(MPI) – Ngày 18/9/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về quy trình xây dựng Rà soát quốc gia tự nguyện (VNR) với sự tham dự của các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, các tổ chức quốc tế, chuyên gia, nhà tư vấn…
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Trang (MPI)
|
Ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 622/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bên liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch hành động, trong đó có nhiệm vụ xây dựng báo cáo VNR. Đây là báo cáo tiến độ của một quốc gia cho các đồng nghiệp và các bên liên quan khác ở cấp độ toàn cầu trong việc thực hiện Chương trình 2030.
Tại Hội thảo, các chuyên gia quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra tổng quan quá trình xây dựng, các bước yêu cầu và chuẩn bị cho báo cáo VNR và mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Trong đó nhấn mạnh việc xây dựng cơ chế phối hợp thực hiện Chương trình nghị sự 2030, bảo đảm sự gắn kết giữa các Bộ, ngành, cơ quan Chính phủ và các bên liên quan; Sử dụng hệ thống thống kê quốc gia để thu thập dữ liệu liên Bộ, ngành, đánh giá tính khả dụng số liệu, xây dựng chỉ tiêu SDGs quốc gia, cung cấp dữ liệu đầu vào cho báo cáo VNR và SDG; Cam kết của các bên liên quan là yếu tố quan trọng trong suốt quá trình xây dựng, tổng hợp, dự thảo và theo dõi cả hai báo cáo.
Đại diện của Liên hợp quốc khuyến nghị Việt Nam tuân thủ các nguyên tắc tự nguyện của Liên hợp quốc để xác định nội dung cho VNR, bao gồm việc phản ánh về từng SDG, phân tích, tổng hợp về cách thức tập hợp các mục tiêu tác động đến chủ đề xã hội bền vững; Sử dụng các quy trình chuẩn bị của VNR và SDGR nhằm tăng cường sự gắn kết chính sách và tham gia dài hạn. VNR nên hướng tới đối tượng quốc tế, còn SDGR chủ yếu sử dụng trong nước, do đó VNR nên nhấn mạnh đến các chính sách và chương trình, bao gồm các dữ liệu và phân tích ở cấp địa phương. Tập trung vào mục tiêu “Không ai bị bỏ lại phía sau” và xem xét các chính sách, chương trình và ngân sách nhằm giải quyết trước các vấn đềdài hạn. Ngoài việc báo cáo tiến độ, VNR nên tập trung phân tích và chia sẻ bài học kinh nghiệm và cung cấp thông tin có thể hỗ trợ các nước khác trong việc chuẩn bị một VNR và thực hiện Chương trình nghị sự 2030.
|
Bà Nguyễn Lệ Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường chủ trì
Hội thảo. Ảnh: Minh Trang (MPI)
|
Phát biểu tại Hội thảo, đại diện Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường nhấn mạnh, báo cáo VNR của Việt Nam cần sự tham gia của tất cả các Bộ, ngành, các bên liên quan, các tổ chức xã hội trong nước và quốc tế nhằm hướng tới các nhóm yếu thế để đảm bảo “không ai bị bỏ lại phía sau”. Tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra những ý kiến góp ý cho quá trình xây dựng VNR, đáp ứng các yêu cầu, quy chuẩn của Liên hợp quốc.
Trong tháng 9/2017 sẽ diễn ra hội thảo khởi động việc xây dựng quy trình VNR nhằm nâng cao nhận thức về VNR cũng như thảo luận về quy trình VNR ở Việt Nam, đồng thời huy động các bên liên quan tham gia và đóng góp vào quá trình này. Sau đó nhóm công tác liên ngành sẽ được thành lập với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội đại diện của các hội khoa học kỹ thuật, các tổ chức phi chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì, phối hợp tổng hợp và xây dựng báo cáo VNR, đồng thời huy động các nguồn lực cũng như sự tham gia từ các tổ chức quốc tế, đưa ra các rà soát, báo cáo độc lập. Dự thảo VNR lần 1 dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối tháng 12/2017, tiếp sau đó là các hội thảo tham vấn xây dựng và hoàn thiện báo cáo. VNR sẽ được trình bày tại Việt Nam vào khoảng tháng 3-4/2018 và trình bày tại Diễn đàn chính trị cao cấp của Liên hợp quốc vào tháng 7/2018./.
Nguyễn Hương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư