(MPI) – Ngày 27-28/9/2017, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã họp phiên toàn thể lần thứ 8 để tiếp tục góp ý, chỉnh lý, làm cơ sở xây dựng báo cáo thẩm tra chính thức về dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (HCKTĐB). Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, chủ trì phiên họp.
|
Phiên họp toàn thể Ủy ban pháp luật của Quốc hội lần thứ 8. Ảnh: MPI
|
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho biết, trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp lần thứ 14, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Công văn số 7702/BKHĐT-QLKKT ngày 21/9/2017 báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 7703/BKHĐT-QLKKT ngày 21/9/2017 gửi Ủy ban Pháp luật về dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật.
Luật được xây dựng để cụ thể hóa Hiến pháp về đơn vị HCKTĐB áp dụng tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đã được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương thành lập tại Thông báo kết luận số 21-TB/TW ngày 22/3/2017. Luật hóa chủ trương, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về đặc khu kinh tế tại các Đại hội VIII, IX và XII của Đảng. Đặc biệt gần đây, Nghị quyết Trung ương 5 Khóa XII của Đảng đã xác định "xây dựng một số đơn vị HCKTĐB với thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị".
Nhìn ra thế giới, từ năm 1942, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã xây dựng và phát triển khá thành công mô hình "Đặc khu" với các tên gọi khác nhau như: Khu thương mại tự do, Đặc khu kinh tế, Đặc khu hành chính, Thành phố tự do,... Các "Đặc khu" này đã và đang trở thành đầu tàu phát triển, có tính lan tỏa, có sức hút đầu tư lớn và hiện đang được các nước tiếp tục hoàn thiện ở trình độ cao hơn để cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế sâu rộng. Số lượng các Đặc khu tăng nhanh qua từng thời kỳ và tới năm 2016 đã có khoảng 4.500 Đặc khu tại 140 quốc gia. Ở châu Á, từ cuối những năm 1960, các mô hình Đặc khu đã được phát triển mạnh ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Xin-ga-po, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Nhật Bản, In-đô-nê-xi-a, Đài Loan, Ma-lai-xi-a. Nhiều Đặc khu đã có những thành công vượt trội như ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Tuy nhiên, cũng có một số Đặc khu ở Ấn Độ, Parkistan, một số quốc gia ở châu Phi phát triển không thành công.
Các yếu tố dẫn đến thành công của các Đặc khu gồm: (1) có Luật điều chỉnh riêng cho Đặc khu; (2) có môi trường đầu tư kinh doanh, chính sách ưu đãi cạnh tranh quốc tế và được phép thử nghiệm thể chế, chính sách mới; (3) có vị trí địa kinh tế chiến lược; (4) chiến lược phát triển ngành, nghề rõ ràng; (5) có sự hỗ trợ đầu tư ban đầu của Nhà nước; (6) bộ máy quản lý hành chính tinh gọn và hiệu lực, hiệu quả.
Các yếu tố dẫn đến sự không thành công của một số Đặc khu gồm: (1) vị trí không thuận lợi dẫn đến các chi phí đầu tư lớn; (2) chính sách ưu đãi thiếu tính cạnh tranh quốc tế; (3) chính sách lao động cứng nhắc; (4) kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư; (5) giá thuê và các dịch vụ bao cấp; (6) mô hình quản lý và tổ chức bộ máy cồng kềnh, kém hiệu lực, hiệu quả.
Dự thảo Luật có kết cấu gồm 6 Chương với 92 Điều và 4 Phụ lục quy định chính sách đặc biệt về kinh tế - xã hội, tổ chức chính quyền địa phương, Tòa án, Viện Kiểm sát và cơ quan nhà nước khác tại đơn vị HCKTĐB với một số nội dung chính về: Chính sách phát triển kinh tế - xã hội; Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước khác tại đơn vị HCKTĐB; Quy định riêng đối với 3 Đặc khu.
Về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật dự kiến quy định 02 phương án tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở đơn vị HCKTĐB. Trong đó, phương án 1: Tổ chức chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB gồm Trưởng đơn vị HCKTĐB và Hội đồng đơn vị HCKTĐB. Phương án 2: Tổ chức một cấp chính quyền địa phương ở đơn vị HCKTĐB.
Về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân, Tòa án nhân dân đơn vị HCKTĐB có cơ cấu tổ chức tương đương với Tòa án nhân dân cấp huyện, có thể bổ sung các Tòa chuyên trách gồm: Tòa kinh tế, Tòa Lao động, Tòa hành chính so với Tòa án nhân dân cấp huyện, đồng thời có thể có các Tòa chuyên trách khác. Tòa án nhân dân đơn vị HCKTĐB có thẩm quyền tương đương với Tòa án nhân dân cấp huyện trong việc xử lý các vụ việc, vụ án tại địa bàn đơn vị HCKTĐB; Đồng thời được bổ sung hầu hết thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh đối với các vụ việc, vụ án đặc thù (bao gồm cả các vụ án, vụ việc có yếu tố nước ngoài).
