Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 04/10/2017-14:59:00 PM
Diễn đàn Chính sách cạnh tranh quốc gia
(MPI) – Ngày 03/10/2017, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Diễn đàn Chính sách cạnh tranh quốc gia do Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung và Cố vấn trưởng Dự án cải cách kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng xanh (GIZ) Michael Krakowski đồng chủ trì.

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: MPI

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho biết, cạnh tranh là động lực giúp cho nền kinh tế ngày càng năng động, hiệu quả và phát triển hơn. Cạnh tranh càng lớn càng thể hiện cấp độ phát triển của thị trường. Quá trình thực hiện chính sách cạnh tranh của Việt Nam thời gian qua cho thấy sự phân tán, chia cắt, thiếu tính hệ thống nên hiệu quả đạt được còn hạn chế. Luật cạnh tranh đã được ban hành nhiều năm nay nhưng hiệu quả thực hiện chưa cao, vai trò của cơ quan cạnh tranh vẫn còn mờ nhạt.

Tại Diễn đàn, đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã trình bày tổng quan hệ thống văn bản của pháp luật cạnh tranh và phân tích tác động hạn chế của các hành vi phản cạnh tranh tại Việt Nam. Đồng thời chỉ ra những điểm mới của dự án Luật cạnh tranh (sửa đổi) như: mở rộng phạm vi điều chỉnh, mở rộng đối tượng áp dụng, bổ sung chương trình khoan hồng và thay đổi cách tiếp cận về kiểm soát tập trung kinh tế…

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho biết, theo quy định của Luật cạnh tranh, các cơ quan cạnh tranh tại Việt Nam bao gồm Cơ quan quản lý cạnh tranh và Hội đồng cạnh tranh. Tuy nhiên, vai trò phản biện chính sách cạnh tranh của cơ quan quản lý cạnh tranh gần như chưa được quy định trong dự thảo Luật Cạnh tranh, do đó cần bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ này cho cơ quan quản lý cạnh tranh nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh và kiểm soát các quy định cản trở hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh, tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp.

Trong bối cảnh doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang đứng trước những thách thức gay gắt của yêu cầu đổi mới, phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, cùng những ảnh hưởng tiêu cực của suy thoái và trầm lắng kinh tế từ năm 2007-2008 đến nay, tái cơ cấu hệ thống DNNN cần được triển khai mạnh mẽ và đồng bộ. Bài trình bày của Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Hồ Sỹ Hùng nhấn mạnh việc xác lập thể chế thúc đẩy tái cơ cấu hệ thống DNNN, thông qua việc nhất quán tư tưởng chính sách về vị trí và vai trò của DNNN, tái cơ cấu DNNN được thực hiện ở cả hai cấp độ: Xây dựng hệ thống DNNN có cơ cấu tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt nhất của nền kinh tế, thu hẹp tối đa số doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; Nâng cao năng lực quản trị và cạnh tranh của từng doanh nghiệp nói riêng và toàn hệ thống DNNN nói chung, thích ứng và tiếp cận với chuẩn mực thông lệ thị trường. Ngoài ra, cần giảm tỷ trọng, ảnh hưởng của khu vực DNNN; Phân loại DNNN tương ứng với hình thức sắp xếp, chuyển đổi sở hữu; Hoàn thiện thể chế cổ phần hóa DNNN để thúc đẩy nhanh quá trình đã xác định; Hoàn thiện thể chế để xác lập can thiệp của chủ sở hữu đến DNNN phù hợp thông lệ quản trị doanh nghiệp, không tác động trực tiếp, làm méo mó thị trường; Điều chỉnh, bổ sung các thể chế nhằm phát triển thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, thị trường mua bán nợ nhằm mở rộng khả năng cơ cấu lại tài chính doanh nghiệp một cách linh hoạt; Điều chỉnh, bổ sung quy định theo hướng đặt các DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng, giảm dần tiến tới hạn chế các lợi thế về quyền và cơ hội kinh doanh dành riêng cho DNNN, các bao cấp và bảo hộ trong quá trình hoạt động; Giám sát, giải trình và minh bạch hóa hoạt động của DNNN.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách điều kiện kinh doanh, Nhà nước cần phải hành động thực chất và quyết liệt. Bên cạnh đó, cần giám sát, xử lý các cơ quan Nhà nước không bãi bỏ điều kiện kinh doanh mà Chính phủ đã yêu cầu và tăng cường vai trò rà soát, phản biện của các cơ quan độc lập như CIEM, các hiệp hội như VCCI…

Diễn đàn được nghe các chuyên gia giới thiệu tổng quan, cũng như phân tích tiềm năng và thực trang cạnh tranh ngành điện ở Việt Nam, đồng thời chỉ ra vai trò của hạ tầng cốt lõi trong việc thúc đẩy cạnh tranh; Thực trạng sử dụng đất nông nghiệp và sự vận hành của thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp tại Việt Nam hiện nay, đề xuất một số giải pháp thể chế và chính sách nhằm thúc đẩy tích tụ và tập trung ruộng đất, hướng tới phát triển nền nông nghiệp hiện đại, giá trị cao./.

Nguyễn Hương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 2557
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)