Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 07/09/2017-17:34:00 PM
Xây dựng đặc khu kinh tế để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá
(MPI) - Dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đang được Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Luật ban hành sẽ thể chế hóa chủ trương, quan điểm, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về xây dựng và phát triển đặc khu kinh tế đã được thông qua tại các kỳ Đại hội VIII, X, XI và XII của Đảng. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định nhiệm vụ "Xây dựng một số đặc khu kinh tế để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá".
Phối cảnh tổng thể quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Đồn.
Nguồn: quangninh.gov.vn

Mục tiêu xây dựng Luật là tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập, phát triển, quản lý và hoạt động của ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Hình thành khu vực tăng trưởng cao với phương thức quản lý mới và ổn định trong một thời gian dài; Tạo ra khu vực có môi trường sống hiện đại, xanh, sạch, an toàn; Tạo ra được giá trị mới và gia tăng cao trong một thời gian ngắn để bắt kịp với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, tăng cao thu nhập bình quân đầu người và đóng góp ngân sách nhà nước. Tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh đặc biệt thuận lợi cho khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D) các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới; Giáo dục, y tế; Dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, công nghiệp văn hóa; Phát triển ngành dịch vụ hậu cần cảng biển và sân bay; Thương mại, tài chính.

Dự án Luật bao gồm 6 Chương với 78 Điều và 4 Phụ lục, bao gồm: Chương I: Những quy định chung (gồm 7 Điều, từ Điều 1 đến Điều 7); Chương II: Quy hoạch đơn vị đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gồm 4 Điều, từ Điều 8 đến Điều 11); Chương III: Chính sách phát triển kinh tế - xã hội (gồm 27 Điều từ Điều 12 đến Điều 38); Chương IV: Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan nhà nước tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gồm 27 Điều, từ Điều 39 đến Điều 65); Chương V: Quy định đặc thù đối với các đơn vị đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc (gồm 9 Điều, từ Điều 66 đến Điều 74); Chương VI: Điều khoản thi hành (gồm 4 Điều, từ Điều 75 đến Điều 78).

Hiện tại, Việt Nam có khoảng 225 Bộ luật, luật còn hiệu lực. Trong đó, có nhiều Bộ luật, luật có liên quan tới đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt nên việc dẫn chiếu tới tất cả các Bộ luật, luật là rất khó khăn. Do vậy, để đảm bảo không có khoảng trống pháp lý đối với các vấn đề không nêu tại Luật cần xác định các nguyên tắc áp dụng Luật, bao gồm: Các quy định về quy hoạch, chính sách về kinh tế - xã hội, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan nhà nước tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được áp dụng theo Luật này. Những nội dung không quy định tại Luật này thì áp dụng quy định của pháp luật có liên quan.

Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này với quy định của các Luật có liên quan đến đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thì áp dụng quy định của Luật này, trừ trường hợp chính sách được ban hành sau thuận lợi hơn chính sách quy định của Luật này. Trường hợp Điều ước quốc tế có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam có quy định thuận lợi hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Việc quy định nguyên tắc áp dụng nêu trên tương tự như quy định tại Luật về thành phố quốc tế tự do Jeju của Hàn Quốc.

Về áp dụng pháp luật nước ngoài, dự thảo Luật tiếp cận dần với tập quán đầu tư kinh doanh và giải quyết tranh chấp theo thông lệ quốc tế được áp dụng tại khu Tiền Hải thuộc đặc khu kinh tế Thâm Quyến (Trung Quốc), Dubai (UAE). Dự thảo Luật quy định cho phép thỏa thuận lựa chọn áp dụng pháp luật nước ngoài đối với hợp đồng đầu tư, thương mại, dân sự có yếu tố nước ngoài giữa nhà đầu tư và tổ chức, cá nhân có trụ sở chính hoặc nơi cư trú tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Lựa chọn Tòa án nước ngoài có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các nhà đầu tư liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, trong đó có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài.

Về quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, kinh nghiệm quốc tế cho thấy quy hoạch đóng vai trò quan trọng tới sự thành công của đặc khu kinh tế, đảm bảo việc xây dựng và phát triển phù hợp với định hướng, mục tiêu, lợi thế so sánh của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, hạn chế tối đa sự phát triển tự phát. Các đặc khu kinh tế Thâm Quyến, Thượng Hải (Trung Quốc), Dubai (UAE) đều quy định việc tuân thủ nghiêm ngặt quy hoạch được phê duyệt.

Quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư, xây dựng chưa có quy định về quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Khoản 5 Điều 5 dự thảo Luật quy hoạch (trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV) quy định quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định. Vì vậy, dự thảo Luật quy định về nguyên tắc, nội dung, quy trình lập, điều chỉnh, trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt, công bố và thực hiện quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo hướng mỗi đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt chỉ xây dựng một quy hoạch tổng thể duy nhất trên cơ sở tích hợp các ngành, đảm bảo tính đồng bộ, chất lượng, mang tính hướng dẫn cao và tầm nhìn dài hạn. Hoạt động đầu tư kinh doanh, đầu tư xây dựng của tổ chức, cá nhân tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt phải tuân thủ và phù hợp với quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trên cơ sở so sánh 9 nhóm tiêu chí gồm: chính sách về môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kết cấu hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ đầu tư, ưu đãi đầu tư, đất đai, lao động, giải quyết tranh chấp, thu hút ngoại kiều, xuất nhập cảnh cho thấy nội dung quy định tại dự thảo Luật hầu hết có ưu đãi cao hơn, thuận lợi hơn so với các đặc khu kinh tế, khu kinh tế tự do tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Thái Lan, Xin-ga-po, Mi-an-ma. Chỉ kém ưu đãi về thuế so với các đặc khu kinh tế Dubai, Đảo British Virgin và Đảo Cayman được mệnh danh là các thiên đường thuế và có thể chế chính trị khác Việt Nam.

Dự thảo Luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Tài chính, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan khác đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Về quy định riêng đối với các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, tại Thông báo kết luận số 21-TB/TW ngày 22/3/2017, Bộ Chính trị yêu cầu trong Luật có tính đến đặc thù của từng đơn vị. Căn cứ quy mô diện tích tự nhiên, quy mô dân số, vị trí địa lý, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, đặc điểm và điều kiện tự nhiên, tiềm năng, lợi thế so sánh và điều kiện khác của ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, dự thảo Luật quy định cụ thể về mục tiêu phát triển, ngành nghề trọng tâm ưu tiên phát triển, một số chính sách ưu đãi về kinh tế - xã hội nhằm đạt được mục tiêu phát triển đề ra và không cạnh tranh trực tiếp lẫn nhau. Ngành, nghề ưu tiên phát triển cho ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được xác định dựa trên cơ sở đánh giá định tính tiềm năng, lợi thế của từng khu vực và đánh giá định lượng với sự phối hợp của tư vấn nước ngoài. Các chính sách ưu đãi đầu tư được thiết kế tương ứng ưu đãi cho các ngành, nghề đặc thù.

Theo Dự thảo, Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn sẽ tập trung phát triển các nhóm ngành, nghề quy định tại Phụ lục 2 bao gồm: công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao; Du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, công nghiệp văn hóa; Dịch vụ hàng không và hậu cần hàng không; Dịch vụ thương mại và mua sắm.

Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong sẽ tập trung phát triển các nhóm ngành, nghề quy định tại Phụ lục 3 của dự thảo Luật bao gồm: công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chính xác; Cảng biển hàng hóa và hành khách quốc tế; Dịch vụ hậu cần cảng biển; Thương mại - tài chính.

Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc sẽ tập trung phát triển 3 nhóm ngành, nghề quy định tại Phụ lục 4 của dự thảo Luật bao gồm: du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái; Hội nghị, triển lãm quốc tế, dịch vụ thương mại và mua sắm; Dịch vụ quản lý tài sản; Dịch vụ y tế.

Dự thảo Luật đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin ý kiến rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử của Bộ./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1819
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)