Căn cứ vào tính chất của Đặc khu, dự thảo Luật quy định tổ chức và hoạt động của các cơ quan công an, quân đội và các cơ quan trung ương được tổ chức theo ngành dọc trên địa bàn đặc khu bao gồm: Ban Chỉ huy Quân sự, Công an Đặc khu, cơ quan Tài chính, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm xã hội theo hướng tinh gọn, có đủ thẩm quyền để giải quyết nhanh các yêu cầu của người dân và doanh nghiệp đồng thời đảm bảo quốc phòng, an ninh tại Đặc khu.
Về quy định riêng đối với 3 Đặc khu, trên cơ sở đánh giá định tính và định lượng, dự thảo Luật quy định mục tiêu phát triển, ngành nghề ưu tiên phát triển và một số chính sách ưu đãi từng đơn vị HCKTĐB. Các ngành, nghề ưu tiên phát triển của từng Đơn vị. Trong đó, Vân Đồn phát triển các ngành công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao; Du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, công nghiệp văn hóa; Dịch vụ hàng không và hậu cần hàng không; Dịch vụ thương mại và mua sắm. Bắc Vân Phong phát triển các ngành công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chính xác; Cảng biển hàng hóa và hành khách quốc tế; Dịch vụ hậu cần cảng biển; Thương mại - tài chính. Phú Quốc phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái; Hội nghị, triển lãm quốc tế, dịch vụ thương mại và mua sắm; Dịch vụ quản lý tài sản; Dịch vụ y tế.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội Nguyễn Minh Sơn cho rằng, tại Tờ trình của Chính phủ về giải quyết các vấn đề về dân cư khi thành lập 03 đặc khu nên thể hiện rõ kinh nghiệm quốc tế về cách thức giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, dân cư khi xây dựng các đặc khu.
Về mô hình tổ chức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội Nguyễn Minh Sơn tán thành phương án 1. Theo ông Nguyễn Minh Sơn, một số ý kiến cho rằng trái với Hiến pháp là không đúng. Chương 9 Hiến pháp quy định có độ mở để tạo không gian cho cải cách bộ máy chính quyền địa phương khi cần thiết, do đó quy định này phù hợp với Hiến pháp. Tuy nhiên, thiết kế hội đồng đặc khu với chức năng nhiệm vụ quyền hạn còn rất yếu trong khi giao rất nhiều thẩm quyền cho trưởng đặc khu. Sợ khi thực hiện thì “củi tươi” sẽ cháy ngay do thẩm quyền lớn mà không có giám sát về quyền lực. Do đó nên thiết kế lại hội đồng này.
Về số vốn đầu tư của nhà đầu tư chiến lược quy định trong dự thảo Luật là chưa đủ, cần bổ sung thêm một số điều kiện, tiêu chí cụ thể liên quan đến yếu tố công nghệ, quản lý… cần làm rõ các vấn đề liên quan đến quan hệ của các ngành dọc về thuế, kho bạc và giải thích rõ số vốn ngân sách và các quy định ưu đãi về phát triển sân bay ở Vân Đồn…
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Bộ Nội vụ đang phối hợp với 03 tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang để hoàn thiện các Đề án thành lập đặc khu. Các đề án cơ bản đã hoàn thành, tuy nhiên còn vướng mắc liên quan đến phương án sắp xếp cán bộ công chức cũng như các vấn đề an sinh xã hội, chuyển đổi cơ cấu phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn. Đồng thời thực hiện đánh giá tác động và kế hoạch triển khai khi Quốc hội cho phép thành lập đơn vị HCKTĐB.
Chính phủ đã thành lập Hội đồng thẩm định 03 Đề án, trong đó Phó Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch hội đồng. Bộ Nội vụ sẽ tham mưu và hướng dẫn đồng thời 03 địa phương hoàn thành các Đề án để kịp trình Quốc hội.
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Nguyễn Khắc Định đánh giá cao tinh thần làm việc khẩn trưởng, ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu với mong muốn sớm thông qua Luật hết sức đặc thù này. Đồng thời nhấn mạnh, thông qua các báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Thường trực Ủy ban pháp luật, đề án Dự án Luật đã được Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành phối hợp với địa phương và cơ quan của Đảng và Quốc hội chuẩn bị nhiêm túc với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm cao. Cơ quan chủ trì soạn thảo đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị lấy ý kiến, đồng thời tiến hành khảo sát trong nước và nước ngoài, nghiên cứu nhiều tài liệu mô hình trên thế giới và Việt Nam để xây dựng dự án Luật.
Các ý kiến đều đánh giá cao trách nhiệm của Ban soạn thảo, trách nhiệm của địa phương, các cơ quan của Trung ương, Đảng, Quốc hội trong việc phối hợp với cơ quan soạn thảo để xây dựng Luật này. Các ý kiến đều thống nhất cần thiết ban hành Luật và mong muốn Luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội. Đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan liên quan phối hợp với 03 địa phương khẩn trương hoàn thiện Dự án Luật kèm theo 03 đề án tổng thể, trong đó phân tích rõ các vấn đề liên quan để Quốc hội có cơ sở xem xét.
Trước đó, ngày 26/9/2017, tại Nha Trang, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị lấy ý kiến và tiếp xúc cử tri chuyên đề về Dự án Luật đơn vị HCKTĐB./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư