(MPI) – Ngày 09/6/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 46/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2017.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Theo Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tập đoàn, tổng công ty quán triệt nghiêm túc Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 02/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017, coi đây là nhiệm vụ, trách nhiệm của từng Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; Tái cơ cấu nền kinh tế; Bảo đảm tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thể chế, thủ tục hành chính gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo mọi thuận lợi thúc đẩy phát triển.
Trong đó, các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về: (1) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; (2) Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; (3) Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khẩn trương rà soát, trình ban hành và triển khai thực hiện đề án, kế hoạch tái cơ cấu ngành, lĩnh vực để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Tiếp tục phát huy tinh thần, kết quả của Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp lần thứ 2, tập trung thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 06/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp.
Chính phủ yêu cầu từng Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đề cao trách nhiệm cá nhân, bám sát tình hình, chủ động, quyết liệt hành động bảo đảm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đã đề ra đối với ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách; Chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu không hoàn thành chỉ tiêu được giao. Định kỳ trước ngày 20 hằng tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thuộc ngành, lĩnh vực, địa phương phụ trách, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ hằng tháng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương trong điều hành các chính sách tiền tệ, tài khóa, đầu tư, thương mại, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững. Phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm 2017 vượt mức kế hoạch 18% với cơ cấu tín dụng hợp lý, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống. Xem xét, điều chỉnh mở rộng hạn mức tín dụng cho vay trung và dài hạn của các tổ chức tín dụng. Nghiên cứu, có giải pháp phù hợp huy động nguồn vốn vàng, ngoại tệ nhàn rỗi trong dân để phục vụ đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội; Xem xét, đề xuất chính sách tín dụng hỗ trợ tiêu dùng, nhà ở, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2017.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ quản lý các ngành sản xuất rà soát tình hình thực hiện các chỉ tiêu tăng trưởng của từng ngành, từng lĩnh vực theo từng tháng. Giao Tổng cục Thống kê báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chính phản ánh kết quả sản xuất kinh doanh của một số ngành, lĩnh vực chủ yếu vào ngày 25 hằng tháng. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương phân bổ và giao vốn đầu tư công thuộc kế hoạch năm 2017; Theo dõi, kiểm tra chặt chẽ tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2017; Thành lập Đoàn công tác để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư công, vốn ODA, vốn đầu tư nước ngoài và vốn đầu tư tư nhân; Xem xét bố trí, phân bổ nguồn vốn ngân sách để thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng đã được quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo. Khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ còn lại của năm 2017 trong tháng 6/2017; Rà soát, điều chỉnh vốn ODA từ các dự án chậm tiến độ sang các dự án có khả năng thực hiện và điều chuyển vốn từ các Bộ, ngành giải ngân chậm sang các Bộ, ngành có nhu cầu bổ sung vốn cao hơn, có khả năng giải ngân để bảo đảm tiến độ giải ngân, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng, trình Chính phủ Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và về phát triển kinh tế tư nhân trong tháng 6/2017. Tăng cường theo dõi việc thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật về đầu tư, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chỉ đạo triển khai nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII vềtăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; Thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Xử lý nghiêm các trường hợp nhũng nhiễu, quan liêu, tiêu cực, kiên quyết không để lợi ích nhóm; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chú trọng xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, chuyên nghiệp; Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 02/01/2017 về việc đẩy mạnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế.
Các thành viên Chính phủ khẩn trương tham gia ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2017 kèm theo Tờ trình số 4459/TTr-BKHĐT ngày 02/6/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 12/6/2017. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/6/2017.
Chính phủ thống nhất, đối với vốn ngân sách trung ương (vốn trong nước) bố trí cho các chương trình mục tiêu quốc gia: Thủ tướng Chính phủ giao tổng số vốn cho các địa phương; Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ cụ thể của Chương trình mục tiêu quốc gia theo đúng Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với vốn trong nước bố trí cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh cơ cấu giữa số cấp bù chênh lệch lãi suất, phí quản lý và vốn điều lệ trong kế hoạch đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 của Ngân hàng Chính sách xã hội đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua.
Về phương án lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi các chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ yêu cầu các Bộ là chủ chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 khẩn trương hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 73/NQ-CP của Chính phủ về phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020. Trong quá trình điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ bổ sung thêm vốn cho các chương trình mục tiêu từ tăng thu, tiết kiệm chi (nếu có) và các nguồn hợp pháp khác.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Chương trình mục tiêu, bảo đảm thời gian để các Bộ, ngành, địa phương hoàn thiện các thủ tục theo quy định. Đối với vốn giao cho các Bộ, ngành, địa phương để thực hiện Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 phải trên cơ sở các mục tiêu, nội dung dự án đã được các Bộ chủ trương trình tổng hợp, đã báo cáo Quốc hội và Chính phủ phê duyệt.
Đối với số vốn bố trí để thực hiện Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công với cách mạng và bổ sung cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội: Giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương rà soát cụ thể nhu cầu hỗ trợ nhà ở cho người có công trong giai đoạn 2016 - 2020, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 20/6/2017 để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch bổ sung cho các địa phương thực hiện nhiệm vụ này.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tính chính xác của các thông tin, số liệu, mức vốn bố trí cho từng dự án thuộc Danh mục dự án giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước (đợt 2); Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ khẩn trương tiếp thu ý kiến Chính phủ, hoàn chỉnh Danh mục kèm theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn (đợt 2) theo đúng quy định. Xem xét, nghiên cứu cụ thể trình Chính phủ phân cấp cho các Bộ, ngành, địa phương xử lý những vấn đề cụ thể, tạo thuận lợi trong triển khai thực hiện Luật đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành, cắt giảm thủ tục hành chính, không để thủ tục hành chính gây chậm trễ trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan cần rà soát, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, nhất là các nhiệm vụ, công việc được Quốc hội chất vấn, không để nợ đọng việc ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư