(MPI) - Để cạnh tranh hay hợp tác phát triển, Việt Nam cũng phải bắt kịp xu thế của thế giới, chủ động xây dựng, kiến tạo một mô hình đặc khu kinh tế mới với những thể chế, chính sách vượt trội, môi trường đầu tư hấp dẫn, thông thoáng, minh bạch. Trong đó, việc xây dựng Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập, phát triển, quản lý và hoạt động của các đặc khu.
|
Nhà máy lọc dầu Dung Quất, thuộc Khu kinh tế Dung Quất. Ảnh: Đức Trung (MPI)
|
Tại sao phải phát triển đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại Việt Nam?
Qua 25 năm phát triển mô hình KCN, KCX, KKT không còn mới, hấp dẫn. Cơ chế, chính sách ưu đãi không còn đủ sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Việc khai thác các tiềm năng tĩnh của đất nước như: tài nguyên thiên nhiên, lợi thế tự nhiên, lao động giá rẻ đã dần tới hạn. Dư địa tạo ra động lực mới cho phát triển không còn nữa nên cần cải cách thể chể, sức sáng tạo, tiềm năng trí tuệ của con người để tạo ra năng suất lao động, hiệu quả kinh tế cao hơn.
Cùng với đó, xu thế các nước trên thế giới hiện nay là chủ động tạo dựng "sân chơi mới", chủ động kiến tạo phát triển thông qua việc thường xuyên cập nhật mô hình phát triển mới với thể chế, chính sách, vượt trội hướng trọng tâm đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Việc xây dựng Luật cho các Đặc khu sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập, phát triển, quản lý và hoạt động của ba Đặc khu kinh tế; Tạo một cực tăng trưởng mới, với tốc độ cao và duy trì trong một thời gian dài. Tạo ra được giá trị mới và cao trong một thời gian ngắn để bắt kịp với các nước khu vực và trên thế giới. Đồng thời, tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh đặc biệt thuận lợi cho phát triển khoa học công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo; Với phương thức quản lý mới; Có môi trường sống hiện đại, xanh, sạch, an toàn; Thu nhập bình quân đầu người và đóng góp ngân sách nhà nước tăng nhanh.
Luật được xây dựng dựa trên quan điểm bám sát và cụ thể hóa đầy đủ tinh thần và nội dung các quy định của Hiến pháp, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ. Mô hình được xây dựng tại Luật đảm bảo tính đột phá nhưng vẫn đảm bảo giữ vững vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; Giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; Bảo đảm quốc phòng, an ninh; Ổn định và phát triển toàn diện về các mặt kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường.
Mạnh dạn cho phép thực hiện các cơ chế, chính sách mới, đảm bảo vượt trội và cạnh tranh với khu vực và quốc tế đột phá cả về kinh tế và hành chính. Các cơ chế, chính sách này có thể vượt các quy định của các Luật hiện nay, không trái với Hiến pháp và các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt phải có bộ máy quản lý hành chính tinh gọn; Có thẩm quyền phù hợp, hiệu lực, hiệu quả; Được áp dụng thủ tục hành chính thuận lợi, đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư, tổ chức và cá nhân theo chuẩn mực quốc tế.
Ngoài cơ chế, chính sách chung áp dụng đối với các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, nghiên cứu bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù riêng của từng đơn vị để phát triển các ngành, nghề ưu tiên phù hợp với đặc điểm, tình hình và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh của từng đơn vị quy định.
Các chính sách "đặc biệt, mới” so với chính sách hiện hành quy định tại Luật đơn vị hành chính - kinh tế là gì?
Việc xây dựng quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt duy nhất theo hướng tích hợp các quy hoạch liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, tính hướng dẫn cao. Cho phép thuê tư vấn nước ngoài để xây dựng quy hoạch, đồng thời thực hiện công tác xúc tiến đầu tư.
Về chính sách bảo đảm hoạt động đầu tư kinh doanh, không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt. Trong đó, cho phép nhà đầu tư được lựa chọn luật nước ngoài để điều chỉnh hợp đồng đầu tư, thương mại, dân sự có yếu tố nước ngoài. Đồng thời, cho phép nhà đầu tư nước ngoài được lựa chọn giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư với các tổ chức, cá nhân khác tại tòa án nước ngoài có thẩm quyền hoặc với cơ quan nhà nước Việt Nam tại toà án nước ngoài, trọng tài nước ngoài, trọng tài quốc tế.
Về chính sách mở cửa thị trường, mở cửa lĩnh vực phân phối một số sản phẩm, không áp dụng hạn chế đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật và cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam trong khuôn khổ WTO, một số Hiệp định song phương về đầu tư và Hiệp định thương mại tư do (FTA).
Về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, Luật rà soát, rút gọn danh mục ngành, nghề đầu kinh doanh từ 243 ngành, nghề xuống 69 ngành nghề và tiếp tục rà soát giảm hơn nữa, chỉ giữ lại một số ngành thật sự đáp ứng yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội và sức khỏe của cộng đồng theo quy định tại Khoản 1, Điều 7 Luật đầu tư.
Về thủ tục về đầu tư, kinh doanh, Luật bỏ quy định trình tự, thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Nhà đầu tư chỉ thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp trên mạng. Không thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh như Luật đầu tư hiện nay. Không thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án PPP và dự án đầu tư ra nước ngoài. Đồng thời, quy định việc thực hiện các thủ tục về kinh doanh, đất đai, xây dựng, lao động… một lần tại Trung tâm hành chính công theo cơ chế “một cửa, tại chỗ” và qua hệ thống mạng online.
Đối với chính sách sở hữu nhà ở, sử dụng đất đai, Luật cho phép thời hạn sử dụng đất tối đa là 99 năm đối với đối với một số ngành, nghề ưu tiên phát triển. Cho phép tổ chức kinh tế trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được thế chấp tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài. Cho phép người nước ngoài được phép sở hữu nhà ở, bất động sản nghỉ dưỡng thông qua nhận chuyển nhượng trực tiếp từ tổ chức, cá nhân trong nước và từ các dự án bất động sản nghỉ dưỡng.
Chính sách huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội tại các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, cho phép nhà đầu tư được phép đề xuất phương thức thực hiện dự án đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội phù hợp với thông lệ quốc tế mà chưa quy định tại pháp luật hiện hành. Đồng thời, cho phép để nguồn vượt thu nội địa và tiền sử dụng đất trên địa bàn đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Thành lập Công ty phát triển kết cấu hạ tầng để chủ động trong huy động vốn và thực hiện liên doanh, hợp tác với khu vực tư nhân phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, linh hoạt theo các ngành, nghề ưu đãi đầu tư phù hợp với định hướng và lợi thế so sánh của từng khu, trong đó áp dụng ưu đãi đầu tư theo hai mức: Đối với các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư (khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới, khởi nghiệp và sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, các dự án y tế, giáo dục chất lượng cao): ưu đãi cao nhất, vượt các ưu đãi áp dụng cho các khu kinh tế, khu công nghệ cao hiện nay và cao hơn hầu hết các Đặc khu kinh tế của 13 quốc gia và vùng lãnh thổ nghiên cứu. Đối với ngành, nghề lĩnh vực còn lại, ưu đãi bằng với các khu kinh tế hiện nay.
Đồng thời, bổ sung ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp để thu hút các nhà đầu tư trong Danh sách 500 Công ty lớn nhất toàn cầu, các nhà đầu tư trong ngành, nghề ưu tiên như phát triển du lịch, y tế chất lượng cao, khoa học công nghệ đáp ứng một số điều kiện về quy mô và thời gian thực hiện dự án.
Ngoài ra, còn có chính sách bầu trời mở, cho phép các hãng hàng không quốc tế được phép vận chuyển hàng không quốc tế kết hợp nhiều điểm, trong đó có ít nhất một điểm đến tại Đặc khu để thu hút khách du lịch quốc tế.
Về Bộ máy quản lý đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, xây dựng chính quyền Đặc khu chỉ có Ủy ban hành chính (không có Hội đồng nhân dân), dưới Ủy ban hành chính là các khu hành chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước và cung cấp các dịch vụ công cho tổ chức, cá nhân tại khu hành chính. Phân cấp, phân quyền nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh và Hội đồng nhân dân đặc khu cho Ủy ban hành chính đặc khu. Ủy ban hành chính, chủ tịch Ủy ban hành chính có thẩm quyền quyết định và tự chịu trách nhiệm hầu hết trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước về đầu tư, kinh doanh, ngân sách, đấu thầu, xây dựng, lao động... tại Đặc khu. Chủ tịch Ủy ban hành chính đặc khu do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm.
Đây là mô hình rất đặc biệt, chưa quy định tại các Luật hiện hành. Theo đó, mặc dù Đặc khu thuộc tỉnh nhưng nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban hành chính và Chủ tịch Ủy ban hành chính trong nhiều lĩnh vực cao hơn cả Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Mô hình này tiệm cận với mô hình đặc thù mới nhất hiện nay của Đặc khu Tiền Hải, Đặc khu Thẩm Quyến và mô hình các đặc khu kinh tế của Hàn Quốc./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư