Ảnh minh họa. Nguồn: MPI (MPI) - Trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao xây dựng Đề án tổng thể về chính sách cạnh tranh quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ trong Quý IV năm 2017.
Mục tiêu của Đề án là đánh giá tổng thể hệ thống chính sách có liên quan đến cạnh tranh để xác định đúng thực trạng, khiếm khuyết và đề xuất các giải pháp cải cách góp phần phát triển thị trường cạnh tranh, thúc đẩy, nâng cao năng suất, hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh.
Trên quan điểm, Chính sách cạnh tranh quốc gia phải được ưu tiên như một trụ cột quan trọng trong hệ thống thể chế kinh tế thị trường, coi xây dựng và thi hành chính sách cạnh tranh là một nội dung ưu tiên hàng đầu trong việc thực hiện các nghị quyết của Đảng và Chính phủ về xây dựng thể chế kinh tế thị trường và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Chính sách cạnh tranh quốc gia toàn diện không chỉ là Luật Cạnh tranh và việc thi hành luật này để hạn chế, kiểm soát các hành vi phản cạnh tranh mà phải là tư duy về việc tích cực, chủ động tạo dựng một sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp thuộc mọi loại hình, quy mô và lĩnh vực, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh để nguồn lực quốc gia được sử dụng hiệu quả nhất và để doanh nghiệp luôn có động lực đầu tư, đổi mới và sáng tạo. Đó là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Chính sách cạnh tranh phải đảm bảo hài hòa hóa với các “luật chơi” mang tính quốc tế. Chính sách cạnh tranh không chỉ nhằm thiết lập một môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng mà còn nhằm đảm bảo tạo môi trường đầu tư tin cậy cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Chính sách cạnh tranh cần thực hiện tốt vai trò là cơ chế thiết lập, duy trì, bảo vệ cạnh tranh, góp phần thúc đẩy sự hình thành các quan hệ thị trường cho đời sống kinh tế, hình thành cơ chế tự điều chỉnh của thị trường,… bảo vệ quyền lợi của các bên có liên quan.
Đề án đưa ra các định hướng giải pháp chủ yếu cải cách tổng thể chính sách cạnh tranh quốc gia như: Nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về cạnh tranh, chính sách cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường; Đổi mới cách thức quản lý nhà nước theo hướng tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng; Xác định đúng vai trò của Nhà nước, kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế nhằm giảm thiểu sự tham gia của nhà nước trong các hoạt động kinh tế, cơ cấu lại độc quyền nhà nước, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân; Hoàn thiện mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường, xác định rõ chức năng nhà nước và thị trường; Thiết lập và giám sát cơ chế đánh giá tác động cạnh tranh của các chính sách, pháp luật, đặc biệt cơ chế đánh giá, quản lý chất lượng các quy định về kinh doanh.
Dự thảo Đề án đang được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xin ý kiến rộng rãi./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư