Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng (MPI) - Ngày 31/10/2017, trong phiên Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018 - 2020, đa số các đại biểu thống nhất cao với Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện và đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành, cả hệ thống chính trị và tầng lớp nhân dân.
Bên cạnh đó, một số ý kiến còn băn khoăn về thách thức, khó khăn, hạn chế, bất cập và một số giải pháp đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tiếp thu và giải trình làm rõ.
Về tốc độ tăng trưởng GDP của năm 2017, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định về mặt số liệu là đáng tin cậy, phương pháp thống kê là có cơ sở khoa học và khách quan, được thực hiện đúng quy định của pháp luật về thống kê, đã áp dụng nhiều năm nay, được các tổ chức quốc tế lớn như Ngân hàng thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công nhận.
Về mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% của năm 2017, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tăng trưởng GDP quý III đạt mức cao 7,46%, là quý có khả năng quyết định hoàn thành nhiệm vụ cả năm. Như vậy, quý IV chỉ cần đạt 7,31% là cả năm có thể đạt 6,7%.
Theo quy luật, quý IV bao giờ cũng tăng trưởng cao nhất, do vậy hoàn toàn có thể tin tưởng quý IV sẽ đạt kết quả 7,31% để đảm bảo cả năm đạt 6,7%. Đề cập các nguyên nhân chính dẫn tới kết quả tích cực này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, trong tháng 10 năm 2017, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp đạt 8,7%, cao hơn so cùng kỳ năm 2016 là 7,3% và 9 tháng năm 2017 là 7,1%.
Trong 10 tháng năm 2017, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 10,5 triệu lượt khách, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2016, cả năm ước đạt khoảng 13 triệu lượt khách; Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký đạt 28,2 tỷ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm 2016; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 10,7%; Xuất khẩu tăng mạnh, ước đạt 125,5 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2016. Cả năm 2017 ước sẽ xuất khẩu khoảng 204 tỷ USD, lần đầu tiên vượt ngưỡng 200 tỷ; Cả nước có 105 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký là 1,02 triệu tỷ đồng, tăng 14,6% về số lượng doanh nghiệp và tăng 43,8% về số vốn đăng ký.
Cùng với đó, về chu kỳ tăng trưởng GDP trong năm cũng có sự khác biệt giữa các quý. Hiện tượng và tốc độ tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước trong năm nhưng quý I năm sau thấp hơn quý IV của năm trước đã được các tổ chức quốc tế tại Việt Nam như IMF đánh giá và phản ánh đúng chu kỳ, mùa vụ trong tăng trưởng của năm.
Qua tổng hợp cho thấy, cơ cấu giá trị GDP của một năm cũng có sự khác biệt, bình quân giá trị GDP của quý I chiếm 18%, quý II chiếm 24%, quý III chiếm 26%, quý IV chiếm 32% tổng giá trị GDP của cả năm và quý IV thường có một tỷ trọng lớn nhất và có một vai trò quan trọng quyết định tăng trưởng của cả năm.
Đánh giá về chất lượng tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2011 - 2017, nhìn chung đã có nhiều cải thiện và dần được nâng lên, tuy chưa phải ở mức độ cao nhưng cùng với tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin tưởng chất lượng tăng trưởng kinh tế sẽ ngày càng được cải thiện đúng hướng và đạt được ở mức độ cao, tích cực hơn.
Đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 từ 6,5% - 6,7%, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trên cơ sở dự báo tình hình trong nước, quốc tế và có tính đến đà tăng trưởng tích cực của năm 2017 sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2018, những khó khăn, thách thức khó lường có thể xảy ra; Căn cứ định hướng, mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 nhằm đảm bảo tăng được tính linh hoạt trong điều hành kinh tế theo điều kiện thực tế của năm 2018 thì mục tiêu đặt ra là hợp lý với các nguyên nhân như: Tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu năm 2018 được dự báo là tích cực và tiếp tục duy trì được sự phục hồi, tuy nhiên cũng cần thận trọng những khó khăn, thách thức khó lường, nhất là những nguy cơ bất ổn về an ninh, chính trị trong khu vực và xu thế bảo hộ mậu dịch của một số quốc gia; Các ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, khách du lịch quốc tế, các hoạt động bán lẻ, kinh doanh dịch vụ tiếp tục đà tăng cao.
Về đầu tư công, có ý kiến nêu vấn đề chậm giao vốn và giải ngân chậm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật đầu tư công và kế hoạch đầu tư công trung hạn lần đầu tiên được áp dụng và trải qua hơn 2 năm thực hiện đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên vẫn còn một số bất cập, vướng mắc cần được đánh giá tổng thể và tiếp tục hoàn chỉnh theo hướng vừa quản lý chặt chẽ, hiệu quả đầu tư công, tránh dàn trải, lãng phí, thất thoát và nợ đọng xây dựng cơ bản, đồng thời phải tạo được thuận lợi đơn giản hóa thủ tục hành chính để đẩy nhanh việc giao vốn và giải ngân phát huy hiệu quả. Mặc dù, kế hoạch vốn ngân sách nhà nước không bao gồm trái phiếu Chính phủ năm 2017 đã được giao ngay từ đầu năm và đạt ngay 93% trước ngày 31/12 nhưng tốc độ giải ngân thấp, hết 9 tháng mới đạt 54%.
Về nguyên nhân chậm giao vốn trái phiếu Chính phủ là do đặc thù chỉ được phân bổ cho các dự án phải nằm trong danh mục sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ được Quốc hội thông qua, không được điều hòa sang các nguồn tiền khác. Trong khi năm 2017 phải vừa giao kế hoạch trung hạn và vừa giao kế hoạch hằng năm nên đã gặp nhiều lúng túng trong khâu chuẩn bị dự án, mất nhiều thời gian khi hoàn thành các thủ tục đầu tư đối với các dự án khởi công mới. Về khách quan là do phải thực hiện các quy định chặt chẽ hơn của Luật đầu tư công trong bối cảnh chưa quen với các quy định mới nên còn nhiều bất cập cũng như lúng túng. Về chủ quan thì bên cạnh việc chưa tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các trình tự, thủ tục cần thiết của các cơ quan liên quan còn có trách nhiệm của các cơ quan tổng hợp còn nể nang, chưa đôn đốc kịp thời, thiếu kiên quyết. Công tác dự kiến kế hoạch nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đầu năm còn nhiều hạn chế, dự kiến chưa sát với thực tế, việc chuẩn bị các dự án đủ điều kiện để phân bổ giao vốn không đồng đều giữa các Bộ, ngành, địa phương nên xảy ra tình trạng chờ đợi lẫn nhau để tổng hợp và phải giao thành nhiều đợt nhằm đáp ứng yêu cầu của các Bộ, ngành, địa phương.
Về nguyên nhân giải ngân thấp, về chủ quan là do việc giao vốn chậm, tuy nhiên Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định đó không phải là nguyên nhân chủ yếu, vì cơ bản chỉ chậm đối với các dự án khởi công mới thuộc nguồn vốn trái phiếu Chính phủ do chưa đủ thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư theo quy định của Luật đầu tư công. Báo cáo tác động môi trường cũng mất nhiều thời gian và một số vướng mắc chưa kịp được tháo gỡ kịp thời, các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các thủ tục sau khi được giao kế hoạch còn mất rất nhiều thời gian như thủ tục hoàn thiện thẩm định, phê duyệt, thiết kế kỹ thuật của dự án, thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu ký hợp đồng, thủ tục hoàn thiện hồ sơ thanh quyết toán khối lượng thẩm định ở kho bạc. Cơ quan chủ quản chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án chưa quyết liệt trong việc đôn đốc, chỉ đạo công tác triển khai dự án thi hành và quyết toán.
Về khách quan, đó là công tác giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn, một số còn phụ thuộc vào các yếu tố về thời tiết như mưa, bão, lũ và tiến độ thi công công trình bị ảnh hưởng, nhiều công trình bị đình trệ và không thực hiện dẫn tới khối lượng thanh toán và giải ngân vốn chậm.
Về giải pháp, Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện quyết liệt và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công tại Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 03/8/2017 của Chính phủ, đặc biệt trong đó chỉ đạo các cơ quan thanh tra, kiểm tra thực hiện công khai và làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, các Bộ, ngành, địa phương gây chậm trễ trong việc giao vốn, chậm giải ngân và kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân gây cản trở, trì trệ, thiếu trách nhiệm trong việc giao vốn và giải ngân vốn đầu tư công. Theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân và kế hoạch đầu tư công của năm 2017, phát hiện kịp thời xử lý những vướng mắc, chỉ đạo các chủ đầu tư tăng cường công tác giám sát thi công, kiểm tra chất lượng công trình, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị thực hiện. Riêng về kế hoạch năm 2018, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổng hợp báo cáo Chính phủ và phấn đấu sẽ giao một lần hết kế hoạch ngân sách nhà nước trước ngày 31/12/2017./.
Đức Trung
Bộ Kế hoạch và Đầu tư