Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 30/09/2017-14:52:00 PM
Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2017
(MPI) – Ngày 29/9/2017, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Họp báo “Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2017” dưới sự chủ trì của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm.
Toàn cảnh buổi Họp báo. Ảnh: Mai Phương (MPI)

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2017 ước tính tăng 6,41% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó quý I tăng 5,15%, quý II tăng 6,28% và ước tính quý III tăng 7,46%. Mức tăng trưởng của 9 tháng năm 2017 cao hơn mức tăng 5,99% của cùng kỳ năm 2016. Trong mức tăng 6,41% của toàn nền kinh tế 9 tháng năm 2017, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm vào mức tăng chung; Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,17%, đóng góp 2,45 điểm phần trăm; Khu vực dịch vụ tăng 7,25%, đóng góp 2,80 điểm phần trăm.

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành thủy sản đạt mức tăng cao nhất với 5,42% so với cùng kỳ năm 2016, đóng góp 0,17 điểm phần trăm vào mức tăng chung; Ngành lâm nghiệp tăng 5,00%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; Ngành nông nghiệp mặc dù tăng cao hơn mức tăng 0,02% của cùng kỳ năm 2016 nhưng có dấu hiệu chững lại so với 6 tháng đầu năm 2017 khi tốc độ tăng chỉ ở mức 1,96%, đóng góp 0,23 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 6,95%, thấp hơn mức tăng 9,86% và 7,40% của cùng kỳ năm 2015 và năm 2016, chủ yếu do ngành khai khoáng 9 tháng năm 2017 giảm tới 8,08%, làm giảm 0,57 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung. Điểm sáng của khu vực này là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 12,77% (cao hơn cùng kỳ năm 2016), đóng góp 2,15 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Ngành xây dựng duy trì tăng trưởng khá với tốc độ 8,30%, đóng góp 0,47 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Trong khu vực dịch vụ, mức tăng của một số ngành có tỷ trọng lớn: Bán buôn và bán lẻ tăng 8,16% so với cùng kỳ năm 2016, là ngành có đóng góp cao nhất vào mức tăng trưởng chung (0,75 điểm phần trăm); Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,00%, đóng góp 0,35 điểm phần trăm; Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,89% (mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây), đóng góp 0,40 điểm phần trăm; Hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 3,99% (mức tăng cao nhất từ năm 2012 trở lại đây), đóng góp 0,22 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm 2017, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,66%; Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 32,50%; Khu vực dịch vụ chiếm 42,67%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,17% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2016 là: 15,52%; 32,52%; 41,77%; 10,19%).

Xét về góc độ sử dụng GDP 9 tháng năm 2017, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,30% so với cùng kỳ năm 2016, đóng góp 8,76 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung (trong đó tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư đóng góp lớn nhất với 8,02 điểm phần trăm); Tích lũy tài sản tăng 9,80%, đóng góp 4,78 điểm phần trăm; Chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ ở tình trạng nhập siêu làm giảm 7,13 điểm phần trăm của mức tăng trưởng chung.

Tại buổi Họp báo, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2017 tiếp tục chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tốc độ tăng trưởng cải thiện rõ nét qua từng quý. Các ngành dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng khá. Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện…Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với những khó khăn, thách thức như: công nghiệp khai khoáng tiếp tục giảm sút, sản xuất nông nghiệp có dấu hiệu chững lại. Tiến độ thu ngân sách Nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm…

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, để hoàn thành tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,7%, nhiệm vụ trong những tháng cuối năm còn rất lớn, đòi hỏi các ngành, các cấp, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp phải tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017; Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 cùng các giải pháp đã được đề ra tại các Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện kịch bản tăng trưởng cả năm 2017.

Đồng thời, tiếp tục điều hành chính sách tài chính, tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần ổn định thị trường tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, thực hiện các biện pháp nhằm giảm lãi suất cho vay, phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm 2017 đạt 21%. Tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao; Tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng tiếp cận vốn vay thuận lợi để phát triển sản xuất kinh doanh...

Tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm 2017, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, trong đó chú trọng các dự án lớn, dự án quan trọng, các chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo thực hiện và giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công được giao năm 2017. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng; không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản.

Tiếp tục thúc đẩy nhu cầu trong nước, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước đối với hàng nhập khẩu, góp phần duy trì tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường xuất khẩu thông qua việc chuẩn bị các nguồn hàng đảm bảo yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, vệ sinh an toàn thực phẩm để xuất khẩu sang các thị trường đã ký kết Hiệp định thương mại tự do. Kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, nhất là nhập khẩu tiểu ngạch và các hoạt động tạm nhập, tái xuất hàng nông sản. Thực hiện tốt công tác dự báo thị trường, chủ động xây dựng các biện pháp ứng phó với các rào cản thương mại với những thay đổi chính sách của Mỹ áp dụng cho sản phẩm xuất khẩu tôm, cá tra của Việt Nam. Duy trì và tăng cường xuất khẩu mặt hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; Hỗ trợ kịp thời, bảo đảm cho người dân vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão, lũ ổn định đời sống, khôi phục sản xuất.../.

Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2064
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)