(MPI) - Nhằm tạo diễn đàn để trao đổi kinh nghiệm trong triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững (PTBV) cũng như thúc đẩy hợp tác liên vùng, tìm kiếm các cơ chế tài chính cho việc thực hiện các mục tiêu PTBV, trong hai ngày 06 - 07/9/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Quỹ Á - Âu và Quỹ Hanns Seidel tổ chức Hội nghị Á - Âu về tài chính cho các Mục tiêu PTBV “Không còn kịch bản kinh doanh thông thường”.
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Minh Trang (MPI)
|
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quỹ Hanns Seidel Ursula Mannle cho rằng, các tổ chức phi chính phủ quốc tế ngày càng đóng vai trò tích cực, cầu nối để các bên liên quan hiểu rõ nhau hơn, chia sẻ kinh nghiệm cấp toàn cầu. Bà Ursula Mannle cho biết, Quỹ Hanns Seidel đã tổ chức các khóa đào tạo, tư vấn, đồng thời hợp tác chặt chẽ với Quỹ Á - Âu để đào tạo nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Để thực hiện thành công các Mục tiêu PTBV, các chính phủ cần huy động nguồn lực tài chính hiệu quả, có sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân và sự hợp tác chặt chẽ giữa khu vực Á - Âu để biến những thách thức thành cơ hội.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, sau hơn hai năm Chương trình Nghị sự 2030 vì sự PTBV được thông qua, thế giới đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các Mục tiêu PTBV. Tuy nhiên, Báo cáo về các mục tiêu PTBV năm 2017 của Liên hiệp quốc tại Diễn đàn chính trị cấp cao về PTBV diễn ra trong tháng 7/2017, tại New York cho thấy, mức độ tiến bộ của một số mục tiêu còn xa so với mức độ cần thiết để đạt được các mục tiêu vào năm 2030. Do vậy, trong thời gian tới, việc tăng cường huy động nguồn lực của các bên liên quan, đặc biệt từ khu vực tư nhân sẽ đóng vai trò rất quan trọng nhằm đảm bảo nguồn lực tài chính và phi tài chính cho việc thực hiện các Mục tiêu PTBV của các quốc gia trong Khu vực Á - Âu. Để đạt được các mục tiêu PTBV, việc tăng cường hợp tác toàn cầu, thúc đẩy quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực cũng có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm huy động, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, công nghệ và tài chính cho việc thực hiện các mục tiêu PTBV.
|
Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Minh Trang (MPI)
|
Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam luôn coi PTBV là mục tiêu xuyên suốt của chiến lược phát triển đất nước. Việt Nam đã tích cực triển khai thực hiện Chương trình Nghị sự 21 về PTBV của Liên hiệp quốc thông qua việc ban hành Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam và Chiến lược PTBV của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. Việt Nam cũng được đánh giá là một trong các quốc gia thành công trong việc thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ (MDG) và các thành tựu nổi bật trong thực hiện MDG đã tạo ra các thay đổi cho cuộc sống người dân.
Tháng 5/2017, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự PTBV. Đây là căn cứ pháp lý để Việt Nam thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế, đóng góp có trách nhiệm vào nỗ lực chung của toàn cầu về PTBV. Kế hoạch hành động của Việt Nam nhấn mạnh vai trò của tất cả các bên liên quan từ các Bộ, ngành địa phương đến các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế, khu vực doanh nghiệp tư nhân trong việc đóng góp tiếng nói và hành động vào việc thực hiện các mục tiêu PTBV của Việt Nam đến năm 2030.
Trong thời gian tới, để triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia, Việt Nam sẽ tập trung vào việc hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách nhằm đảm bảo khung pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện kế hoạch hành động và các mục tiêu PTBV của Việt Nam. Đồng thời, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về PTBV, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao và huy động các nguồn tài chính trong và ngoài nước để thực hiện các mục tiêu PTBV.
Việt Nam hiện đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, do vậy nguồn vốn ODA cho Việt Nam đang giảm mạnh, để đạt được 17 mục tiêu PTBV, cần huy động nguồn lực tài chính và sự tham gia của tất cả các bên liên quan. Tăng cường hợp tác quốc tế có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Việt Nam trong thời gian tới. Chính phủ Việt Nam sẽ phải bảo đảm huy động được các nguồn lực trong nước thông qua các kênh đầu tư công, cũng như đầu tư khu vực tư nhân. Để huy động nguồn lực của khu vực tư nhân, Chính phủ Việt Nam cần xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích, huy động sự tham gia của khu vực này.
Việt Nam tin rằng, với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ thực hiện thành công các mục tiêu PTBV, đặc biệt là các mục tiêu liên quan đến giảm bất bình đẳng về thu nhập và điều kiện sống, tạo việc làm, y tế, giáo dục, phát triển kinh tế và đảm bảo môi trường bền vững,…
Trong hai ngày làm việc, Hội nghị thảo luận về các vấn đề: Làm thế nào để tài chính toàn cầu cho PTBV là động lực để thúc đẩy quá trình thực hiện mục tiêu PTBV; Không còn kịch bản kinh doanh thông thường - Các sáng kiến đóng góp vai trò quan trọng đối với việc triển khai Chương trình Nghị sự 2030; Tọa đàm về vai trò của các đối tác trong triển khai mục tiêu PTBV; Tăng trưởng các bon thấp - biến đổi khí hậu thay đổi cách thức vận hành của doanh nghiệp như thế nào?; Tài chính khí hậu cấp quốc gia; Tọa đàm về năng lượng tái tạo - Động cơ tăng trưởng và Quản lý năng lượng bền vững - Công cụ giảm phát thải các bon./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư