Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 28/09/2017-09:10:00 AM
Huy động điều phối nguồn lực cho phát triển vùng ĐBSCL

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI
(MPI) – Trong khuôn khổ Hội nghị về phát triển bền vững Vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu diễn ra từ ngày 26-27/9/2017, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì hai phiên thảo luận chuyên đề về “Quy hoạch tổng thể theo hướng tích hợp Vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH” và “Cơ chế huy động, phân bổ, quản lý để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực cho phát triển Vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH”.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, về công tác quy hoạch, hiện nay có trên 2.500 quy hoạch được lập cho Vùng ĐBSCL. Riêng quy hoạch cấp vùng hiện có tới 22 bản quy hoạch và được lập theo các phạm vi không gian khác nhau. Việc lập riêng rẽ nhiều quy hoạch đang thiếu liên kết, thiếu tầm nhìn, chất lượng quy hoạch kém đang gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế - xã hội, gây lãng phí cơ hội, lãng phí nguồn lực của đất nước.

Do vậy, để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của Vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH đòi hỏi phải xử lý các vấn đề một cách tổng thể dựa trên bản quy hoạch vùng theo hướng tích hợp, với những quan điểm tôn trọng sự vận hành tự nhiên của hệ sinh thái và chủ động thích ứng với BĐKH, thay thế cho quan điểm ứng phó, chống chọi, can thiệp sâu vào quy luật tự nhiên, làm huỷ hoại môi trường và hệ sinh thái; Tổ chức, sắp xếp lại không gian phát triển Vùng theo hướng hiệu quả, bền vững, điều chỉnh hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn phù hợp; Xác định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo, làm cơ sở để phát triển các lĩnh vực công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ…; Thay đổi tư duy về sản xuất nông nghiệp đảm bảo canh tác bền vững, chú trọng giá trị kinh tế thay cho sản lượng. Bên cạnh đó phải đảm bảo phát triển hài hòa giữa ba trụ cột kinh tế-xã hội-môi trường theo hướng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cuộc sống người dân;…

Về huy động, phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn lực cho phát triển Vùng ĐBSCL, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, ngân sách nhà nước đã dự kiến phân bổ cho các dự án đầu tư phục vụ cho các mục tiêu ứng phó với BĐKH của vùng ĐBSCL là khoảng 90,8 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, nhu cầu tối thiểu cho Vùng để khắc phục các thiệt hại gây ra bởi BĐKH và nâng cao khả năng chống chịu đối với các tác động cực đoan của BĐKH trong giai đoạn này là 105 nghìn tỷ đồng, chưa tính đến nhu cầu đầu tư khoảng 43 nghìn tỷ cho các dự án thủy lợi, cấp nước, xử lý nước thải được xác định là “không hối tiếc” theo Kế hoạch Châu thổ (MDP).

Để huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực cho ứng phó với BĐKH, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần xác định nguồn lực để phát triển bao gồm tài nguyên thiên nhiên, con người và nguồn lực tài chính. Huy động nguồn lực trước tiên phải xuất phát từ chính nội tại Vùng ĐBSCL thông qua việc tái cơ cấu các ngành kinh tế, nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp đặc thù của Vùng và thu hút đầu tư tư nhân trong và ngoài nước.

Nguồn lực không chỉ từ ngân sách nhà nước mà còn phải có sự tham gia của khu vực tư nhân. Nhà nước không đầu tư vào các lĩnh vực, dự án mà tư nhân có thể tham gia (năng lượng, giao thông, thủy lợi nhỏ, cấp nước, xử lý rác thải…). Đồng thời, huy động nguồn vốn nước ngoài gồm vay ưu đãi và không hoàn lại để đầu tư các công trình liên quan đến BĐKH, hỗ trợ kỹ thuật cho các giải pháp phi công trình, nâng cao năng lực… Ưu tiên thỏa đáng từ nguồn ngân sách Trung ương cho các công trình quan trọng, cấp bách ứng phó BĐKH.

Xây dựng cơ chế thu hút đầu tư tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực ứng phó với BĐKH; Nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách môi trường đầu tư để thu hút đầu tư vào khu vực, kết hợp huy động nguồn lực bên ngoài với nguồn lực tại chỗ... Xây dựng chương trình mục tiêu phát triển hạ tầng ĐBSCL trên cơ sở quy hoạch tích hợp; Tăng mức hỗ trợ cho vùng để đầu tư cho các dự án ưu tiên; Nghiên cứu cơ chế đặc thù để thu hút các dự án ODA...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ bày tỏ lạc quan vào tương lai của vùng ĐBSCL, với quyết tâm biến thách thức thành thời cơ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần tìm ra lối đi, cách làm tốt nhất, khoa học nhất, phù hợp nhất, trong đó đổi mới tư duy, hành động của hệ thống chính trị và người dân nhằm mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân và đưa khu vực ĐBSCL trở thành khu vực giàu có của Việt Nam.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra các quan điểm phát triển của khu vực ĐBSCL theo hướng: Kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng trên cơ sở chủ động thích ứng, chuyển hóa được những thách thức, biến thách thức thành cơ hội, bảo đảm được cuộc sống ổn định và khá giả của người dân cũng như bảo tồn được những giá trị truyền thống văn hóa của vùng. Thay đổi tư duy phát triển, chú trọng công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp…

Thủ tướng Chính phủ cho biết, hiện nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương cho ĐBSCL khoảng 20%; Thời gian tới WB sẽ hỗ trợ cho vay khoảng 300 triệu USD, cộng với các nguồn khác khoảng 1 tỷ USD để đầu tư các công trình ứng phó BĐKH, chống ngập mặn trong vùng...

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về định hình chiến lược phát triển bền vững, nhận diện thách thức, cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho Vùng ĐBSCL; Quy hoạch tích hợp, phát triển hạ tầng và cơ chế điều phối vùng; Phát triển nông nghiệp bền vững, hạ tầng thủy lợi, chủ động phòng chống thiên tai, sạt lở; Nhu cầu, cách thức huy động và điều phối nguồn lực nhằm xác định các nhóm giải pháp chiến lược về chuyển đổi có quy mô lớn để phát triển bền vững ĐBSCL với tầm nhìn đến 2100./.

Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1327
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)