(MPI) – Sáng ngày 14/6/2017, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội thảo quốc tế “Cơ chế giải quyết kiến nghị trong đấu thầu tại Việt Nam”. Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Ousmane Dione cùng các chuyên gia, các nhà khoa học, đại diện các Bộ, ngành, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm soát, các doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn báo chí.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu phát biểu tại khai mạc Hội thảo.
Ảnh: Minh Trang (MPI) |
Hội thảo là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, các học giả trên thế giới chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng và vận hành cơ chế giải quyết kiến nghị trong đấu thầu, đặc biệt là về mô hình cơ quan hành chính độc lập giải quyết kiến nghị trong đấu thầu. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý nhà nước lắng nghe ý kiến của các chuyên gia quốc tế đánh giá và nhìn nhận lại thực trạng giải quyết kiến nghị trong đấu thầu tại Việt Nam trong thời gian qua, từ đó điều chỉnh chính sách về giải quyết kiến nghị cho phù hợp hơn với thực tế và thông lệ quốc tế.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho biết, trước năm 2005, Việt Nam chưa có quy định về cơ chế giải quyết kiến nghị trong đấu thầu. Trước những đòi hỏi thực tế trong quá trình triển khai thực hiện các gói thầu sử dụng vốn ODA có tham gia của các nhà thầu nước ngoài và khuyến nghị của các nhà tài trợ, trong đó có WB, năm 2005, lần đầu tiên cơ chế giải quyết kiến nghị trong đấu thầu đã được nghiên cứu, xây dựng và quy định tại Luật đấu thầu năm 2005.
Qua 8 năm thực hiện, năm 2013, Việt Nam đã ban hành Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 thay thế Luật đấu thầu số 61/2005/QH11. Tại Luật đấu thầu 43/2013/QH13, ngoài quy định về cơ chế giải quyết kiến nghị, Luật cũng đã bổ sung quy định về giải quyết tranh chấp trong đấu thầu tại tòa án và quy định rất rõ, việc giải quyết tranh chấp trong đấu thầu tại tòa án sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Việc dân sự hóa khi giải quyết tranh chấp trong đấu thầu là một bước tiến lớn của Việt Nam trong quá trình phát triển, hội nhập. Quy định về giải quyết kiến nghị và tranh chấp trong đấu thầu tại Luật đấu thầu 43/2013/QH13 đã khắc phục được nhiều hạn chế của Luật đấu thầu 61/2005/QH11, từng bước tạo được niềm tin để các nhà thầu kiến nghị khi thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị ảnh hưởng.
Trong hơn 10 năm qua, giải quyết kiến nghị và tranh chấp trong đấu thầu đã tiến một bước dài, từ việc hoàn toàn không có cho tới việc có một cơ chế giải quyết kiến nghị, tranh chấp “chấp nhận được” trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam. Tuy nhiên, thực tiễn công tác đấu thầu đang và sẽ diễn ra ngày càng phong phú cùng với việc Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, trong đó có lĩnh vực mua sắm công. Trong bối cảnh đó, cơ chế giải quyết kiến nghị trong đấu thầu hiện tại ở Việt Nam đã và sẽ bộc lộ những hạn chế, chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhà thầu, đặc biệt là nhà thầu nước ngoài và cần đổi mới dần dần để phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế.
Theo nghiên cứu của WB, mua sắm công chiếm 15 – 20% GDP của các quốc gia trên toàn thế giới, là một lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chi tiêu của Chính phủ hằng năm. Tại Việt Nam, chi tiêu bình quân so với GDP đã tăng từ mức 28,57% giai đoạn 2001 - 2005 lên 29,73% giai đoạn 2006 - 2010. Giai đoạn 2011 - 2013, thực hiện mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, mức chi ngân sách so với GDP tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao 28,15%), qua đó có thể thấy quy mô chi tiêu Chính phủ ở Việt Nam hiện đang khá cao. Do vậy việc chi tiêu, sử dụng nguồn vốn như thế nào là điều Chính phủ và các nhà làm luật quan tâm. Bên cạnh đó, đấu thấu, mua sắm công được đánh giá là hình thức tiết kiệm và minh bạch nhất cho việc chi tiêu Chính phủ nói chung bởi bên mời thầu có thể đánh giá và lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ với chất lượng tốt và giá cả hợp lý.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kiến nghị và giải quyết kiến nghị trong đấu thầu là một nhu cầu tất yếu, khách quan trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, ở bất cứ quốc gia hay tổ chức quốc tế nào khi tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đều có cơ chế về kiến nghị và giải quyết kiến nghị trong đầu thầu. Mặc dù về tổng thể, Luật đấu thầu 43/2013/QH13 đã có những bước tiến bộ đáng kể, nhưng qua thực tiễn vận hành cần tiếp tục cập nhật, nghiên cứu những vấn đề mới phát sinh hoặc còn tồn tại để tiếp tục hoàn thiện nhằm đạt được hiệu lực, hiệu quả cao nhất theo tinh thần xây dựng một chính phủ kiến tạo, liêm chính.
Tại Hội thảo các đại biểu được nghe các nhà nghiên cứu, các nhà tư vấn chia sẻ về một số nội dung liên quan đến Quy định về giải quyết kiến nghị trong đấu thầu tại Việt Nam - Một số ý kiến bình luận và đề xuất hoàn thiện; Báo cáo của nghiên cứu của Chương trình USAID GIG về giải quyết kiến nghị và khiếu kiện trong đấu thầu tại Việt Nam; Kinh nghiệm quốc tế về cơ chế giải quyết kiến nghị độc lập trong đấu thầu; Một số ví dụ về các bước xây dựng cơ chế giải quyết kiến nghị độc lập trong đấu thầu tại một số quốc gia…Với kinh nghiệm của các cơ quan chuyên môn, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã đóng góp ý kiến làm rõ những hạn chế trong giải quyết kiến nghị trong công tác đấu thầu của Việt Nam. Đây là cơ sở để nghiên cứu, tiếp thu, sửa đổi những quy định trong cơ chế đấu thầu cho phù hợp và góp phần hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn./.
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư