(MPI) – Ngày 29/6/2017, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Họp báo “Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2017” dưới sự chủ trì của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm.
|
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm phát biểu tại buổi Họp báo.
Ảnh: Minh Hậu (MPI)
|
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2017 ước tính tăng 5,73% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó quý I tăng 5,15%; Quý II đã khởi sắc hơn quý I với tốc độ tăng 6,17%. Trong mức tăng 5,73% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,65%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,81%, đóng góp 2,0 điểm phần trăm; Khu vực dịch vụ tăng 6,85%, là mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ 5 năm gần đây, đóng góp 2,59 điểm phần trăm.
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành thủy sản có mức tăng cao nhất với 5,08% so với cùng kỳ năm 2016, đóng góp 0,15 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng trưởng chung như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 7,10% so với cùng kỳ năm trước, là ngành có mức đóng góp cao nhất vào mức tăng chung (0,65 điểm phần trăm); Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 8,90%, đóng góp 0,35 điểm phần trăm; Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,66%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm; Hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 3,86%, đóng góp 0,21 điểm phần trăm.
Về hoạt động của doanh nghiệp, tính chung trong 6 tháng đầu năm 2017, cả nước có 61.276 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 596,2 nghìn tỷ đồng, tăng 12,4% về số doanh nghiệp và tăng 39,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.
Về đầu tư phát triển, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2017 theo giá hiện hành ước tính đạt 674,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2016 và bằng 32,8% GDP. Nhìn chung, tình hình thực hiện vốn đầu tư có chuyển biến tích cực trong những tháng gần đây nhưng còn thấp so với kế hoạch năm, nhất là nguồn vốn đầu tư công.
Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2017 tiếp tục giảm 0,17% so với tháng 5/2017, CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2017 tăng 4,15% so với bình quân cùng kỳ năm 2016; CPI tháng 6/2017 tăng 0,20% so với tháng 12/2016 và tăng 2,54% so với cùng kỳ năm 2016.
Xét về góc độ sử dụng GDP 6 tháng đầu năm, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,04% so với cùng kỳ năm 2016, đóng góp 8,48 điểm phần trăm; Tích lũy tài sản tăng 9,50%, đóng góp 4,26 điểm phần trăm; Chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ ở tình trạng nhập siêu làm giảm 7,01 điểm phần trăm của mức tăng trưởng chung.
Tại buổi Họp báo, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2017 đã có chuyển biến theo hướng tích cực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, tăng trưởng quý II cao hơn quý trước. Lạm phát được kiểm soát, mặt bằng lãi suất, tỷ giá ổn định; Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện; Xuất khẩu tăng cao, thu hút khách quốc tế và đầu tư nước ngoài đạt khá. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm so với cùng kỳ năm trước; An sinh xã hội được quan tâm thực hiện và đạt kết quả nhất định. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta vẫn còn hạn chế: Tốc độ tăng trưởng đạt xấp xỉ như dự kiến; Tiến độ giải ngân vốn đầu tư chậm; Sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn từ các năm trước và giá nông sản, thực phẩm giảm; Đời sống một bộ phân dân cư còn gặp khó khăn.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, để thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, nhiệm vụ trong những tháng cuối năm là rất lớn. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,7%, tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm 2017 phải đạt trên 7,4%. Điều này đòi hỏi các ngành, các cấp, các địa phương phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017; Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017.
Đồng thời, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, đảm bảo tăng trưởng tín dụng cả năm 2017 đạt 18%. Đề ra các giải pháp phù hợp thu hút và huy động các nguồn vốn đầu tư thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tổng vốn đầu tư thực hiện cả năm 2017 đạt 34%-35% GDP. Các Bộ, ngành và địa phương cần tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó chú trọng các dự án lớn, dự án quan trọng, các chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo thực hiện và giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công được giao năm 2017. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng; Không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản.
Tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ và các quy trình tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh mô hình cánh đồng mẫu lớn để nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm trồng trọt. Tạo cơ chế về vốn, chủ động nắm bắt thông tin thị trường để doanh nghiệp và người sản xuất ký được hợp đồng bao tiêu sản phẩm ổn định giá và ổn định đầu ra cho nông sản. Hỗ trợ tích cực nông dân thực hiện các mô hình chuyển đổi hiệu quả từ đất lúa sang các cây trồng ngắn ngày, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản. Kiểm soát tốt dịch bệnh, đảm bảo chất lượng thức ăn chăn nuôi và an toàn thực phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi cả trong nước và nước ngoài.
Tập trung duy trì và thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp chế biến chế tạo. Có chính sách khuyến khích phát triển các ngành sản xuất tiêu dùng trong nước như sản xuất đường, sản xuất phân bón. Tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu cho sản phẩm giầy dép, dệt may để có mức tăng trưởng tốt hơn, có biện pháp phòng vệ thương mại theo đúng quy định của WTO để bảo vệ ngành thép.
|
Toàn cảnh buổi Họp báo. Ảnh: Minh Hậu (MPI) |
Thúc đẩy nhu cầu trong nước, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước đối với hàng nhập khẩu. Tuyên truyền, vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Phát triển hệ thống phân phối và bán lẻ trong nước nhằm hạn chế nước ngoài thâu tóm mạng lưới siêu thị và đưa hàng vào thị trường Việt Nam. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu, bao gồm cả thị trường truyền thống và các thị trường có sức mua tiềm năng cao, các thị trường đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA). Thực hiện tốt công tác dự báo thị trường, nắm rõ các rào cản kỹ thuật và chủ động xây dựng các biện pháp ứng phó và khắc phục.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chính sách an sinh xã hội. Thực hiện tốt công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống./.
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư