Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 22/09/2017-14:14:00 PM
Nâng cao hiệu quả của các Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
(MPI) – Ngày 21/9/2017, tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả của các Quỹ bảo lãnh tín dụng (BLTD) cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV)” dưới sự chủ trì của bà Mai Thị Thu, Giám đốc NCIF. Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học, nghiên cứu viên, các nhà hoạch định chính sách và các cơ quan thông tấn, báo chí.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Mai Phương (MPI)

Tại Hội thảo, trình bày Báo cáo “Nâng cao hiệu quả của các Quỹ BLTD cho DNNVV”, Trưởng Ban Phân tích và Dự báo, NCIF Đặng Đức Anh cho biết, việc nghiên cứu này nhằm đưa ra những kinh nghiệm quốc tế và kinh nghiệm ở địa phương để nâng cao hiệu quả các Quỹ BLTD cho DNNVV. Đồng thời, xác định những nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động của các Quỹ BLTD cho DNNVV và xác định những khó khăn khi tiếp cận các Quỹ của DNNVV.

Theo Luật Hỗ trợ DNNVV, DNNVV được cấp BLTD tại Quỹ BLTD cho DNNVV theo quy định. Việc BLTD cho DNNVV dựa trên tài sản bảo đảm hoặc phương án sản xuất, kinh doanh khả thi hoặc xếp hạng tín nhiệm của DNNVV. Bên cạnh đó, Quỹ BLTD cho DNNVV là cầu nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp.

Theo kinh nghiệm quốc tế, các mô hình bảo lãnh gồm: mô hình tổ chức BLTD cho DNNVV được sở hữu và quản lý của chính phủ, mô hình tổ chức BLTD cho DNNVV công - tư với cổ phần nhà nước chi phối và mô hình tổ chức BLTD cho DNNVV tư nhân là cơ chế bảo lãnh tương trợ.

Về điều kiện BLTD có thể áp dụng linh hoạt tùy theo ngành. Tỷ lệ bảo lãnh dao động từ 20 - 100% khoản vay tùy theo quy mô vốn vay. Mức trần bảo lãnh được áp dụng tùy theo đối tượng và các loại bảo lãnh khác nhau (như doanh nghiệp có tài sản thế chấp hay không có tài sản thế chấp, bảo lãnh vay vốn hay bảo lãnh trái phiếu…)

Về mức phí bảo lãnh, có thể được áp dụng tùy theo quy mô khoản vay được bảo lãnh hoặc theo tình hình tài chính của doanh nghiệp.

BLTD kết hợp với cung cấp dịch vụ trong đó, hỗ trợ chuẩn bị báo cáo tài chính kế toán, cung cấp thông tin về thị trường tài chính; Hỗ trợ tư vấn, đào tạo xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ bảo lãnh đối với các giao dịch quốc tế.

Tính đến ngày 30/6/2016, cả nước có 27 quỹ BLTD với tổng số vốn điều lệ thực có của các quỹ ước khoảng 1.462 tỷ đồng, trong đó vốn NSNN cấp là 1.318,4 tỷ đồng, vốn góp của các tổ chức cá nhân theo quy định là 143,6 tỷ đồng. Lũy kế doanh số bảo lãnh của các quỹ BLTD từ năm 2002 đến 30/6/2016 ước khoảng trên 4.161 tỷ đồng. Tổng số tiền các quỹ BLTD đã phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho DNNVV ước khoảng 361 tỷ đồng. Quỹ đã tạo điều kiện cho các DNNVV tiếp cận nguồn vốn vay của các tài chính tín dụng, có vốn duy trì, mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các quỹ BLTD cho DNNVV cũng như hoạt động bảo lãnh của Ngân hàng phát triển chưa được đánh giá cao do nguồn vốn của quỹ còn ở quy mô nhỏ, chưa thực sự hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp, cán bộ quỹ còn thiếu kinh nghiệm quản lý và kinh nghiệm thực hiện nghiệp vụ BLTD.

Tại Hội thảo, các đại biểu đưa ra những ý kiến góp ý trong việc nâng cao hiệu quả của các Quỹ BLTD cho DNNVV. Đồng thời, đề xuất kiến nghị về mô hình, điều kiện, quản lý, cơ chế tăng cường phối hợp giữa các Quỹ BLTD và Ngân hàng thương mại./.

Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2115
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)