến tạo là một yếu tố quan trọng, tiếp nối những nội dung đã đề ra trong Báo cáo Việt Nam 2035 trên cơ sở thực hiện 6 chuyển đổi lớn: Hiện đại hóa nền kinh tế đồng thời với nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân; Phát triển năng lực đổi mới sáng tạo, lấy khu vực kinh tế tư nhân làm trung tâm; Nâng cao hiệu quả của quá trình đô thị hoá tăng cường kết nối giữa các thành phố và vùng phụ cận; Phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu; Đảm bảo công bằng và hòa nhập xã hội cho các nhóm yếu thế cùng với sự phát triển của xã hội trung lưu; Xây dựng một nhà nước pháp quyền hiện đại với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hội nhập và xã hội dân chủ phát triển ở trình độ cao.
|
Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày tại Hội nghị. Ảnh: Đức Trung (MPI) |
Trình bày lộ trình hướng tới năm 2035, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, Việt Nam đã thành công sau 30 năm đổi mới nhưng so với yêu cầu phát triển còn một khoảng cách khá xa. Tăng trưởng GDP bình quân đầu người đạt mức bình quân 5,5% trong 2 thập kỷ qua. Năm 1990, quy mô kinh tế Việt Nam đạt 6,5 tỷ USD, đến năm 2015 đạt 193,4 tỷ USD, gấp 31 lần với thu nhập bình quân đầu người đạt 2.109 USD. Việt Nam chính thức trở thành nước có thu nhập trung bình thấp vào năm 2009, tuy nhiên còn tụt hậu về thu nhập và quy mô nền kinh tế.
Để thực hiện cải cách thể chế và quản trị nhà nước, cần tăng cường năng lực của nhà nước, đảm bảo nguyên tắc thị trường trong các quyết định của nhà nước, cải cách phân cấp giữa Trung ương và địa phương, giữa các cơ quan Chính phủ nhằm tạo ra sự chủ động, trách nhiệm và hiệu quả của từng cơ quan và cả hệ thống; Tăng cường hành chính công, định hướng lại việc bảo đảm, cung cấp dịch vụ công theo hướng chuyển từ vai trò nhà nước là người sản xuất và chủ sở hữu sang người hỗ trợ, cung cấp dịch vụ và điều tiết, mở rộng sự tham gia của mọi thành phần trong cung cấp dịch vụ công, nâng cao năng lực về dịch vụ công; Tăng cường công tác kiểm tra và cân bằng quyền lực; Bảo đảm tiếng nói của công dân trong hoạt động lập pháp và quản trị nhà nước.
Chia sẻ về vai trò của nhà nước trong một thế giới thay đổi, bà Deborah Wetzel, Giám đốc cao cấp, Khối nghiệp vụ toàn cầu về quản trị nhà nước, Ngân hàng Thế giới khẳng định chiến lược kinh tế của Việt Nam cần được điều chỉnh để thúc đẩy tăng trưởng dựa trên vốn và kỹ năng nhiều hơn, xây dựng nhà nước kiến tạo sẽ giúp Việt Nam vươn lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị đổi mới và tạo ra những sản phẩm dịch vụ mới. Bà Deborah Wetzel khẳng định, vai trò quan trọng của Chính phủ trong thời gian tới, hướng tới sử dụng và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp, dịch vụ công hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Đồng thời chia sẻ một số giải pháp, cách thức giải quyết các vấn đề liên quan đến các mối quan hệ Chính phủ - doanh nghiệp - người dân của một số nước trên thế giới.
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Đức Trung (MPI) |
Hội nghị gồm bốn phiên toàn thể: Bối cảnh mới và thách thức đối với chuyển đổi quản trị nhà nước; Nâng cao hiệu quả điều hành của Chính phủ; Khai thác các lực lượng thị trường, cải cách doanh nghiệp nhà nước và tạo điều kiện cho khu vực tư nhân; Phát huy công nghệ số trong quan hệ giữa Nhà nước và người dân. Hội nghị đã tập trung thảo luận 3 nội dung chính bao gồm: Làm rõ mối quan hệ giữa 03 trụ cột của thể chế (nhà nước - thị trường - xã hội), đây là nền tảng xác định rõ và cụ thể về vai trò và phương thức can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường đầy đủ; Làm rõ các mối quan hệ mang tính kỹ trị trong quản trị nhà nước giữa các cơ quan của nhà nước (quan hệ nhà nước với nhà nước - G2G), quan hệ giữa nhà nước với thị trường (chính quyền với doanh nghiệp - G2B) và quan hệ giữa nhà nước với xã hội (chính quyền với người dân - G2C), từ đó có thể làm rõ về phương hướng cải cách, cải tổ bộ máy nhà nước, nâng cao hiệu quả và hiệu lực của nhà nước; Làm thế nào để phát triển, xây dựng chính phủ điện tử trên cơ sở sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin hiện nay, chính phủ điện tử ngày càng được xem là công cụ hữu hiệu để các chính sách của nhà nước hiệu quả hơn, cung cấp các dịch vụ công đến doanh nghiệp và người dân, đòi hỏi Chính phủ phải đổi mới bộ máy tổ chức, trách nhiệm, các quy trình, sự phối kết hợp giữa các cấp chính quyền.
Hội nghị là diễn đàn trao đổi của các chuyên gia, các học giả, các nhà hoạch định chính sách trong nước và quốc tế, đồng thời là nơi chia sẻ và học hỏi các kinh nghiệm của các quốc gia có nhiều kinh nghiệm về xây dựng và tổ chức nhà nước, cũng như các quốc gia thực hiện chuyển đổi thành công sang nền kinh tế thị trường về vai trò của nhà nước trong quản lý kinh tế, điều hành kinh tế cũng như và tăng cường thể chế, hướng tới một nhà nước kiến tạo cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng hơn. Đồng thời đưa ra những minh chứng thực tiễn về cải cách thể chế và quản trị nhà nước, cách thức nhà nước chuyển đổi vai trò của mình để tạo thuận lợi cho sự tương tác hiệu quả với thị trường và xã hội nhằm mang lại các thành tựu phát triển tốt đẹp hơn./.
Nguyễn Hương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư