Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 19/09/2017-17:50:00 PM
Làm sâu sắc và mở rộng lợi ích các hành lang kinh tế thông qua hợp tác giữa các ngành (Xem tin ảnh)
(MPI) - Trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác Kinh tế Tiểu vùng Mê-kông Mở rộng (GMS) do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ, ngày 19/9/2017, Diễn đàn các hành lang kinh tế lần thứ 9 (ECF - 9) diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Làm sâu sắc và mở rộng lợi ích các hành lang kinh tế thông qua hợp tác giữa các ngành”.

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Souphanh Keomixay và Giám đốc phụ trách Đông Nam Á củangân hàngADB Ramesh Subramaniam, 6 nước thành viên bao gồm Campuchia, Lào, Mi-an-ma, Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc đã thảo luận nhiều nội dung lớn liên quan đến việc mở rộng lợi ích các hành langkinh tế.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Souphanh Keomixay cho biết, thời gian qua GMS đã ghi nhận nhiều tiến bộ trong việc phát triển các hành lang kinh tế, nhiều sáng kiến quan trọng đã được triển khai đem lại lợi ích cho các quốc gia thành viên. Giờ đây, các quốc gia trong khu vực GMS cần hướng đến phát triển các hành lang kinh tế nhỏ hơn, đi vào sự hợp tác sâu rộng hơn trên nhiều lĩnh vực.

Mục tiêu Khung chiến lược của GMS là thúc đẩy hoạt động thương mại xuyên biên giới, thúc đẩy đầu tư. Đây là mục tiêu của mỗi quốc gia thành viên nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế trong nước, tăng sức cạnh tranh của các nước trong khu vực, giúp tối ưu hóa tiềm năng của khu vực. Diễn đàn lần này sẽ mở ra giai đoạn mới trong hợp tác phát triển GMS. Các vấn đề được thảo luận tại Diễn đàn sẽ giúp gia tăng tính kết nối giữa các quốc gia trong khu vực.

Bộ trưởng Souphanh Keomixay cho rằng, các quốc gia trong GMS cần tăng cường kết nối giao thông, huy động nguồn lực tư nhân, đầu tư theo mô hình đối tác công - tư vào phát triển cơ sở hạ tầng. tăng cườngkết nối địa phương để tạo cực tăng trưởng bao trùm và các nội dung trên sẽ được trao đổi qua các phiên thảo luận tại Diễn đàn.

Phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn, các nước thành viên Campuchia, Trung Quốc, Mi-an-ma, Thái Lan cũng bày tỏ sẵn sàng hợp tác nhằm thúc đẩy mở rộng hơn nữa tiềm năng kinh tế, đặc biệt liên quan đến kết nối giao thông, kết nối đặc khu công nghiệp. Các thành viên GMS sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ để đưa khu vực phát triển năng động vì sự thịnh vượng chung của người dân trong khu vực. Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực thể chế để giải quyết tranh chấp từ đó biến hành lang kinh tế thành khu vực phát triển thịnh vượng hơn, học hỏi kinh nghiệm để vượt qua thách thức.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Đặng Huy Đông phát biểu tại Diễn đàn.
Ảnh: Đức Trung (MPI)

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Đặng Huy Đông cho biết, trong thời gian qua các nước thành viên GMS đã triển khai mạnh mẽ các chương trình GMS, áp dụng các sáng kiến và đạt kết quả cao. ECF - 9 là cơ hội để xây dựng một diễn đàn hiệu quả, điều phối nỗ lực thúc đẩy phát triển các hành lang kinh tế GMS. Đồng thời, giúp các nước thành viên tối ưu hóa tiềm năng của khu vực để gia tăng lợi ích kinh tế thông qua các hoạt động hợp tác, tạo công ăn việc làm lâu dài cho người dân sống tại khu vực GMS.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng, các nước trong GMS đang thiếu bộ chỉ số đánh giá tin cậy để giám sát, đánh giá hoạt động của hành lang, do vậy các thành viên cần sớm thảo luận để xây dựng một bộ chỉ số đánh giá cơ sở.

Theo Giám đốc Ông Ramesh Subramaniam, trong nhiều năm trở lại đây, các nước thành viên GMS đã đạt được nhiều tiến bộ quan trọng trong việc phát triển hành lang kinh tế. Đặc biệt, những tuyến giao thông đã gần được hoàn thiện và mở rộng một số hành lang kinh tế nhằm kết nối tất cả thủ đô, những trung tâm phát triển lớn, những cửa khẩu, đường biển.

Theo đó, sự phát triển của hành lang kinh tế GMS đóng vai trò quan trọng đối với 6 quốc gia thành viên, giúp các nước thúc đẩy hoạt động thương mại hạ tầng, du lịch trong khu vực địa lý cụ thể này. ECF - 9 thể hiện cam kết cũng như nỗ lực của các thành GMS, thúc đẩy hoạt động về giao thông, thuận lợi về hàng hóa, hoạt động thương mại xuyên biên giới, đầu tư và phát triển doanh nghiệp.

Trong 7 phiên tại Diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận về việc tăng cường mở rộng kết nối dọc các hành lang kinh tế GMS, trong đó tập trung vào vấn đề kết nối giao thông, đặc biệt là mạng lưới đường sắt kết nối các đô thị lớn, các trung tâm kinh tế của các quốc gia trong khu vực một cách xuyên suốt; Thúc đẩy công tác lập kế hoạch mua bán, điều phối và phát triển bền vững môi trường lĩnh vực điện năng khu vực; Huy động khu vực tư nhân vào phát triển cơ sở hạ tầng trong GMS; Phát triển các địa phương dọc hành lang kinh tế; Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử khu vực; Thúc đẩy chuỗi giá trị nông nghiệp thân thiện với môi trường trong GMS và thuận lợi hóa thương mại theo các hành lang kinh tế ở các tiểu vùng GMS…

Chủ tọa Diễn đàn chụp ảnh lưu niệm với các Trưởng đoàn. Ảnh: Đức Trung (MPI)

GMS là một khu vực kinh tế tự nhiên được gắn kết với nhau bởi dòng sông Mê-kông, có diện tích 2,6 triệu km2 và tổng dân số là 333,8 triệu người. Chương trình GMS với sự hỗ trợ của ADB và các đối tác phát triển khác, giúp xác định và triển khai các dự án có ưu tiên cao của tiểu vùng trong một loạt các lĩnh vực cũng như hiện thực hóa tầm nhìn trở thành một tiểu vùng thịnh vượng, hội nhập và hài hòa. Chương trình GMS đã thông qua một chiến lược gồm ba trụ cột: Nâng cao khả năng kết nối qua phát triển bền vững hạ tầng vật chất và chuyển đổi các hành lang giao thông thành các hành lang kinh tế xuyên quốc gia; Cải thiện năng lực cạnh tranh qua hỗ trợ hiệu quả vận tải hành khách và hàng hóa xuyên biên giới, hội nhập thị trường, các quy trình sản xuất, các chuỗi giá trị; Nâng cao ý thức cộng đồng qua các chương trình và dự án nhằm giải quyết những quan ngại chung về xã hội và môi trường./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 3168
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)