(MPI) – Trong chương trình làm việc của phiên họp thứ 15, ngày 12/10/2017, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghe và thảo luận về báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018.
|
Toàn cảnh phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Ảnh: Chinhphu.vn |
Năm 2017: Kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật
Báo cáo của Chính phủ tại Phiên họp khẳng định, với tinh thần chỉ đạo xuyên suốt năm 2017 là tập trung thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; Kiên định, quyết tâm đạt được mục tiêu đề ra. Nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật.
Trong đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội, Chính phủ có nhiều đổi mới, quyết liệt và toàn diện hơn với nhiều biện pháp cụ thể, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện, trong đó tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí cho doanh nghiệp, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, ...
Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 4%; Các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo; Tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý, đáp ứng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tập trung cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên, khu vực sản xuất kinh doanh.
Kết quả nổi bật năm 2017 là tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 6,7%, hoàn thành mục tiêu đề ra, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước với khoảng cách lớn, trên 1 điểm phần trăm; Quy mô GDP (theo giá hiện hành) đạt khoảng 5 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 225 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng 2.400 USD.
Bên cạnh đó, nhiều chỉ tiêu khác cũng tăng cao so với năm 2016, phản ánh kết quả tăng trưởng năm 2017 là hợp lý, như: xuất khẩu tăng mạnh, ước đạt 202 tỷ USD, tăng 14,4% (cao gấp hơn 2 lần so với tốc độ tăng GDP và cao gấp 1,5 lần tốc độ tăng của năm 2016); Thu ngân sách nhà nước ước tăng 10,1% (cao gấp 1,5 lần so với tốc độ tăng GDP); Huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 33,4% GDP, tăng 12,6% (cao gấp gần 1,5 lần tốc độ tăng của năm 2016), trong đó vốn FDI thực hiện tăng mạnh, ước đạt 17 tỷ USD, tăng 7,5%, vốn đầu tư thực hiện thông qua góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt khoảng 3 tỷ USD; Doanh nghiệp thành lập mới tăng cao, tăng 13,5% về số doanh nghiệp và tăng 36,3% về số vốn đăng ký...
Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế năm 2017 tăng 5 bậc, đứng thứ 55/137 quốc gia, vượt qua Philippines và đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN. Môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 9 bậc, đứng thứ 82/190 nền kinh tế, duy trì vị trí thứ 5 trong khu vực ASEAN.
Việc thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và triển khai 03 đột phá chiến lược đều được các cấp, các ngành tập trung triển khai, điển hình là cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu theo Nghị quyết của Quốc hội và đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Triển khai các giải pháp ưu tiên phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi mô hình phát triển; Khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư để sớm triển khai thực hiện các dự án quan trọng quốc gia...
Công tác cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí được triển khai quyết liệt, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các lĩnh vực xã hội đều có những tiến bộ và chuyển biến tích cực. Công tác đối ngoại, ngoại giao kinh tế đạt nhiều kết quả tích cực, nhất là trong quan hệ đối ngoại song phương.
Tuy nhiên, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế diễn ra chậm, chưa đồng bộ ở các Bộ, ngành, địa phương. Chất lượng tăng trưởng kinh tế tuy đã có cải thiện một bước nhưng vẫn ở mức thấp so với yêu cầu, tỷ trọng vốn đầu tư toàn xã hội trên GDP chiếm 33,4%, do nền kinh tế còn trong giai đoạn thu hút đầu tư phát triển. Vấn đề giới hạn của nợ công, nợ xấu, nợ đọng xây dựng cơ bản làm hạn chế và thu hẹp dư địa đối với chính sách, nhất là chính sách tài khóa, tiền tệ. Các chính sách, giải pháp mới về thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững cũng gặp nhiều khó khăn về nguồn lực. Giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2017 còn chậm, tạo áp lực giải ngân trong các tháng cuối năm. Công tác dự báo thị trường còn nhiều hạn chế. Hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội chưa cao, chậm đi vào cuộc sống, chưa được triển khai cụ thể và phát huy hiệu quả ở cấp cơ sở…
Năm 2018 tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô
Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, định hướng chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 là “Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô. Tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; Khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực hiện quyết liệt cải cách hành chính; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và người đứng đầu. Đồng thời làm tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội; Thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế”.
Trên cơ sở Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 đã được Quốc hội thông qua, dự kiến một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 như sau: GDP tăng 6,5 - 6,7%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7 - 8%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 33-34% GDP...
Trên cơ sở các mục tiêu đề ra, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 tập trung thực hiện các nhóm giải pháp chính, giải quyết những nhiệm vụ chủ yếu gồm: Tăng cường ổn định vĩ mô; Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách; Tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4, Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị; Tạo chuyển biến rõ nét về cơ cấu lại nền kinh tế và 03 đột phá chiến lược; Chú trọng phát triển hiệu quả văn hóa, xã hội, chăm lo đời sống nhân dân; Tăng cường bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; Đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí; Giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế; Thực hiện hiệu quả công tác thông tin truyền thông.
Phát biểu thảo luận tại Phiên họp, đa số ý kiến thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí với đánh giá của Chính phủ về việc bảo đảm thực hiện mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. Về cơ bản, các giải pháp điều hành chính sách kinh tế vĩ mô đã được thực thi đúng hướng và phù hợp với diễn biến thị trường, nền kinh tế duy trì được ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, thiết lập nền tảng cho tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, mặc dù kết quả đạt được là khá tích cực, song kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, hạn chế cần tập trung khắc phục như việc thực hiện nội dung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế một cách thực chất còn chậm.
Với tình hình tăng trưởng kinh tế khả quan, chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát tốt và các cân đối vĩ mô cơ bản ổn định, thì một loạt các giải pháp, chính sách đã đề ra cần phải được xem xét, điều chỉnh hợp lý hơn. Bên cạnh đó, các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn cần được quan tâm, đánh giá rõ hơn về chất lượng, tránh những rủi ro phát sinh tiêu cực...
Liên quan đến tốc độ tăng trưởng GDP năm 2017 ước thực hiện sẽ đạt 6,7% với điều kiện tăng trưởng quý IV đạt mức 7,4 - 7,5%, nhiều ý kiến cho rằng, đây vẫn là thách thức lớn do những nhóm yếu tố tạo đà tăng trưởng trong 9 tháng năm 2017 chịu nhiều tác động; Rủi ro tiềm ẩn đối với tăng trưởng của ngành nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thời tiết, các yếu tố cảnh báo về thiên tai, bão lụt vẫn hiện hữu là thách thức lớn đối với tăng trưởng của khu vực nông nghiệp...
Một số ý kiến đề nghị, năm 2018 phải có các chính sách, biện pháp có tính khả thi cao, mang tính đột phá để đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, kiểm soát nợ công, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu... Đồng thời thực hiện hiệu quả hơn nữa các giải pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ, tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư.
Gỡ bỏ các rào cản, điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý, gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thời gian thực hiện thủ tục, cắt giảm chi phí giao dịch không chính thức của doanh nghiệp và người dân. Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt hơn nữa các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội.
Các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đã đóng góp ý kiến liên quan đến các giải pháp tăng thu ngân sách, chống thất thu, tiết kiệm chi, cân đối thu chi ngân sách, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư.../.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư